Tỷ Phú Nuôi Gà Ở Đăk Nông
Là người nhanh nhạy biết nắm bắt nhu cầu thị trường, anh Trần Văn Biên ở tổ dân phố 8, thị trấn Ea Tlinh, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông đã mạnh dạn đầu tư mở trại gà giống và lấy tên là Trại gà giống Phúc Thành.
Doanh thu gần 9 tỷ đồng/năm
Trang trại gà giống của anh Biên lớn nhất tỉnh Đăk Nông, chuyên sản xuất, cung cấp các giống gà Lương phượng, gà ri cho các tỉnh Tây Nguyên và Miền đông Nam bộ, mỗi năm thu về doanh thu gần 9 tỷ đồng.
Anh Biên cho biết, trang trại gà giống của anh được xây dựng từ năm 2009, mới đầu anh chỉ nuôi khoảng 1.000 con gà bố mẹ giống Lương phượng, sau một thời gian anh nhận thấy nhu cầu chăn nuôi gà của địa phương và các tỉnh lân cận là rất lớn trong khi chưa có trại giống nào có thể đảm bảo số lượng và chất lượng con giống cung cấp ra thị trường, anh quyết định mở rộng quy mô trang trại.
Trang trại được xây dựng khá quy mô và khoa học, chia ra làm 3 khu chính gồm: khu nuôi gà hậu bị, khu nuôi gà đẻ và khu nuôi úm gà con từ 1 ngày tuổi. Hiện tại, tổng đàn gà của gia đình anh là 37.000 con, trong đó có 30.000 con gà bố mẹ đang khai thác lấy trứng để ấp giống và 7.000 con gà hậu bị.
Đàn gà bố mẹ của anh Biên được nuôi nhốt trong 1 khu riêng biệt, chuồng nuôi được xây dựng cao ráo, mỗi dãy nhà chia ra làm 3 ô, cứ mỗi ô chuồng rộng 100m2 nhốt 1.000 con gà bố mẹ (tỷ lệ nhốt 10 gà mái: 1 con gà trống).
Trong chuồng có đầy đủ hệ thống điện chiếu sáng, máng ăn, máng uống sạch sẽ. Nền chuồng sử dụng đệm lót sinh thái, chất độn chuồng bằng vỏ trấu, có xử lý men vi sinh nên đảm bảo phân gà được phân hủy nhanh, không gây ô nhiễm môi trường.
Trứng gà sau khi thu hoạch được đưa vào lò ấp và cung cấp con giống theo đơn đặt hàng, với 8 lò ấp, công suất 1.200 quả trứng/lò. Từ khi thành lập đến nay đã được 6 năm, trang trại của anh luôn cung cấp con giống đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, sạch bệnh, nên người dân rất tin tưởng đặt mua.
Theo tính toán của anh Biên, mỗi năm trang trại của anh cung cấp ra thị trường khoảng 800 nghìn con gà giống 1 ngày tuổi, trong đó có 5.000 con giống Lương Phượng và 3.000 con giống gà ri. Với giá bán trung bình 13.000 đồng/con gà ri và 10.000 đồng/con gà Lương Phượng, doanh thu đạt gần 9 tỷ đồng/năm.
Trong khi đó, chi phí cho 1 con gà từ 1 ngày tuổi đến khi đẻ trứng mất khoảng 200.000 đồng, sau 1 năm thu hoạch trứng, khi gà đẻ kém có thể bán làm gà thịt với giá trung bình 70.000 đồng/kg (1 con nặng trung bình 3kg) nên tiền mua giống coi như không mất.
Tổng chi của trang trại gần 5 tỷ đồng/năm, chỉ bao gồm các khoản như thức ăn cho gà, tiền điện, tiền công chăm sóc, tiền khấu hao chuồng trại…. Như vậy, lợi nhuận thu được từ trang trại gà giống của gia đình anh Biên khoảng 4 tỷ đồng/năm.
Kinh nghiệm nuôi gà giống
Khi được hỏi về bí quyết của sự thành công anh Biên vui vẻ chia sẻ: Trong chăn nuôi gà giống, khâu quan trọng nhất là phải chọn được con gà mái mẹ tốt.
Khi gà được 18 tuần tuổi cần tiến hành phân loại gà, chọn những con đạt chuẩn làm mái sinh sản; chọn con có đầu rộng và sâu, mắt to, mỏ ngắn, chân có vẩy chắc chắn, móng ngắn, lông mềm mại sáng bóng, màu sắc lông mang đặc điểm của giống. Mào phải to có nhiều mạch máu. Khoảng cách giữa xương háng và cuối xương lườn càng rộng càng tốt.
Không nên chọn con mập quá, trọng lượng đạt 1,4-1,5kg/con là tốt nhất, lỗ huyệt to, nhờn ướt, cử động, nhạt màu. Trong quá trình nuôi cần theo dõi loại bỏ những con đẻ năng suất không cao.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho đàn gà, cần chú trọng khâu tiêm phòng định kỳ các loại vắc xin phòng bệnh như: Newcastle, Gumboro, cúm gia cầm...
Đặc biệt cần chú trọng công tác vệ sinh phòng bệnh, công nhân và những người khác khi ra vào trang trại đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các bước tiêu độc khử trùng theo quy định của trại, hàng ngày phải phun thuốc sát trùng xung quang khu vực nuôi. Thường xuyên theo dõi, ghi chép, kiểm tra cách ly những con nghi ngờ bị bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Sau mỗi lứa nuôi phải rửa toàn bộ chuồng, lồng, dụng cụ chăn nuôi (máng ăn, máng uống,....) sau đó phơi khô và phun thuốc sát trùng toàn bộ trần, tường của chuồng, ổ đẻ, máng ăn, máng uống, khu vực xunh quanh chuồng nuôi bằng dung dịch formol 2%. Sau đó để trống chuồng từ 7-14 ngày.
Khi gà đủ tuổi đến trên 6 tháng tuổi mới vỗ đẻ, để tăng sức đề kháng cho gà và đảm bảo gà đẻ đều cần cho gà ăn đầy đủ dinh dưỡng nhưng không được để gà mập quá, mỗi ngày 1 con gà đẻ ăn khoảng 85-93g thức ăn hỗn hợp với tỉ lệ 4 phần bắp + 4 phần lúa + 2 phần cám công nghiệp (nếu tỷ lệ trứng tăng 10% thì thức ăn tăng 4% nhưng lượng thức ăn/con/ngày không quá 120g/con/ngày. Cho gà ăn 2 lần/ngày, sáng cho ăn 75% lượng thức ăn, chiều cho ăn lượng thức ăn còn lại.
Nước uống cũng rất quan trọng đối với gà đẻ, cần cho gà uống 250ml/con/ngày. Khi trời nắng nóng nên pha thêm chất điện giải vào nước cho gà uống để giảm căng thẳng, phòng chống stress. Vào những thời điểm khí hậu thay đổi đột ngột cần dùng kháng sinh để phòng bệnh viêm đường hô hấp cho đàn gà.
Thường xuyên bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng cho gà, tăng tỉ lệ đẻ trứng. Ngoài ra cần chú trọng đến ánh sáng chiếu cho gà, ngoài ánh sáng tự nhiên ra hàng đêm cần thắp bóng điện từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm (dùng bóng đèn loại 40W treo cách nền chuồng 2 m, khoảng cách giữa 2 bóng là 2,5m).
Nhờ biết năng động, giám nghĩ giám làm mà từ một người nông dân bình thường, anh Trần Văn Biên đã trở thành “tỷ phú”.
Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình mà anh Biên còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định 3 triệu đồng/tháng. Không dừng lại ở đó, trong thời gian tới anh Biên sẽ đầu tư mở trang trại nuôi bò giống để tăng thêm thu nhập và tạo thêm công ăn việc làm cho các lao động tại địa phương.
Bà con có nhu cầu tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi gà giống có thể liên hệ anh Trần Văn Biên, tổ dân phố 8, thị trấn Ea Tlinh, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông, điện thoại: 0963979979 để được tư vấn.
Có thể bạn quan tâm
Tiếp đó, ngày 17-7 tại TP.HCM sẽ diễn ra hội thảo và họp báo tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các nhà phân phối và người tiêu dùng về tầm quan trọng của việc phân phối và sử dụng nước mắm mang chỉ dẫn địa lý Phú Quốc. Một hội thảo tương tự sẽ diễn ra tại thủ đô Hà Nội vào ngày 22-7.
Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 152 tổ chức, cá nhân kinh doanh trái thanh long gồm 106 hộ kinh doanh và 46 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói. Trong đó có 14 doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch thanh long. Hoạt động thu mua thanh long tại nơi sản xuất chủ yếu do thương lái đảm nhiệm, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long chỉ trực tiếp thu mua tại những nhà vườn có số lượng lớn từ 3 - 5 tấn.
Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương xuất hiện một loại mực bán với giá rất rẻ, chỉ từ 20.000-40.000 đồng/kg, cao nhất cũng chỉ 50.000-70.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá mực bình thường từ 80.000-200.000 đồng/kg.
“Giá lúa tươi tại ruộng được thương lái mua với giá 4.500 đồng/kg, tăng khoảng 200 đồng/kg so với cách đây 2 tuần. Nhiều nông dân phải chịu cảnh thu hoạch lúa trong mưa dầm dữ dội cũng được an ủi phần nào”, lão nông Phạm Văn Nữa (xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp) cho biết vào chiều 14-7.
Theo Kế hoạch của UBND TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), từ năm 2020 - 2030, thành phố sẽ thực hiện Dự án “Phát triển kinh tế địa phương gắn với du lịch”. Hiện nay, dự án mới được triển khai nhưng đã nhận được sự đồng lòng của người dân. Với nỗ lực của địa phương, cộng với lòng dân đồng thuận, dự án đang có nhiều thuận lợi để sớm hình thành, tạo bước phát triển mới cho địa phương.