Ùn Ùn Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng
Thời gian gần đây, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) phát triển mạnh ở các tỉnh ven biển ĐBSCL bởi thời gian nuôi ngắn, giá bán cao, thu lời nhiều... TTCT được nhiều nơi ùn ùn thả nuôi trong vụ tôm năm 2014.
Nông dân huyện Bình Đại (Bến Tre) đang vào vụ thả nuôi tôm năm 2014. Nếu như trước đây tôm sú (TS) được nhiều người chọn nuôi, thì nay TTCT được chuộng nhất.
Ông Lê Hoàng Vũ - ngụ xã Bình Thới, huyện Bình Đại - bộc bạch: “Do mấy vụ liền TS bị dịch bệnh chết hàng loạt gây thiệt hại lớn, trong khi TTCT nuôi ổn định, đạt tỷ lệ thành công cao hơn nên người dân mạnh dạn chuyển sang nuôi TTCT”.
Không riêng gì Bình Thới, ở các xã Thạnh Phước, Lộc Thuận..., người dân cũng đẩy mạnh nuôi TTCT. Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước Lê Vũ Minh cho hay, thống kê sơ bộ những ngày qua đã có khoảng 90% mô hình nuôi công nghiệp thả nuôi TTCT.
Tại Sóc Trăng, nhiều hộ cũng chọn TTCT thả nuôi trong vụ 2014. Bà Lê Thị Thu Vân - ngụ thị trấn Long Phú, huyện Long Phú - cho biết: “Hồi tháng 3, tui thu hoạch 4 công TTCT được gần 5 tấn, bán cho nhà máy thủy sản với giá 220.000 đồng/kg, lời 700 triệu đồng; thời gian nuôi chỉ mất 87 ngày. Đây là mức lợi nhuận rất cao, TS không theo kịp”.
Chính vì hiệu quả mang lại rõ rệt nên bà Vân mở rộng diện tích nuôi TTCT lên 3,5ha. Theo Trưởng Ban nhân dân ấp 2 Phạm Thanh Liêm, thời gian qua do giá mía quá thấp nên người dân ào ạt phá bỏ ruộng mía chuyển sang nuôi TTCT.
Địa phương chưa thống kê chính xác được diện tích, nhưng dọc theo Quốc lộ Nam Sông Hậu phía gần sông đã mọc lên những ao hầm nuôi TTCT san sát nhau.
Phong trào nuôi TTCT cũng phát triển rầm rộ tại Trà Vinh. Chị Phạm Thị Muội - ngụ xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang - tâm sự: “Từ năm 2011 đến nay, tui và nhiều hộ khác lỗ nặng do nuôi TS bị bệnh. Có đợt thả đi thả lại 2 - 3 lần, nhưng TS vẫn chết, ngay cả nhà khoa học cũng bó tay! Trong khi đó, những hộ nuôi TTCT thì trúng mùa, bán giá cao. Từ thực tế này nên năm nay tui đã chuyển 3 công TS sang nuôi TTCT”.
Không thể chủ quan
Năm 2013, xuất khẩu tôm thắng lớn với kim ngạch hơn 3 tỉ USD; trong đó TTCT chính thức vượt qua TS về kim ngạch. Thực tế tại các tỉnh vùng ĐBSCL cho thấy, không chỉ chuyển diện tích nuôi TS sang nuôi TTCT, nhiều nơi nông dân còn phá bỏ đất trồng mía, dừa, hoa màu... để đào ao nuôi TTCT.
Ông Phạm Hồng Văn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) - cho biết: “Thế mạnh lâu nay của huyện là cây mía với diện tích hơn 8.220ha. Gần đây người dân đã phá bỏ hơn 200ha đất mía để đào ao nuôi TTCT. Dù là địa phương mới nuôi tôm nhưng diện tích đến nay tăng lên 1.400ha”.
Phòng NNPTNT huyện Cù Lao Dung nhìn nhận, với chiều hướng cây mía bấp bênh như hiện nay trong khi TTCT “lên đời”, vì vậy từ nay đến năm 2020 huyện dự kiến sẽ giảm hơn 4.000ha đất mía chuyển sang nuôi tôm và trồng cây khác.
Tuy nhiên việc chạy đua nuôi TTCT cũng đang bộc lộ những nỗi lo. Giám đốc Sở NNPTNT Trà Vinh Trần Trung Hiền cho biết, quan điểm của tỉnh là chỉ nên nuôi TTCT theo mô hình công nghiệp ở những vùng có điều kiện thuận lợi về điện, thủy lợi, cơ sở hạ tầng..., tránh nuôi tràn lan theo phong trào sẽ có nguy cơ dẫn đến hệ lụy.
Cùng trăn trở trên, ông Vương Tấn Vũ - Chánh văn phòng UBND huyện Long Phú (Sóc Trăng) - cho rằng: “Do diện tích TTCT phát triển quá nhanh nên ngành chức năng không tài nào đầu tư kịp về thủy lợi. Hiện người dân tự làm thủy lợi để nuôi “gấp”. Song, nếu hệ thống thủy lợi không đảm bảo sẽ là mối nguy hại sau này bởi TTCT rất dễ phát sinh dịch bệnh”. Vấn đề nan giải nhất lúc này là nguồn điện không đủ đáp ứng cho việc ùn ùn nuôi TTCT.
Ông Phạm Văn Quắn - ngụ xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh - phân tích: “Nuôi TS công nghiệp chỉ cần chạy quạt nước khoảng 8 - 10h/ngày đêm, thì nuôi TTCT phải chạy 20h/ngày đêm bởi nuôi mật độ dầy”.
Bộ NNPTNT lưu ý, năm 2014 nhiều khả năng Thái Lan và Trung Quốc sẽ tăng sản lượng TTCT bởi phần nào kiểm soát được dịch bệnh tôm chết sớm. Nếu vậy, nguồn TTCT sẽ dồi dào hơn và giá tôm có thể giảm lại. Vì thế, nông dân cần theo dõi chặt diễn biến thị trường, tránh mở rộng diện tích ào ạt theo cảm tính, dẫn đến thua lỗ nếu như rớt giá.
Ông Võ Hồng Ngoãn - được mệnh danh là “Vua tôm” ở Bạc Liêu - trăn trở: “Nhiều hộ ùn ùn nuôi TTCT trong điều kiện con giống, hệ thống thủy lợi, điện chưa hoàn thiện, kỹ thuật chưa vững... trong khi TTCT là đối tượng dễ lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, chi phí đầu tư cho TTCT cao gấp 3 - 4 lần TS, nếu thất bại thì hậu quả sẽ khó lường. Do đó, cần nhìn bài học từ Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia... để rút kinh nghiệm...”
Có thể bạn quan tâm
Bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Sở NN-PTNT, cho biết: Đến nay, đơn vị đã phối hợp với Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn tiến hành lắp đặt 238 thiết bị công nghệ Movimar (còn gọi là thiết bị quan sát tài cá qua vệ tinh) cho các tàu cá khai thác xa bờ trên địa bàn toàn tỉnh Bình Định.
Kể từ khi phong trào nuôi tôm công nghiệp tự phát tăng cao, nhu cầu về điện phục vụ sản xuất và thắp sáng “nóng” lên hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng điện không an toàn đang là vấn đề đáng báo động.
165ha mặt nước nuôi thuỷ sản ở phường Hà An (TX Quảng Yên, Quảng Ninh) đã được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ năm 2010 với tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp hơn 10 tỷ đồng. Do được đầu tư đồng bộ nên nhiều hộ dân trên địa bàn phường đã đầu tư kinh phí nuôi nhiều giống thuỷ sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình phải kể tới là hộ anh Nguyễn Hữu Phước.
Thay vì chỉ trồng và nuôi một loại cây, con như trước, những năm gần đây, nhiều nông dân đã chọn cách trồng nhiều loại cây, nuôi nhiều loại con đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời giảm thiểu rủi ro về mất vốn.
Nhiều ngày qua giá heo trên thị trường tăng mạnh khiến người chăn nuôi rất phấn khởi. Từ giá 46-47 ngàn đồng/kg vào tháng trước, hiện giá heo hơi tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đã tăng lên 53-54 ngàn đồng/kg, cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.