Tỷ phú lươn giống
Đến thăm mô hình nuôi lươn không bùn và sản xuất lươn giống của gia đình anh Nguyễn Thanh Hải, chúng tôi hết sức bất ngờ khi tận mắt chứng kiến một cơ sở nuôi lươn có quy mô khá lớn, với 100 bồn lớn nhỏ. Đầu tiên là những bồn nước với hàng ngàn con lươn vàng óng ẩn nấp trong đám dây ny-lon phía dưới vỉ tre. Tiếp theo là trên 20 bồn lát bạt nuôi lươn bố mẹ. Đặc biệt, chúng tôi thích thú nhất là được anh dẫn tham quan khu vực sản xuất lươn giống.
Anh Hải chia sẻ: Trước đây, anh có 8 năm nuôi tôm giống và trên 3 năm nuôi cá tra bột. Tuy nhiên, do nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến năng suất cộng với đầu ra quá bấp bênh, dẫn đến thua lỗ nên anh quyết định “treo ao”.
Nắm bắt được nhu cầu về lươn thương phẩm ngày càng tăng, phong trào nuôi lươn phát triển rất mạnh ở nhiều địa phương nên anh lặn lội đến Vĩnh Hanh, Vĩnh Nhuận, Vĩnh Bình, rồi lên Châu Phú để học hỏi kinh nghiệm thực tiễn nuôi lươn không bùn và ươn lươn giống nhân tạo từ những nông dân khác. Mới đầu, anh nuôi 3 bồn lươn thành phẩm, chủ yếu là nguồn lươn đồng.
Sau 7 tháng nuôi, anh bán có lãi. Anh mạnh dạn dùng số tiền lãi để xây dựng thêm bồn nuôi mới. Đồng thời, tuyển chọn những con lươn khỏe để thử nghiệm cho sinh sản nhân tạo. Tự mày mòn và nghiên cứu, anh Hải đã thực hiện thành công quy trình sản xuất lươn giống khỏe mạnh, sạch bệnh, chủ động cung cấp con giống cho nhiều địa phương trong cả nước.
Hiện nay, cơ sở của anh Hải có khoảng 50 bồn nuôi lươn thương phẩm không bùn và hơn 30 bồn nuôi lươn bố mẹ để sinh sản. Diện tích mỗi bồn nuôi lươn thương phẩm trung bình từ 4 đến 25m2, mực nước từ 30 - 40 cm. Bên trong bồn là vỉ tre và dây ny-lon buộc chùm lại để cho lươn trú ẩn. Mỗi bồn, anh Hải thả nuôi từ 2.000 – 3000 con.
“Quan trọng nhất trong việc nuôi lươn giống là phải chọn được lươn bố mẹ từ những con lươn tốt nhất. Đặc biệt là yếu tố thời tiết, thời điểm và thời vụ thả vào bồn cho sinh sản đạt hiệu quả cao, nhiều trứng và chất lượng. Có như vậy, tỉ lệ đẻ trứng, ấp nở và dưỡng nuôi thành con giống mới cao. Ngoài ra, lươn bố mẹ hay lươn bột đều phải được thả nuôi trong môi trường nước sạch, không bị ô nhiễm, tốt nhất là nước giếng” – anh Hải chia sẻ kinh nghiệm.
Mỗi tháng, anh Hải xuất ra thị trường 200.000 con lươn giống, với giá từ 3.000 – 3.500 đồng/con, chủ yếu trong tỉnh và các khu vực lân cận vùng ĐBSCL, miền Trung. Sau khi trừ chi phí, anh thu lợi hàng tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, anh còn tư vấn kỹ thuật nuôi lươn đạt hiệu quả cho bà con nông dân địa phương và những người mua lươn giống.
Anh cũng đang đầu tư cải tạo ao nuôi cá tra bột trước đây thành hồ chứa nước để phục vụ cho quá trình nuôi lươn vào mùa khô. Bên cạnh việc mở rộng đầu tư sản xuất, anh còn chủ động học hỏi kinh nghiệm trên báo, đài, internet, tham gia hội thảo do ngành Nông nghiệp tổ chức để nâng cao trình độ chuyên môn sản xuất lươn giống chất lượng, đảm bảo con giống khỏe mạnh, sạch bệnh, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Sáng 19/9, Bí thư Tỉnh ủy Võ Kim Cự - Trưởng BCĐ NTM tỉnh, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Từ Văn Diện cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành đi kiểm tra tiến độ thực hiện các tiêu chí NTM và làm việc với cán bộ các xã Quang Lộc, Tiến Lộc và huyện Can Lộc.
Đoàn công tác UBKT Tỉnh ủy vừa có chuyến kiểm tra, làm việc với xã Thạch Thắng (Thạch Hà) về phát triển kinh tế tập thể. Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Nguyễn Thị Gái cùng dự.
Sau gần 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) với những cách làm quyết liệt, sáng tạo, Hà Tĩnh đã thu hút được nhiều tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia. Nhờ đó, áp lực đóng góp cho NTM của người dân được giảm đi đáng kể.
Chiều 18/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đi kiểm tra tiến độ dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà tại xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) và Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh).
Nông sản là một trong những mặt hàng nhận được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Hội nghị Giao thương Doanh nghiệp Việt-Trung do Cục Xúc tiến Thương mại phối hợp với Ban Thư ký Hội chợ Thương mại Trung Quốc-ASEAN tổ chức ở thành phố Nam Ninh.