Vắng lặng mùa cá
Mất dần ưu thế Vĩnh Gia
Người ta ví nơi đây như “túi cá đồng” cuối nguồn, bởi địa bàn Vĩnh Gia nằm trên đoạn cuối kênh Vĩnh Tế (địa phận An Giang) và tiếp giáp cánh đồng Vĩnh Điều (địa phận Kiên Giang).
Theo dòng chảy mùa nước nổi, nếu như khu vực biên giới An Phú và Tân Châu dồi dào nguồn lợi thủy sản đầu mùa, thì khu vực Lạc Quới và Vĩnh Gia (Tri Tôn) lại phong phú chủng loài (cá rô, cá trê, cá chốt…) ở cuối vụ.
Với vùng xa, khu vực biên giới này, gia đình có đất ruộng nhiều thì lo sản xuất, người ít đất (hoặc không đất) đánh bắt cá để kiếm sống.
Không còn chuyện chài cá trên kênh Trà Sư
Thế nhưng, ưu thế thiên nhiên dành cho Vĩnh Gia không còn như xưa và ngay cả khu vực biên giới Lạc Quới cũng vậy.
Ông Nguyễn Văn Thanh (ấp Vĩnh Cầu) chia sẻ: “Bây giờ, cá mắm ở đây đâu còn bao nhiêu, từ từ mất hết.
Chợ sáng hoặc chiều ở Vĩnh Gia rất ít cá.
Hồi trước đâu phải vậy, cuối tháng chín âm lịch là rộ mùa, lớp giăng câu, giăng lưới…”.
Theo ông Thanh và nhiều cư dân biên giới, mùa nước lên đồng thấp và các tuyến kênh ngày càng cạn kiệt, cá đầu nguồn đổ về không nơi trú ngụ và lại sinh sản không theo kịp chu kỳ mực nước rút.
Con cá linh trở nên thiếu vắng
Tuyến kênh Xã Võng từ Vĩnh Tế đâm vô núi Tượng, nối liền Lạc Quới – Ba Chúc, có 2 cầu sắt Vĩnh Thông và kênh T6 điều tiết lũ vào vùng Tứ giác Long Xuyên.
Do vậy, khi mực nước đồng bắt đầu rút, mùa đánh bắt cá ở đây trở nên nhộn nhịp, hoạt động trao đổi, mua bán và vựa nguyên liệu làm mắm luôn diễn ra tất bật.
Ấy vậy mà, cuối tháng chín âm lịch năm nay, đi dọc tuyến kênh Xã Võng không khí khá yên ắng, những chiếc xe Honda thồ cá chốt, cá linh từ miệt Vĩnh Gia đi ra và Lạc Quới chở qua cũng chẳng thấy bóng dáng, còn các chủ vựa thì thư thả.
Ba Thê khan hiếm cá đồng
Dân đặt lọp đường giăng quen thuộc vùng Ba Thê, nhất là thời còn cây lúa mùa nổi, rồi đến khi khai hoang phục hóa và tăng vụ, tăng diện.
Những người lớn tuổi nhớ rõ con cá dầy rất ngon, chế biến nhiều món ăn dân dã.
“Bên cạnh mấy thứ rắn, rùa, tôm, lươn, ếch… thì nó cũng là đặc sản miệt đồng.
Dân nhà nông tôn vinh như vậy” – ông Trần Văn Phước (núi Tượng, xã An Bình, Thoại Sơn) kể vui.
Đối với con cá heo khỏi phải chê, canh chua, nướng, kho… ăn cơm với gạo đỏ không gì bằng.
Nhà quê mà, hễ bắt được cá thì ăn trước, mới tính chuyện bán sau.
Đi chợ vùng Ba Thê bây giờ, ít thấy cá lóc hoặc cá rô thiên nhiên, còn con cá trèn bầu, cá kết, cá éc, cá rầm… gần như biến mất.
Mùa nước, thủy sản phần nhiều là cá tạp, khác xa so với hồi trước.
Đó là nhận xét chung của cư dân Tây Phú, Mỹ Phú Đông (Thoại Sơn), Vĩnh Nhuận (Châu Thành)… Theo ông Trần Văn Dũng (cầu số 10, xã Tân Tuyến, Tri Tôn), sau chợ Cô Tô thì nơi đây cũng là “điểm” tập trung nguồn cá đồng, sau đó vận chuyển ra Ba Thê bằng đường bộ và đường sông.
“Chuyện đó là hồi xưa, chứ bây giờ hổng còn sung túc đâu.
Nước nôi hổng có, cá mắm hổng đủ ăn, có đâu mà bán” – ông Dũng dí dỏm.
Vùng Ba Thê mệnh danh “vựa cá” Tứ giác Long Xuyên, với nhiều loại hình đánh bắt thiên nhiên, người ta thường giăng lưới, thả câu, cắm câu, nhấp cá lóc… Song, thủy sản ngày càng khan hiếm và sản lượng đánh bắt quanh vùng cũng dần ít đi.
“Do dân đi đánh bắt được ít, mình phải chầu chực, có khi cả buổi chợ hổng được bao nhiêu.
Mà, hổng có cá ngon nữa chứ, khan hiếm sao đó” – anh Mai Sao (bạn hàng ngoại thành Long Xuyên) bảo.
Việc mua bán ngày nay vất vả hơn trước nhiều, kiếm được đồng lời không phải chuyện dễ, gia đình anh bỏ nghề mua bán cá đồng và chuyển sang kiếm chuyện khác làm ăn.
Nếu như năm 2013, sản lượng đánh bắt thủy sản toàn tỉnh khoảng 33.700 tấn thì sang năm 2014 giảm còn 31.000 tấn.
Trong đó, sản lượng cá khoảng trên 20.000 tấn chỉ bằng 87,74% so năm 2013.
Có thể bạn quan tâm
Nắng nóng kéo dài, cùng với việc bất cẩn của người dân đã làm nhiều diện tích mía tại cánh đồng Ktung (xã Tơ Tung, Gia Lai) bị thiêu rụi.
Để giúp nông dân ở vùng ngập mặn thay thế vụ nuôi tôm sú trong mùa mưa - thường xuyên gặp rủi ro, thua lỗ, do điều kiện thời tiết, môi trường diễn biến bất lợi, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Trà Vinh đã phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh tổ chức thực hiện đề tài nuôi thực nghiệm “Luân canh tôm càng xanh thương phẩm trong ao nuôi tôm sú” tại địa bàn các huyện ven biển.
Trước diễn biến thời tiết rét đậm đột ngột, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khuyến cáo tới bà con nông dân làm tốt công tác phòng chống rét cho cây trồng.
Thời gian gần đây, tiêu thụ cá ngừ nguyên liệu tại Nhật Bản cải thiện đáng kể do nguồn cung từ cá ngừ vây xanh tươi tăng và giá giảm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 194 hộ trồng thanh long ruột đỏ (TLRĐ), chủ yếu là giống Long Định I-H14, với quy mô 52,7 ha, tương đương 58.233 trụ, tập trung chủ yếu ở các huyện: Thạch Thành, Bỉm Sơn, Đông Sơn, Yên Định.