Tập Trung Phòng, Trị Bệnh Trên Tôm
Theo thông tin từ Tổng cục thủy sản (Bộ NN & PTNT) hiện nay tại một số vùng nuôi tôm trọng điểm miền Trung như: Khánh Hòa, Phú Yên… có hiện tượng tôm nuôi chết trên diện rộng. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết biến đổi thất thường, bệnh đốm trắng xuất hiện hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính.
Tại Nghệ An, thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS), tính đến ngày 25/4/2014 trên địa bàn tỉnh diện tích tôm nuôi bị bệnh là 9,78 ha (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2013) tập trung chủ yếu ở xã Hưng hòa (Thành phố Vinh) 4,29 ha, xã Nghi Thái (Nghi Lộc) 2,5 ha, xã Mai Hùng, Quỳnh Xuân, Quỳnh Lộc (Thị xã Hoàng Mai) 2,12 ha, xã An Hòa, Quỳnh Lương, Trịnh Môn (Quỳnh Lưu) 0,87 ha. Với các biểu hiện đỏ thân, kiểm tra có đốm trắng trên vỏ đầu ngực, một số ao có hiện tượng tôm bơi lờ đờ trên mặt nước, gan tụy nhũn, nhạt màu, teo gan, tôm tấp bờ rồi chết.
Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức Hội nghị “Bổ cứu công tác quản lý, sản xuất nuôi tôm năm 2014” tại xã Quỳnh Dị, Thị xã Hoàng Mai với sự tham gia của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thú y, Chi cục NTTS, Trung tâm Khuyến nông, UBND Thị xã Hoàng Mai, các Phòng NN, Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Diễn Châu, TP. Vinh, TX.
Hoàng Mai; HTX NTTS, một số hộ nuôi tôm và các công ty cung ứng giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản trên địa bàn tỉnh. Qua báo cáo của Chi cục Thú y, Chi cục NTTS và Ban quản lý dự án CRSD và qua trao đổi, hội nghị đã thống nhất đưa ra một số nhận định: Đầu năm đến nay thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ chênh lệch cao giữa ngày và đêm, có hiện tượng sương mù đặc trong khi mật độ thả nuôi cao;
Khi xẩy ra bệnh, hộ nuôi không tuân thủ theo quy trình phòng trị bệnh của các cơ quan chức năng; Một số hộ nuôi không có ao lắng lọc, 80% hộ nuôi xử lý trực tiếp nước ngay tại ao nuôi, 90 % hộ sau khi xử lý Clorine không kiểm tra dư lượng trước khi gây màu nước thả tôm, 90% ao tôm trước khi bị bệnh đều mất màu …
Từ một số nhận định trên hội nghị cũng đưa ra một số giải pháp: Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định về sản xuất, kinh doanh giống thủy sản được quy định tại Chỉ thị số 01/2012/CT-UBND ngày 5/1/2012 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý chất lượng tôm giống và vùng nuôi tôm mặn, lợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Tôm giống nhập từ tỉnh khác về phải đảm bảo chất lượng và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giống nhập về phải được ương/gièo trong bể từ 2 ngày trở lên, sau đó lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu virus đốm trắng, taura, MBV, kiểm tra phát sáng đạt yêu cầu mới được xuất bán (đối với giống tôm thẻ chân trắng phải đạt kích cỡ P12 trở lên).
Các đơn vị, cơ sở nuôi tôm thương phẩm, những vùng chưa thả giống cần cải tạo ao, đầm đúng yêu cầu kỹ thuật, phải có ao chứa lắng, xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi tôm bằng clorine nồng độ 30 gam/m3 nước; thường xuyên theo dõi thông báo kết quả quan trắc môi trường định kỳ tại các vùng nuôi tôm của Chi cục NTTS để có biện pháp lấy và xử lý nước đảm bảo. Thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn để có các biện pháp phòng ngừa bệnh cho tôm nuôi, sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, giống có kích cỡ đồng đều,kích thước phù hợp để thả nuôi.
Đối với diện tích đã thả tôm giống: Do điều kiện thời tiết đang thay đổi thất thường làm biến động lớn đến môi trường ao nuôi làm tôm bị sốc. Đặc biệt là sốc nhiệt độ và pH gây hiện tượng cong thân, tôm bơi lượn nhiều, giảm ăn…, các hộ nuôi cần phải thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi, sử dụng một số chế phẩm sinh học, bột đá làm ổn định môi trường, bổ sung vitamin C vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.
Mặt khác phải thường xuyên theo dõi thông báo kết quả quan trắc môi trường định kỳ tại các vùng nuôi tôm của Chi cục NTTS và tình hình bệnh của một số vùng nuôi lân cận, làm lưới ngăn, rải vôi bột xung quanh bờ ao ngăn chặn các vật chủ trung gian từ bên ngoài vào trong ao nuôi, thực hiện các biện pháp ổn định nhiệt độ như: nâng cao, duy trì mức nước trong ao nuôi từ 1,2 đến 1,5m, hạn chế thay, thêm nước, sử dụng thức ăn, các loại chế phẩm sinh học có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng và bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất, thường xuyên báo cáo tình hình diễn biến sản xuất cho chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để phối hợp chỉ đạo và xử lý kịp thời.
Đối với các diện tích nuôi tôm đã bị bệnh: khi tôm nuôi trong ao có hiện tượng bất thường, hoặc nghi tôm bị bệnh phải báo ngay với cán bộ thú y xã, UBND xã, HTX, Tổ cộng đồng lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời có phương án xử lý; tuyệt đối không dấu bệnh.
Sau khi có kết quả kiểm tra, nếu tôm nuôi bị nhiễm bệnh yêu cầu các hộ nuôi không được xả thải nước từ các ao này ra môi trường khi chưa qua xử lý, phải đóng cống cấp, thoát nước, rải vôi bột xung quanh bờ ao, ngăn chặn các vật chủ trung gian đưa tôm bị bệnh ra môi trường bên ngoài, xử lý clorine nồng độ 25-30 gam/m3 nước trong thời gian 7-10 ngày mới được xả nước ra ngoài môi trường.
Không mang ra khỏi vùng bệnh các loại thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi, chất thải động vật thủy sản có khả năng lây lan dịch bệnh đã phát hiện.
Đối với UBND các huyện, thành, thị xã cần chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, HTX, tổ cộng đồng theo dõi nắm bắt tình hình trên địa bàn triển khai các biện pháp kỹ thuật phòng ngừa bệnh xẩy ra trên tôm nuôi, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống, các hộ nuôi không chấp hành quy định; đồng thời thống kê tổng hợp tình hình, báo cáo Chi cục NTTS để chỉ đạo và có những hỗ trợ kịp thời cho người nuôi.
Riêng Chi cục NTTS và Chi cục Thú y cần tăng cường công tác phối hợp, xây dựng tổ công tác đặc biệt để làm tốt công tác quản lý giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản. Trung tâm Khuyến nông cử cán bộ trực tiếp tại các vùng nuôi, tăng cường tập huấn đầu bờ theo hướng “cầm tay chỉ việc” nhằm giúp bà con xử lý kịp thời khi bệnh tôm xẩy ra.
Có thể bạn quan tâm
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản chủ lực của Việt Nam như gạo, càphê, cao su và thủy sản đã bị suy giảm nghiêm trọng, tác động xấu đến nông nghiệp Việt Nam.
Trồng 1 ha lúa đầu tư lên tới 13 triệu đồng nhưng thu hoạch chỉ được khoảng 24 triệu đồng. Trong khi đó, trồng củ ấu, vốn bỏ ra khoảng 10 triệu đồng/ha nhưng doanh thu có thể lên tới 60-70 triệu đồng.
Quả thanh mai (quả Dâu rừng), có mặt trên thị trường đã lâu nhưng hè năm nay, thanh mai được bày bán phổ biến và được người tiêu dùng ưa chuộng nên giá loại khá cao.
Dù được kỳ vọng góp phần cứu vớt cho xuất khẩu ngành nông lâm thủy sản đang trong thế suy giảm xuất khẩu do giá thế giới giảm, tiêu thụ khó khăn nhưng nhiều chính sách liên quan đến con tôm và cá tra đang gây khó cho doanh nghiệp.
Hồng Công sẽ áp dụng lệnh cấm nhập khẩu gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm nguồn gốc từ VN do lo ngại dịch cúm gia cầm (H5N1 và H5N6).