Tưới Nước Cho Khoai Tây Vụ Đông
Khoai tây là cây trồng ưa lạnh, nhiệt độ thích hợp cho khoai tây sinh trưởng phát triển từ 16-18 độ C. Thời vụ trồng khoai tây tập trung từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 11 và thu hoạch từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2 năm sau. Thời gian cây khoai tây sinh trưởng, phát triển mạnh đúng vào các tháng khô hạn nhất trong năm. Cho nên việc tưới nước cho khoai không những có tác dụng giữ ẩm mà còn làm tăng hiệu quả của phân bón , góp phần tăng năng suất cây trồng.
Trong quá trình sinh trưởng phát triển của khoai tây có 4 thời kỳ có nhu cầu về nước khác nhau: Thời kỳ mọc và cây con, thời kỳ hình thành tia củ, thời kỳ củ phình to và thời kỳ từ khi củ đã trưởng thành đến khi thu hoạch. Trong sản xuất thì phải tính đến hiệu quả kinh tế cho nên tưới nước lúc nào, tưới bao nhiêu lần, tưới nhẹ hay tưới đẫm không chỉ dựa vào nhu cầu nước của cây trong từng giai đoạn khác nhau mà cần phải dựa vào độ ẩm của đất, tình hình thời tiết, khí hậu…để có quyết định chính xác.
Khoai tây ở thời kỳ trồng, cây mới mọc còn nhỏ thì cây dựa 1 phần vào lượng nước còn trong củ và độ ẩm của đất, đến khi cây phân cành, đâm tia thì lượng nước trong đất vẫn còn khá cao, lúc này mới là cuối mùa mưa, có nhiều năm vẫn còn những trận mưa lớn.
Giai đoạn cây có nụ kéo dài cho đến khi thân lá ngừng phát triển là lúc yêu cầu về nước rất cao để giúp cho cây phát triển thân lá, tia củ phình to, đồng thời lúc này ứng với tháng 12 ít mưa nên rất cần tưới nước, đất cần có độ ẩm bằng hoặc trên 80%, nếu độ ẩm đất thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến năng suất.
Sang giai đoạn từ khi cây ngừng phát triển thân lá đến thu hoạch thì nhu cầu nước lại giảm, nhưng lại đúng vào tháng 1 trời hanh khô ít mưa nên cũng rất cần tưới nước để giúp cho quá trình tích luỹ và vận chuyển các chất hữu cơ về củ.
Trong sản xuất khoai tây, để đảm bảo được độ ẩm cần thiết thường sau khi cây mọc được khoảng 15 đến 20 ngày, nếu thấy đất thiếu ẩm là tiến hành tưới lần thứ nhất, sau đó khoảng 15-18 ngày lại tưới tiếp lần thứ 2, tưới khoảng 3-4 lần như vậy.
Cách tưới tốt nhất là tưới theo rãnh (kể cả hàng đơn và hàng kép). Cho nước vào rãnh ngập 1/2 đến 2/3 chiều cao luống trong vài giờ (tuỳ theo yêu cầu tưới nhẹ hay tưới đẫm) rồi tháo kiệt. Đối với chân ruộng để làm giống cho vụ sau cũng nên tưới ít hơn để quá trình bảo quản đỡ hao hụt, ít bị bệnh…Sau khi tưới xong có thể xới phá váng kết hợp với bón thúc cho khoai
Có thể bạn quan tâm
Bệnh ghẻ khoai lang (sphaceloma batatas) đang trở thành đối tượng gây bệnh chính, phân bố ở hầu hết những vùng trồng khoai, làm ảnh hưởng đến năng suất củ.
Giống khoai tây KT2 do Trung tâm Nghiên cứu cây có củ - Viện Cây lương thực - cây thực phẩm chọn tạo. Qua SX diện rộng tại tỉnh Hà Nam, chúng tôi có một số kinh nghiệm thâm canh giới thiệu để bạn đọc tham khảo:
Khoai tây là cây rau ăn củ, sự hình thành củ rất sớm, cây khoai mọc cao 20cm đã hình thành tia củ, tia củ được phát triển chủ yếu từ các rễ mọc ra ở gốc mầm đoạn 2cm cách củ giống.
Khác với kỹ thuật trồng khoai tây theo phương pháp truyền thống từ trước đến nay là làm đất, bón phân lót, lên luống, trồng, chăm sóc, vun gốc v.v… vụ đông 2009 vừa qua KS. Nguyễn Hữu Khương, cán bộ kỹ thuật công ty TNHH An Phú Nông đã trồng thử nghiệm thành công 2 mẫu khoai tây trên chân đất 2 vụ lúa bằng biện pháp kỹ thuật mới, kỹ thuật trồng không cần làm đất có che phủ rơm rạ cho năng suất cao, chất lượng khoai thương phẩm tốt mà chi phí sản xuất lại giảm nhiều.
Bệnh héo xanh hay còn gọi là héo rũ do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây nên. Đây là bệnh nguy hiểm và phổ biến ở các nước có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, trong đó có nước ta. Bệnh làm cây chết đột ngột và thối củ, lây lan nhanh, thường làm giảm năng suất rất nhiều, thậm chí mất trắng.