Ứng Dụng Tiến Bộ Kỹ Thuật Chăn Nuôi Gia Súc

Hiện nay, Tiền Giang phát triển chăn nuôi heo theo hướng bền vững thông qua việc chuyển giao cho nông dân những tiến bộ kỹ thuật mới, giúp tăng được hiệu quả kinh tế trong quá trình chăn nuôi, giải quyết được ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm thịt heo thương phẩm trên thị trường.
Tỉnh đã ứng dụng rộng rãi kỹ thuật gieo tinh nhân tạo, nhằm cải thiện giống cho đàn heo địa phương theo hướng "nạc hóa", tăng trọng nhanh, giảm được thời gian chăn nuôi heo thịt, tăng chu kỳ quay của đồng vốn trong chăn nuôi.
Tỉnh áp dụng mô hình hầm ủ khí sinh học trong chăn nuôi, nhằm giảm được ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất, tạo nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong kinh tế hộ.
Bên cạnh đó, tỉnh đang nhân rộng mô hình "đệm lót sinh thái" và nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học không chỉ giải quyết môi trường chăn nuôi, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho người nuôi mà còn giúp nâng chất lượng sản phẩm thịt heo, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.
Thông qua Dự án "Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam" và Dự án "Nâng chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và chương trình phát triển khí sinh học" được triển khai trên địa bàn trong thời gian qua, toàn tỉnh xây dựng được gần 7.000 công trình khí sinh học tại gần 7.000 hộ chăn nuôi gia súc, góp phần xử lý hữu hiệu chất thải chăn nuôi, tạo nguồn năng lượng sạch phục vụ sinh hoạt hoặc sản xuất.
Theo khảo sát, mô hình trên tiết kiệm 2,2 triệu đồng tiền chất đốt/hộ và mỗi tháng tiết kiệm được từ 300.000 - 400.000 đồng đối với hộ chạy máy phát điện, chưa kể chất thải chăn nuôi qua xử lý từ công nghệ khí sinh học còn tạo ra khối lượng lớn phân hữu cơ tốt để bón cho cây trồng, cải tạo đất đai.
Đặc biệt, mô hình ứng dụng chăn nuôi an toàn sinh học và "đệm lót sinh học" giúp mỗi hộ chăn nuôi tiết kiệm chi phí sản xuất từ 250.000 - 300.000 đồng/con sau chu kỳ 3 tháng nuôi. Hiện nay, mô hình này đang được thực hiện thí điểm ở hàng chục hộ trên địa bàn tỉnh để đúc kết nhân rộng.
Để đưa công tác chuyển giao kỹ thuật vào chiều sâu, giúp nâng cao trình độ và kỹ năng sản xuất, chăn nuôi cho bà con trong tỉnh, góp phần đưa ngành chăn nuôi heo vượt qua khó khăn để phát triển bền vững, trong năm 2014, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức 1.000 cuộc tập huấn, hội thảo thu hút khoảng 30.000 lượt hộ nông dân tham gia, trong đó chú trọng đến những mô hình sản xuất, chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học, kết hợp hầm ủ khí sinh học để giải quyết môi trường, trồng trọt và chăn nuôi theo hướng VietGAP...
Nhờ những tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong quá trình chăn nuôi vừa giảm chi phí vừa tăng được lợi nhuận nên trong thời gian qua mặc dù giá cả tiêu thụ có lúc không ổn định, nhưng tình hình chăn nuôi heo vẫn đạt tăng trưởng khá.
Hiện tổng đàn heo trong tỉnh đạt trên 584.000 con, tăng 1,5% so cùng kỳ năm trước và tăng gần gấp đôi so với thời điểm cách đây 20 năm. Đáng mừng là gần đây giá heo hơi đang hồi phục và đứng ở mức cao, từ 5 triệu đồng đến 5,3 triệu đồng/tạ/con.
Với giá này, mỗi tạ heo hơi xuất chuồng người chăn nuôi lãi từ 1,1 - 1,5 triệu đồng. Những hộ chăn nuôi theo ngưỡng an toàn sinh học hoặc sử dụng "đệm lót sinh học" lãi từ 1,5 triệu đồng/tạ heo hơi trở lên, nên bà con phấn khởi.
Có thể bạn quan tâm

Phòng Kinh tế TX.Ngã Bảy (Hậu Giang) cho biết, do chưa xác định được nguyên nhân, thuốc phòng trị nên diện tích vườn cam sành bị nhiễm một loại bệnh lạ gây vàng lá từ trên đọt vàng xuống (vàng đầu) tiếp tục bùng phát mạnh.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành (Tiền Giang), vụ khoai lang năm nay nông dân xuống giống gần 200 ha, chủ yếu là ở các xã vùng đất cát như: Tân Hương, Tân Lý Đông và Tân Lý Tây. Trong vụ này, bà con trồng nhiều nhất là khoai bí đế, một số ít diện tích trồng khoai Nhật (ruột tím).

Những năm gần đây, cây chuối đã khẳng định giá trị kinh tế khi mức thu nhập hiện nay của những hộ trồng chuối đạt từ 30-50 triệu đồng mỗi năm. Nhiều hộ nhờ trồng chuối mà thoát nghèo, có cuộc sống no đủ.

Nông dân trồng xoài ở TP.Cao Lãnh đang lao đao vì nếu giá xoài giảm như hiện nay sẽ không đủ chi phí mua thuốc trừ sâu, thuê nhân công chăm sóc. Có nhà vườn không hái bán để xoài chín rụng kín gốc cây mà không nhặt.

Hội đồng bình tuyển công nhận cây đầu dòng giống bưởi đỏ, bưởi da xanh thực hiện thí nghiệm khoa học kiểm tra khả năng sạch bệnh greening của cây bưởi được đề nghị là cây đầu dòng, đây là tiêu chí quan trọng nhất để nhân rộng cây có múi.