Trồng Khoai Tây KT2 Trên Đất 2 Vụ Lúa
Giống khoai tây KT2 do Trung tâm Nghiên cứu cây có củ - Viện Cây lương thực - cây thực phẩm chọn tạo. Qua SX diện rộng tại tỉnh Hà Nam, chúng tôi có một số kinh nghiệm thâm canh giới thiệu để bạn đọc tham khảo:
Giống khoai tây KT2 có thời gian sinh trưởng từ 85-87 ngày, sinh trưởng khỏe, năng suất trung bình 22-25 tấn củ/ha, thâm canh cao đạt trên 30 tấn/ha. Củ thương phẩm màu vàng, ăn đậm đà, thịt củ chắc, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Thời vụ trồng từ 15/10 - 5/11 là tốt nhất, vừa đảm bảo năng suất và giải phóng đất gieo cấy lúa xuân.
Chuẩn bị giống: Tùy theo khối lượng củ giống và chất lượng các mắt mầm trên củ mà lượng giống từ 30-35 kg củ giống cho 2 sào Bắc bộ. Trước khi trồng cần phân loại cỡ củ. Nếu củ giống to có nhiều mầm nên dùng dao sắc bổ thành miếng đảm bảo mỗi miếng có 2-3 mầm, mỗi lần bổ cần nhúng dao vào nước vôi tránh sự lây lan bệnh từ củ này sang củ khác. Mặt cắt củ giống được nhúng vào tro bếp mục rồi xếp lên dàn.
Làm đất: Nên trồng trên chân đất 2 vụ lúa, rãnh luống thường xuyên có nước 2-3 cm vừa đỡ tốn công làm đất vừa đảm bảo đủ độ ẩm cho khoai tây đông sinh trưởng thuận lợi, nhất là giai đoạn làm củ. Xếp đất lên luống kép rộng 1,2m, cao 20-25 cm.
Cách trồng: Rạch 2 hàng trên mặt luống kép, mỗi hàng cách mép luống 10-15 cm. Rải phân chuồng mục và lân vào rạch, sau đó đặt củ giống hoặc miếng giống cách nhau 30 cm, yêu cầu củ giống không được tiếp xúc trực tiếp với phân, sau đó lấp đất lên củ dày 5 cm. Với khoảng cách trồng như trên mật độ trồng cần 5-6 củ/m2.
Phân bón: Lượng phân bón cho 1 ha
- Phân chuồng: 20-22 tấn.
- Phân đạm urê: 250-260 kg.
- Phân lân supe: 555 kg.
- Phân kaliclorua: 240 kg.
Bón lót toàn bộ phân chuồng và lân.
Bón thúc đợt 1: Bón lượng đạm + 1/2 lượng kali kết hợp nhặt cỏ mặt luống, dùng bùn hoặc đất ướt dưới rãnh phủ phân.
Bón thúc đợt 2: Sau trồng 20-25 ngày bón nốt số đạm và kali còn lại. Dùng đất ướt dưới rãnh vun cao, phủ phân. Với cách trồng như vậy không cần xới xáo, hạn chế công lao động mà vẫn phù hợp với cách trồng khoai tây trên nền đất ướt (rãnh thường xuyên có nước). Khi bón phân chú ý bón xa gốc.
Sâu bệnh: Chú ý sâu xanh, bọ trĩ, nhện bằng các loại thuốc Regend 800 WG, Ortus 5SC. Bệnh sương mai, lở cổ rễ...
Thu hoạch: Khi 1/2 thân, lá ngả màu vàng, trước khi thu hoạch 7-10 ngày ngừng tưới nước, thu hoạch chọn ngày nắng ráo, phân loại củ và bảo quản nơi râm mát.
Có thể bạn quan tâm
2Lúa giới thiệu với bà con cách trồng Khoai mỡ trên đất phèn. Khoai mỡ hay khoai ngọt là loại cây ăn củ dễ trồng, có thể trồng hầu hết các loại đất. Tùy từng vùng trong đê hoặc ngoài đê mà có một kỹ thuật trồng phù hợp. Hiện nay, cây khoai mỡ là cây thực phẩm chủ lực trên đất phèn huyện mới Tân Phước.
Khoai tây cần nhiều nước nhất là ở thời kỳ phình củ và thời kỳ củ lớn nhanh. Trong giai đoạn này có thể tưới nước vào rãnh cho ruộng thấm đều nước sau đó tháo hết nước thừa đi
Khoai từ không đơn giản chỉ là một món ăn dân dã quen thuộc mà nó còn là một vị thuốc quý có lợi cho cơ thể. Dưới đây chúng tôi xin nói rõ hơn về những tính năng công dụng chữa bệnh của loại củ này, và chắc hẳn mọi nguời sẽ thêm khoai từ trong thực đơn hàng ngày để có một sức khỏe dồi dào hơn.
Khoai môn dùng ăn chín, chế biến thực phẩm, đặc biệt có thể xuất khẩu củ tươi và dùng làm nguyên liệu cho chế biến công nghiệp rất có giá trị như khoai chiên, bột dinh dưỡng trẻ em...
Khoai Từ, Khoải Mở (Vạc) là hai loài cây có củ thuộc họ củ nâu (Dioscoreaceae). Tại Việt Nam, từ, vạc có ở khắp nơi, nhưng tập trung nhiều nhất là ở vùng trung du và bán sơn địa.