Ứng Dụng Quy Trình Công Nghệ Sản Xuất Thành Công Giống Cua Xanh
Tỉnh Ninh Thuận là trung tâm sản xuất giống thủy sản của cả nước, tuy nhiên, hầu hết các trại giống chủ yếu ươm tôm giống, trong khi nhu cầu cua giống cao nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ. Lâu nay, con giống phục vụ nuôi cua thương phẩm chủ yếu khai thác từ tự nhiên nên ảnh hưởng đến khả năng phát triển mở rộng.
Xuất phát từ nhu cầu nuôi cua ngày càng cao của các hộ nuôi, Trung tâm Giống thủy sản cấp 1 đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất nhân tạo giống cua xanh phù hợp tại Ninh Thuận”.
Kỹ sư Khuất Minh Lý, Chủ nhiệm đề tài, cho biết: Đều thuận lợi cho thực hiện đề tài là trong 4 trại sản xuất giống thủy sản có 2 trại hệ thống xử lý nước, hệ thống bể, hệ thống bể ươm ấu trùng và các trang thiết bị thuận lợi cho việc bố trí sản xuất thử nghiệm giống cua xanh. Đề tài bắt đầu triển khai vào tháng 4-2011, đến nay đã tiến hành được 4 đợt sản xuất thử nghiệm, mỗi đợt chọn 10 cua mẹ từ tự nhiên, có trọng lượng 400 gam. Sau 10 ngày nuôi trong bể, tỷ số cua đẻ đạt từ 40 đến 60%, số lượng ấu trùng thu được từ 800.000 đến 900.000 đ/cua mẹ.
Đặc biệt, trong đợt nuôi thử nghiệm (thứ 4) để hoàn thành quy trình kỹ thuật, nhờ đúc kết kinh nghiệm của 3 đợt thử nghiệm trước nên tỷ lệ cua giống sống đạt 12,8%, cao hơn chỉ tiêu đề tài 5%. Kết quả số lượng cua giống thu được 77.000 con, bán giá 600 đồng/con, doanh thu đạt 46,2 triệu đồng, sau khi trừ chi phi các khoản như giống, công lao động, thức ăn… còn lãi 11,2 triệu đồng.
Đầu năm nay, Trung tâm hỗ trợ 3 hộ dân ở xã Tân Hải (Ninh Hải) 5.000 con giống để nuôi thương phẩm. So sánh với giống cua khai thác trong tự nhiên, cua giống nhân tạo tuy màu sắc không đẹp bằng (màu xanh nhạt), nhưng trọng lượng thì tương đương, đạt 300 gam/con.
Kỹ sư Khuất Minh Lý, cho biết thêm: Nhu cầu cua giống phục vụ nghề nuôi cua là rất lớn, mỗi năm cả nước cần 2 tỷ con giống nhưng chỉ mới đáp ứng được 30%. Hiện nay, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 đã chuyển giao công nghệ sản xuất cua giống nhân tạo cho một số tỉnh như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Bến Tre, nhưng tỷ lệ sống các giai đoạn ấu trùng thấp, dưới mức 10%, lượng cua giống nhân tạo chưa đáng kể, chưa trở thành nguồn cung cấp giống thường xuyên cho nuôi cua thương phẩm.
Việc Trung tâm nuôi thử nghiệm thành công giống cua xanh với tỷ lệ sống cao sẽ khắc phục được tình trạng khan hiếm con giống như hiện nay, góp phần đa dạng hóa đối tượng sản xuất giống và đối tượng nuôi thương phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho ngư dân trong tỉnh.
Có thể nói, triển vọng nghề nuôi giống cua xanh ở tỉnh ta là rất lớn. Qua điều tra khảo sát tại các khu vực ven biển xã An Hải (Ninh Phước), Phước Dinh (Thuận Nam) đều nằm trong giới hạn thuận lợi cho việc tiến hành sản xuất giống cua xanh nhân tạo. Hiện có nhiều trại sản xuất tôm giống nhỏ lẻ kém hiệu quả đã có kế hoạch cải tạo chuyển qua nuôi giống cua xanh.
Những trại tôm giống lớn cũng có thể tận dụng bể ươm nuôi ấu trùng tôm để ươm nuôi ấu trùng cua mà không cần phải đầu tư thay đổi nhiều về hệ thống công trình. Trung tâm đã tổ chức tập huấn cho các kỹ thuật viên ở Trại giống lô 20, Trại giống lô 23, Trại giống lô 62 ở An Hải (Ninh Phước) để các trại này sản xuất giống cua xanh trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Đoàn công tác của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) phối hợp với công ty thành viên của mình ở Tây Nam Bộ vừa kết thúc hành trình 1 tuần lễ tặng phân bón cho nông dân nghèo trồng lúa ở các tỉnh ĐBSCL.
Ngày 17-8, Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (ACP) thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ, Sở NN&PTNT Tiền Giang tổ chức hội thảo sơ kết mô hình sản xuất lúa “1 phải, 6 giảm” tại HTX nông nghiệp Bình Tây, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang).
Từ những đồng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ước mơ thoát nghèo của hàng nghìn hộ ở huyện Lục Yên, Yên Bái đã thành hiện thực, họ thêm vững tin vươn lên trong cuộc sống...
Sau một thời gian làm công cho các trại nuôi cá hồi ở Sa Pa (Lào Cai) để học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt công nghệ nuôi cá hồi, anh thanh niên dân tộc Thái Lò Ngọc Thủy ở thị trấn Ít Ong, huyện Mường La (Sơn La) đã đầu tư nuôi cá hồi vân trên đỉnh núi Sam Síp có độ cao chừng 1.200 m.
Thời tiết khắc nghiệt kéo dài trong những ngày qua đã khiến cho các chủ đầm nuôi thủy sản ở Nam Định thiệt hại lớn vì tôm, ngao chết hàng loạt.