Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ứng Dụng VietGAP Trong Nuôi Trồng Thủy Sản Điều Kiện Cần, Đủ Và Cấp Thiết

Ứng Dụng VietGAP Trong Nuôi Trồng Thủy Sản Điều Kiện Cần, Đủ Và Cấp Thiết
Ngày đăng: 04/12/2014

Tổng Cục Thủy sản vừa phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo “Ứng dụng VietGAP trong phát triển nuôi thủy sản bền vững tại Việt Nam”. Đây là dịp để những người làm công tác quản lý liên quan đến nguồn lợi thủy sản của các địa phương trao đổi, thảo luận về việc ứng dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nuôi thủy sản tốt Việt Nam) trong nuôi trồng thủy sản.

Thách thức

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết: Những năm qua, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngành thủy sản của cả nước có những bước tiến vượt bậc.

Theo số liệu ước tính, năm 2013, tổng sản lượng thủy sản của cả nước đạt trên 6 triệu tấn, tăng hơn 2% so với năm 2012. Trong đó, sản lượng khai thác đạt trên 2,7 triệu tấn; nuôi trồng đạt 3,34 triệu tấn. Hai đối tượng nuôi chủ lực là: cá tra đạt trên 1,1 triệu tấn trên tổng diện tích nuôi là 5.200 ha; tôm nước lợ đạt gần 550.000 tấn trên tổng diện tích nuôi là 666.000 ha.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng dẫn đầu cả nước về diện tích nuôi lẫn sản lượng. Các sản phẩm của nghề nuôi đã có những đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, nông dân đã và đang gặp không ít khó khăn như: về nguồn cung cấp giống, giá thức ăn, áp lực về môi trường, thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh xảy ra thường xuyên… tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của người dân.

Theo bà Trần Thị Thu Nga, Phó Ban phát triển Thủy sản Bền vững, kiêm Giám đốc FACOD – Hội Nghề cá Việt Nam, theo thống kê hiện nay, nghề khai thác thủy sản có chiều hướng giảm nhưng nghề nuôi thủy sản tiếp tục tăng. Nhất là nuôi tôm nước lợ, cá tra đang phát triển mạnh và nhanh.

Kéo theo đó là các mầm bệnh khó trị, lây lan trong vùng nuôi xuất hiện ngày càng tăng; chất lượng con giống, thức ăn và nguồn nước kém, dư lượng hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm ngày càng cao nên đã ảnh hưởng đến chất lượng đối tượng thủy sản nuôi.

Vì vậy, cần phải có phương pháp nuôi như thế nào để giúp người dân nuôi thực hành thủy sản tốt hơn, hạn chế những khó khăn và rủi ro của nghề nuôi. Theo ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, hộ nuôi tôm nhỏ, lẻ ở Sóc Trăng chiếm khoảng 80%. Người nuôi đang gặp khó khăn về vốn nuôi, xử lý môi trường, dịch bệnh, chất lượng con giống chưa đảm bảo… Vì vậy, việc áp dụng bộ tiêu chuẩn VietGap sẽ giúp cho nghề nuôi thủy sản phát triển bền vững, trong đó có con tôm.

Ứng dụng VietGAP trong nuôi thủy sản

Tại hội thảo “Ứng dụng VietGAP trong phát triển nuôi thủy sản bền vững tại Việt Nam”, các đại biểu đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm về đầu ra, cũng như gánh nặng tài chính cho người nuôi thủy sản.

Đồng thời, cũng xác định được mối tương đồng, tương quan của các bộ tiêu chuẩn, khả năng chia sẻ thị trường và khả năng phối hợp, công nhận lẫn nhau giữa các bộ tiêu chuẩn để từ đó giúp cho ngành nuôi thủy sản Việt Nam thời gian tới có những bước tiến quan trọng; trong đó đặc biệt chú ý đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe động vật thủy sản, phúc lợi xã hội và an toàn cho người lao động; sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Việc ban hành, áp dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP được xem là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của nghề nuôi, giúp nghề nuôi phát triển bền vững, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm hỗ trợ cho các hoạt động xuất khẩu thủy sản.

Sóc Trăng là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm cao nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Niên vụ tôm nước lợ 2014, toàn tỉnh thả nuôi trên 46.700 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh chiếm hơn 39.000 ha; diện tích nuôi tôm thẻ trên 27.100 ha, tăng 1,7 lần so với năm 2013.

Ước sản lượng tôm nước lợ năm 2014 của tỉnh đạt 81.700 tấn, trong đó sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt gần 66.000 tấn. Năng suất bình quân đối với tôm thẻ chân trắng đạt 1,1 tấn/ha, tôm sú là 3,7 tấn/ha.

Nhưng hiện nay, người nuôi tôm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Theo đó, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại trong vụ nuôi năm 2014 là 19.550 ha, chiếm hơn 41% diện tích thả nuôi và tăng 10% so với năm 2013. Vì vậy, áp dụng VietGAP đang được nông dân đón nhận và áp dụng.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, Sóc Trăng, cho biết: “Áp dụng nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP giúp người nuôi tôm nhận biết và xác định được những ưu, khuyết điểm trong việc quản lý và chăm sóc tôm nuôi. Người nuôi tránh được những khó khăn, rủi ro thông qua việc ghi chép theo tiêu chí VietGAP giúp hộ nuôi nắm rõ về kỹ thuật, hiểu thông số về môi trường, thành thục trong sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh cho tôm, cũng như sử dụng hóa chất xử lý môi trường nước nuôi…

Theo đánh giá của những hộ thực hiện, để có chứng nhận VietGAP trong nuôi tôm đã có tỷ lệ ao nuôi thành công hơn so với các hộ không thực hiện. Tuy nhiên, ở Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, đa phần là hộ nuôi tôm nhỏ, lẻ, việc nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP rất tốn kém và khó thực hiện. Vì vậy, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng hơn...

Lộ trình thực hiện VietGAP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất: Đến năm 2015 có 30% cơ sở nuôi thâm canh, bán thâm canh, các mô hình nuôi cải tiến đạt chứng nhận VietGAP và đến năm 2020 sẽ là 80%.

Trong thực tế, ngoài bộ tiêu chuẩn VietGAP, người nuôi cũng đã ứng dụng một số bộ tiêu chuẩn khác như: ASC, GlobalGAP, BAP… Theo ông Phạm Khánh Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, VietGAP đảm bảo 4 chữ “A” là: “an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và an sinh xã hội”.

Hiện nay, chúng ta ngày càng hội nhập vào nền kinh tế thế giới, nên yêu cầu phải có sản phẩm sạch, môi trường không bị ô nhiễm, đảm bảo sức khỏe cho con người, nâng cao đời sống an sinh xã hội ngày càng cao. Để có sản phẩm xuất khẩu, bán được giá cao, người tiêu dùng ưa chuộng thì phải có sản phẩm sạch.

Vì vậy, VietGAP là điều kiện cần, đủ và cấp thiết. Trên thị trường hiện nay, những sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP bán ra luôn có giá trị cao hơn từ 15 - 20% so với sản phẩm bình thường. Hiện nay, Nhà nước đang có chính sách hỗ trợ cho bà con về công tác đào tạo, cơ sở hạ tầng, hoạt động xúc tiến thương mại.

Vì vậy, VietGap không phải khó mà yêu cầu người nuôi phải có ý thức sản xuất ra sản phẩm sạch. ĐBSCL là vùng nuôi trồng thủy sản lớn của cả nước, sản lượng chiếm 76% sản lượng thủy sản toàn quốc, về sản phẩm nuôi trồng thủy sản chiếm 90%. Vì vậy, nếu sản xuất ra những sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP thì hiệu quả kinh tế vô cùng lớn.

Nguồn bài viết: http://www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=72&id=157787


Có thể bạn quan tâm

Chấn Chỉnh Việc Thu Mua Nông Sản Chấn Chỉnh Việc Thu Mua Nông Sản

Từ ngày 7-6, các doanh nghiệp FDI sẽ không được tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, bao gồm việc mở địa điểm để mua gom hàng hóa xuất khẩu được.

17/03/2014
Giá Cà Phê Trở Nên Nóng Bỏng Do Nhà Đầu Tư Rót Tiền Vào Giá Cà Phê Trở Nên Nóng Bỏng Do Nhà Đầu Tư Rót Tiền Vào

Những nhà đầu cơ vào đầu năm nay đã phấn khởi với các danh mục đầu tư của mình bằng cách đầu tư vào một trong những loại hàng hóa có lượng giao dịch lớn nhất thế giới: cà phê.

17/03/2014
Mô Hình Trồng Chuối Thoát Nghèo Ở Khuổi Đác Mô Hình Trồng Chuối Thoát Nghèo Ở Khuổi Đác

Theo tập tục canh tác từ xưa, người Dao ở Khuổi Đác, xã Mai Lạp, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) chỉ biết phát đồi làm nương trồng ngô chứ không biết làm ruộng.

20/02/2014
Cảnh Giác Giá Cá Tra Tăng Nóng Cảnh Giác Giá Cá Tra Tăng Nóng

Giá cá tra tại ĐBSCL đang tăng từng ngày nhưng không làm người nuôi cá vui mừng vì nhiều hộ mới thả giống, còn đến 4-5 tháng nữa mới thu hoạch.

18/03/2014
Phát Triển Kinh Tế Trang Trại, Mở Hướng Làm Giàu Phát Triển Kinh Tế Trang Trại, Mở Hướng Làm Giàu

Ngày 19.12, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) Nguyễn Quốc Cường đi thăm một số mô hình sản xuất của ND huyện Nga Sơn, Thanh Hoá.

20/02/2014