Mô Hình Nuôi Cá Hồng Đỏ Có Hiệu Quả
Việc gia đình anh Cao Nhanh ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ - Quảng Ngãi) nuôi thành công cá hồng đỏ thương phẩm trong lồng tại vùng triều cửa biển Sa Huỳnh, đã mở ra hướng phát triển mới cho nuôi trồng thủy sản, giúp bà con tận dụng diện tích mặt nước biển để đa dạng hóa đối tượng nuôi, tạo nguồn thu nhập ổn định, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Đức Phổ nói chung và xã Phổ Thạnh nói riêng có diện tích mặt nước vùng triều tương đối lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng dịch bệnh trên các loại cá nuôi truyền thống diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại nặng nề cho bà con, dẫn đến tình trạng treo lồng nuôi.
Trước tình trạng đó, Trạm Khuyến nông Đức Phổ đã xây dựng mô hình nuôi cá hồng đỏ thương phẩm trên diện tích 150m3 lồng nuôi của gia đình ông Cao Nhanh. Khi tham gia mô hình, người dân được Trạm Khuyến nông hỗ trợ 100% chi phí giống và gần 30% chi phí thức ăn, thuốc; đồng thời được cán bộ kỹ thuật Trung tâm khuyến nông tỉnh và Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cá...
Qua 8 tháng thả nuôi, mô hình cho kết quả hết sức khả quan, mở ra hướng phát triển kinh tế thủy sản mới. Ông Nguyễn Thành Lưu - Trưởng Trạm Khuyến nông Đức Phổ cho biết: Để việc nuôi cá hồng đỏ hiệu quả ở vùng triều, bà con ngư dân cần nắm vững kỹ thuật nuôi cá, cũng như nắm rõ đặc thù, đặc tính của đối tượng mới này.
Cá hồng đỏ là loài cá sinh trưởng nhanh, dễ nuôi, ít bệnh, nguồn thức ăn dễ tìm, rẻ tiền, đó là các loại cá ăn tạp và một số loài giáp xác, động vật không xương sống. Mật độ nuôi 15 con/m3. Sau 8 tháng thả nuôi là có thể cho thu hoạch, với trọng lượng 800g/con xuất bán ra thị trường. Với giá bán 160.000đ/kg thì với 150m3 lồng nuôi, gia đình ông Cao Nhanh thu hoạch được khoảng 1,4 tấn cá thương phẩm. Sau khi trừ chi phí, còn lãi trên 56 triệu đồng.
Trong quá trình nuôi cá, kỹ thuật nuôi quan trọng nhất là khâu cho ăn và theo dõi sinh trưởng của cá. Khi cá còn nhỏ cho cá ăn 2 lần/ngày, lượng thức ăn bằng 10% trọng lượng cá, sau đó giảm dần và khi cá đạt khoảng 700 - 800g/con thì còn từ 3-5% trọng lượng cá.
Trong quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi sinh trưởng và các hoạt động của cá để có sự điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý, chủ động giảm lượng thức ăn vào những ngày thời tiết thay đổi. Thường xuyên sử dụng Vitamin C và khoáng chất trộn vào thức ăn để tăng khả năng bắt mồi và sức đề kháng cho cá.
Trong quá trình chăm sóc, nên định kỳ cọ rửa lưới, hoặc thay lưới; thường xuyên lặn kiểm tra lồng nuôi, đáy lồng đề phòng bị hư hỏng. Đặc biệt là định kỳ phân cỡ cá nuôi để điều chỉnh mật độ nuôi thích hợp. Phía trên lồng nuôi cần có lưới che để đề phòng cá nhảy ra ngoài…
Anh Cao Nhanh - hộ tham gia dự án cho biết: Giai đoạn đầu cá giống còn nhỏ, thức ăn là cá tạp tươi cần phải băm nhỏ. Trong quá trình nuôi, nếu thời tiết xấu thức ăn cho cá giảm đi một nửa, còn nếu nhiệt độ cao hoặc áp suất thấp cũng phải điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Đặc biệt cho cá ăn vào buổi sáng là tốt nhất.
Vị trí cho ăn nên cố định để giảm sự lãng phí. Nếu cá không bắt mồi thì cần sớm tìm rõ nguyên nhân để kịp thời có biện pháp xử lý. Trong quá trình nuôi, cần tránh cho ăn thức ăn ướp lạnh có hàm lượng mỡ cao sẽ làm cá tiêu hoá khó, dễ bị nhiễm bệnh đường tiêu hoá.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Lưu, trong quá trình nuôi, bà con cần thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường như: Nhiệt độ, độ mặn, độ Ph,... để không ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng của cá, chú ý cho cá ăn đủ số lượng và chất lượng thức ăn, không để thừa thức ăn làm ô nhiễm môi trường; đồng thời gây bệnh cho cá. Đầu ra cho sản phẩm rất lớn, được thị trường trong nước và thế giới ưa chuộng. Ở trong nước, cá hồng đỏ được tiêu thụ mạnh tại các nhà hàng, khách sạn, giá bán tại lồng nuôi từ: 160.000 - 180.000đ/kg.
Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại cao, cá hồng đỏ cũng là đối tượng có sức sống khá tốt, ít mắc các bệnh dịch thông thường. Việc đầu tư nuôi cá hồng đỏ thuận lợi hơn so với các loài thủy hải sản khác. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cho cá cũng tương đối phong phú, dễ kiếm và có sẵn tại địa phương, qua đó giúp nông dân tiết kiệm tối đa chi phí. Việc tiêu thụ cá cũng tương đối thuận lợi, cá được thương lái xuống tận nơi thu mua.
Thành công bước đầu của mô hình nuôi cá hồng đỏ thương phẩm trong lồng, đang mở ra hướng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho bà con ngư dân vùng triều ở các cửa sông, cửa biển trong tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Theo thống kê của các địa phương, đợt mưa bão vừa qua, toàn tỉnh có gần 4.000ha (trong tổng số khoảng 40.000ha lúa mùa) bị thiệt hại, nhất là những diện tích lúa nằm ven sông Cầu, sông Công và khu vực gần hồ Núi Cốc. Năng suất của các diện tích lúa này có thể bị giảm từ 20-70% so với cùng kỳ hằng năm.
Vụ mùa năm nay, xã Vinh Sơn (T.X Sông Công) triển khai xây dựng thí điểm 2 vùng sản xuất lúa lai giống LC212 và Syn 6 với tổng diện tích 27ha tại các xóm: Vinh Quang 1, Vinh Quang 2; Tân Sơn và Sơn Tía. Đây là những giống lúa ngắn ngày, cấy được 2 vụ/năm, năng suất cao, khả năng đẻ nhánh tập trung, cứng cây, bông to, và khả năng chống chịu khá với một số loại sâu, bệnh như đạo ôn, bạc lá, rầy nâu...
Trong lúc bạn bè cùng trang lứa rủ nhau rời quê đi làm ăn xa thì cô gái xứ Thanh 26 tuổi Phạm Thị Xuyến quyết tâm ở lại làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương với mô hình trang trại tổng hợp, trong đó chủ lực là cây phật thủ.
Cả xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ (TP HCM) có hơn 100 hộ áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, lợi nhuận từ 100 triệu đến hơn 3 tỷ đồng/năm.
Từ những kết quả trên, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã và đang nhân rộng mô hình ra những vùng nước mặn lợ nuôi tôm kém hiệu quả. Thành công của mô hình góp phần giúp bà con vùng nuôi tìm ra được đối tượng nuôi thích hợp, phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện.