Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tích tụ không làm tái sinh địa chủ

Tích tụ không làm tái sinh địa chủ
Ngày đăng: 10/11/2015

Nhà nước cần mạnh dạn khuyến khích tích tụ đất đai để hình thành các công ty, doanh nghiệp chuyên về nông nghiệp, mà không lo ngại “tái sinh giai cấp địa chủ”.

Trao đổi với PV Dân Việt, ĐBQH Huỳnh Ngọc Đáng cho biết: Những hạn chế của nông nghiệp nước ta đã bộc lộ khá rõ từ nhiều năm qua.

Đó không chỉ là vấn nạn được mùa, mất giá mà còn là hạn chế về năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

Nguyên nhân do chúng ta đã duy trì lâu và quá nhấn mạnh vai trò hộ gia đình nông dân như chủ thể của sản xuất nông nghiệp.

Người sản xuất nông nghiệp ngày nay ngoài việc sản xuất giỏi, còn phải có hiểu biết về thị trường.

Bên cạnh đó, phải biết chọn lựa khâu sản xuất kinh doanh có lợi nhất trong toàn bộ các chuỗi giá trị sản xuất và kinh doanh nông nghiệp toàn cầu.

Chỉ các công ty chuyên về nông nghiệp mới giúp nền nông nghiệp thay đổi Trong ảnh: Trang trại nuôi gà quy mô công nghiệp của anh Phạm Đình Dừa ở Gia Lộc, Hải Dương.

Thế nhưng, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc tích tụ ruộng đất sẽ đụng chạm đến quyền lợi của người nông dân, đó là ai cũng có quyền được sở hữu diện tích để canh tác, sinh sống.

Nay tích tụ đất đai để giao cho các doanh nghiệp, công ty sẽ dẫn tới một số hệ lụy?

- Thực ra, vấn đề ở đây liên quan đến cách nhìn nhận vấn đề.

Tôi cho rằng, việc cứ để mỗi người nông dân đang sở hữu một diện tích nhỏ như thế để canh tác và với quy mô như vậy, cuộc sống không thoát khỏi nghèo khó, nợ nần.

Nếu tương lai không có sự thay đổi thì tình hình càng khó khăn hơn.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cũng nói, chúng ta tích tụ đất đai nhưng phải đi liền với việc đảm bảo quyền lợi và thu nhập của người nông dân.

Tôi cho rằng, điều đó là đương nhiên, nhưng chúng ta phải thực hiện bằng cách đột phá là tích tụ, tập trung ruộng đất để hình thành những công ty, doanh nghiệp chuyên về nông nghiệp với quy mô lớn, công nghệ cao.

Từ đó, chính các doanh nghiệp đó sẽ tạo mọi điều kiện để giải quyết việc làm, lao động.

Tuy nhiên, tâm lý của người nông dân Việt Nam hiện nay vẫn muốn “làm chủ” trên mảnh ruộng của mình, mà đôi khi mảnh ruộng đó chỉ rộng bằng vài manh chiếu, chứ không dễ gì họ chấp nhận bỏ ruộng để đi “làm thuê”...

- Thực ra mà nói, cũng có một số nông dân có tâm lý đó, nhưng bây giờ cuộc sống thôi thúc mọi người vươn lên làm giàu, có việc làm ổn định, đến tuổi già có lương hưu.

Đó là cái mà chúng ta muốn hướng tới cho nông dân Việt Nam.

Trong thời gian qua, ở nước ta những công ty nông nghiệp kỹ thuật cao đã lần lượt xuất hiện, nhiều đơn vị đã phát triển khá tốt cả về sản xuất và kinh doanh với năng suất cao hơn, chất lượng nông sản sạch cạnh tranh hơn tiêu thụ ổn định cả trong và ngoài nước.

Những công ty nông nghiệp đó đã sử dụng ít nhiều lao động nông nghiệp có hợp đồng như những công nhân nông nghiệp ngay tại nông thôn, có nghĩa là những lao động này hưởng lương, đóng bảo hiểm và có chế độ hưu.

Nếu những mô hình này xuất hiện ngày càng nhiều, đều khách thì nông nghiệp và nông thôn nước ta chắc chắn sẽ có sự chuyển đổi căn bản.

Một số ý kiến lo ngại, với tiềm lực tài chính mạnh, nếu chúng ta có tích tụ đất đai sẽ dẫn tới việc “tái sinh địa chủ”.

Ông đánh giá thế nào về điều này?

" Chúng ta không tẩy chay kinh tế hộ, ở một số nơi như vùng núi cao, hải đảo cần duy trì và tích cực hỗ trợ kinh tế hộ, dần dần xây dựng được những hộ nông dân làm ăn giỏi, bản lĩnh cạnh tranh cao.

Ở những vùng nông nghiệp trọng điểm cần nhanh chóng mở ra nhiều cơ hội để kinh tế hộ tự sàng lọc và phát triển.

Hộ nào yếu kém sẽ tự đào thải, còn lại là những đơn vị sản xuất có bản lĩnh cạnh tranh cao”. ĐB Huỳnh Ngọc Đáng

- Tôi xin nói rõ là, tại sao ta chủ trương dồn điền đổi thửa để có những cánh đồng lớn, mà không cho phép tích tụ ruộng đất ở mức độ phù hợp để thúc đẩy sự hình thành những công ty nông nghiệp lớn và vừa.

Trước đây, ta chủ trương không tích tụ đất đai là để không tái sinh giai cấp địa chủ.

Nhưng đến giờ ai cũng biết, chỉ gọi là địa chủ khi gắn liền với phát canh thu tô.

Pháp luật Việt Nam hiện nay đủ sức để vĩnh viễn xóa bỏ phương thức phát canh thu tô và địa tô.

Do vậy, ngày nay cho dù có tích tụ đất đai vẫn không làm giai cấp địa chủ đội mồ sống lại.

Đó là sự thật hiển nhiên.

Cũng cần thấy rằng người nào đó có số lượng diện tích đất đai tích tụ lớn, nhưng lại đầu tư vốn khoa học công nghệ và trực tiếp tổ chức sản xuất nông nghiệp thì người đó đương nhiên không phải địa chủ, mà được gọi là nhà đầu tư nông nghiệp.

Nông nghiệp Việt Nam đang cần nhiều nhà đầu tư nông nghiệp như vậy.

Tại sao ta không trải thảm đỏ thu hút các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước vào phát triển nông nghiệp như đã từng làm khá thành công trong kêu gọi đầu tư vào công nghiệp.

Nếu nói như ông, chắc chắn chúng ta phải có sự điều chỉnh về Luật Đất đai để nới hạn điền.

Nhưng Luật vừa được thông qua, chẳng lẽ lại sửa ngay?

- Để có đột phá thay đổi về chính sách hạn điền, đương nhiên phải sửa Luật, kể cả Luật Đất đai mới được thông qua vẫn có thể sửa được với nội dung chuyên về hạn điền.

Chúng ta đã có chính sách khuyến khích mở rộng hạn điền, nhưng chưa thực hiện được.

Vì vậy, chúng ta không nên dừng lại, nếu chỉ vì lý do này, lý do khác mà dừng lại, sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn, làm ăn thua lỗ, nghèo đói, quy mô sản xuất thu nhỏ.

Xin cảm ơn ông!


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Trồng Sen Kết Hợp Nuôi Cá Mô Hình Trồng Sen Kết Hợp Nuôi Cá

Trước đây, một số nông dân ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) tận dụng các ao, hầm, đìa bàu, mương vườn… cạnh nhà trồng sen chỉ để làm cảnh cho đẹp. Nhưng, từ khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng sao cho phù hợp với từng vùng sinh thái và tạo nguồn thu nhập bền vững cho nông dân, nhiều hộ nông dân ở các xã Phú Đức, Phú Cường, thị trấn Tràm Chim...

26/07/2013
Người Chăn Nuôi Heo Bán Tháo Đàn Người Chăn Nuôi Heo Bán Tháo Đàn

Gần một tháng nay, bệnh trên heo liên tục xảy ra ở nhiều địa phương như TP Tuy Hòa, các huyện Đông Hòa, Phú Hòa... tỉnh Phú Yên. Để “chống lại” bệnh, các hộ chăn nuôi vội bán chạy đàn, trong khi ngành chức năng gặp khó khăn trong quản lý.

08/08/2012
Hướng Dẫn Sử Dụng Vắcxin Cúm Gia Cầm Đúng Cách Hướng Dẫn Sử Dụng Vắcxin Cúm Gia Cầm Đúng Cách

Trước thực trạng dịch cúm gia cầm đã tái phát và xuất hiện tại năm tỉnh gồm Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Ninh Bình và Nam Định, Cục Thú y đã ban hành văn bản số 1286/TY-DT hướng dẫn sử dụng vắcxin phòng bệnh cúm gia cầm do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thuốc thú y trung ương (Navetco) sản xuất.

21/08/2012
Người Dân Xuất Bán Tôm Sớm Ở Vạn Ninh (Khánh Hòa) Người Dân Xuất Bán Tôm Sớm Ở Vạn Ninh (Khánh Hòa)

Gần đây, nhiều hộ nuôi tôm chân trắng tại xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh - Khánh Hòa) đã xuất bán tôm sớm hơn dự định. Tôm chỉ mới được thả nuôi hơn 2 tháng, kích cỡ hơn 140 con/kg đã được xuất bán với giá 83.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do người dân lo ngại thời tiết nắng nóng kéo dài, trong khi nguồn nước dẫn vào đìa nuôi tôm thiếu và bị ô nhiễm, tôm rất dễ bị dịch bệnh.

30/05/2013
Tăng Cường Các Biện Pháp Dập Dịch Heo Tai Xanh Tăng Cường Các Biện Pháp Dập Dịch Heo Tai Xanh

Từ đầu tháng 8-2012 đến nay, dịch bệnh heo tai xanh đã xuất hiện rải rác tại một số quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ. Các ngành chức năng thành phố đã và đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, dập tắt và không để dịch heo tai xanh lây lan ra diện rộng...

09/09/2012