Hậu Giang Triển Vọng Với Cây Ca Cao
Trồng xen ca cao trong vườn dừa, vườn cây ăn trái có thể giúp nhà vườn tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác. Tuy nhiên, do là cây trồng mới, người dân chưa biết hết hiệu quả lâu dài nên việc phát triển còn hạn chế.
Cây trồng triển vọngCây ca cao chịu bóng râm nên trồng xen được với nhiều loại cây có giá trị kinh tế khác để tăng thêm thu nhập cho người dân trên cùng diện tích đất canh tác đã được người dân áp dụng. Trong 3 năm (từ 2009 - 2012), Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng ca cao trồng xen trong vườn cây lâu năm góp phần phát triển nông nghiệp bền vững ở Hậu Giang” với quy mô 150ha.
Theo Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Lê Mỹ Hạnh, Chủ nhiệm dự án mong muốn dự án sẽ giúp đa dạng hóa cây trồng và tăng sản phẩm cây công nghiệp của tỉnh với chất lượng tốt, năng suất cao đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, tăng thu nhập cho người dân.
Sau 3 năm thực hiện, cây ca cao cho trái, năng suất đạt từ 1 - 1,25 tấn hạt khô/ha/năm. Tại thời điểm cuối năm 2012, đầu năm 2013, giá hạt ca cao khô dao động trên thị trường là 51.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi héc-ta tăng thêm từ 51 - 63,7 triệu đồng, 150ha sẽ thu được 7,65 - 9,5 tỉ đồng. Mỗi héc-ta trồng xen thêm ca cao, người dân sẽ thu thêm từ 31 - 43 triệu đồng mà không ảnh hưởng gì đến cây trồng chính.
Tham gia dự án, ông Đào Văn Phê, ở ấp Sơn Phú, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy đã nhận thấy lợi thế tích cực của loại cây trồng này. Đặc biệt, ông tâm đắc vì cây cho trái quanh năm, cho đồng vô đồng ra thường xuyên. Trong 7 công dừa của gia đình, ông Phê đã trồng xen 1.300 cây ca cao, đến nay ca cao đã cho trái 2 năm, mỗi lần hái được 400 - 600kg, cách 15 - 20 ngày hái 1 lần, với giá bán từ 3.500 - 4.000 đồng/kg.
Ông Phê cho rằng: “Cây ca cao trồng xen trong vườn dừa rất tốt, nhẹ chăm sóc vì cây ít bệnh, sau khi hái dứt trái thì tỉa cành, tạo tán, bón phân hữu cơ bổ sung dinh dưỡng cho vụ tiếp theo. Nhờ đó mà năng suất dừa cũng nâng lên, làm tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác”.
Không chỉ dễ chăm sóc, ca cao hiện là cây trồng tiềm năng vì đầu ra rất ổn định. Đây là nguồn nguyên liệu để chế biến socola, bánh kẹo, sữa ca cao… HTX Nông nghiệp Phúc Anh, ở phường III, thành phố Vị Thanh đã tổ chức thu mua từ sản phẩm trái ca cao thô đến hạt khô đã ủ cho nông dân tham gia dự án và trong vùng dự án. Sau khi thu gom, HTX sẽ bán lại cho các công ty chuyên kinh doanh mặt hàng ca cao như Cargill, Thành Phát… Các công ty này sẽ sơ chế hạt ca cao lại để xuất khẩu sang châu Âu.
Nông dân chưa mặn mà
Dù hiện nay cây ca cao đã có đầu ra ổn định, nhưng nhiều nông dân vẫn chưa đón nhận. Mặc dù nỗ lực thực hiện dự án, tạo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho thị trường, nhưng diện tích 150ha theo kế hoạch ban đầu đã bị sụt giảm. Một số nông dân ở huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp đã đốn bỏ cây ca cao chỉ một năm sau khi trồng, vì họ chưa tin tưởng cây trồng này. Bởi vì trước đó gần chục năm, nhiều người dân ở Hậu Giang đã đồng loạt bỏ cây ca cao, có vườn hàng chục năm tuổi.
Theo đánh giá của Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Hâu (Trường Đại học Cần Thơ), hầu hết diện tích ca cao bị chặt bỏ ở những vườn không được quan tâm chăm sóc hay chăm sóc không đúng kỹ thuật; công tác hướng dẫn về kỹ thuật, thông tin thị trường và giá cả chưa tốt; diện tích trồng manh mún dẫn đến giá thành tăng.
Bên cạnh vấn đề kỹ thuật, thị trường, ca cao là cây trồng mới nên thiếu sự chỉ đạo của chính quyền và người trồng thiếu kinh nghiệm… Nông dân vẫn còn tâm lý cho là cây thu nhập phụ, không có nguồn lợi lớn, không quan tâm đầu tư chăm sóc dẫn đến hao hụt nhiều, năng suất thấp.
Bên cạnh trở ngại trên thì vấn đề sơ chế hạt ca cao cũng làm nông dân ngán ngại trồng và tiêu thụ. Mặc dù, quy trình ủ cho hạt ca cao lên men để cho ra hạt khô không khó, nhưng người dân ngại vì tốn công. Vả lại, những vườn ca cao mới cho ít trái lại chín rải rác gây khó khăn trong việc tiêu thụ.
Hơn nữa, số lượng ít, người dân cũng “lười” ủ hạt. Hiểu được lý do này, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh đã tổ chức điểm thu mua trái ca cao, sau đó, tập kết tại HTX Nông nghiệp Phúc Anh để thực hiện quy trình ủ, sẵn sàng bao tiêu cho dân nếu tự ủ hạt với giá cao và cố định là 55.000 đ/kg hạt khô.
Nhà của ông Mai Văn Dữ, ở ấp Tân Long A, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp là địa điểm của HTX Nông nghiệp Phúc Anh thu mua ca cao cho nông dân ở khu vực này. Theo ông Dữ, ca cao khô đã qua ủ lên men có giá cao hơn nhưng chưa hấp dẫn người dân và họ chỉ bán trái tươi với giá khoảng 3.500 - 4.000 đ/kg cho tiện.
Đại diện HTX Nông nghiệp Phúc Anh, cho biết: Nếu bán trái tươi, khó trong khâu vận chuyển, vì cồng kềnh mà không lợi bằng bán hạt khô. Nếu biết tận dụng vỏ ca cao để làm chất đốt trong nấu nướng, giúp bà con tiết kiệm một phần chi phí.
Theo thông tin thị trường, giá ca cao trong vòng một năm nay luôn ổn định và không lo đầu ra vì số lượng cung chưa đủ cầu. Ưu điểm lớn nhất là cây ca cao có tuổi thọ đến 40 - 50 năm, cho trái quanh năm và có thể gọi là cây dưỡng già cho nhà vườn. Để cây ca cao phát huy tối đa hiệu quả, nhà vườn chấp nhận thì các ngành liên quan, doanh nghiệp cần thiết lập chuỗi giá trị cho ca cao từ tập huấn kỹ thuật sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, cần có nhà máy chế biến tại chỗ sẽ liên kết sản xuất với tiêu thụ, chế biến. Có như vậy, ca cao xen canh sẽ là giải pháp lâu dài, bền vững, giảm rủi ro cho nhà vườn, đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích cho người dân.
Có thể bạn quan tâm
Sau khi xây dựng thành công đề tài: “Ứng dụng chế phẩm nấm xanh Ometar trừ rầy nâu hại lúa” quy mô nông hộ tại 6 xã trồng lúa trọng điểm là: xã Ngãi Tứ và Mỹ Lộc (Tam Bình), xã Hiếu Phụng và Hiếu Nhơn (Vũng Liêm), xã Hựu Thành và Hòa Bình (Trà Ôn), mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã quyết định công nhận và cho phép công bố kết quả đề tài này.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Chính sách tạm trữ lúa gạo là giải pháp tình thế mà Chính phủ thực hiện để đảm bảo nông dân có lãi 30% nhờ trồng lúa. Giá thành lúa gạo ĐBSCL vụ Hè Thu năm nay là 4.114 đồng/1kg và sau khi Chính phủ tổ chức mua tạm trữ thì trong nhiều tháng liền giá lúa đã cao hơn giá tối thiểu ở mức 5.350 đồng/kg, hiện nay là 5.600-5.800 đồng/kg.
Đối với người nông dân vất vả “một nắng hai sương” thì không có niềm vui nào hơn là niềm vui được mùa. Tuy nhiên, thay vì niềm vui bội thu như các vụ trước thì vụ thu đông này, nông dân xã Bình Lư (huyện Tam Đường - Lai Châu) đang phải lao đao bởi cây ngô sinh trưởng, phát triển bình thường, thậm chí xanh tốt, song đến kỳ thu hoạch lại không có hạt.
Vụ Đông xuân này ở Châu Thành A (Hậu Giang) sẽ thực hiện thí điểm với diện tích nhỏ, sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng ở vụ Hè thu. Theo đó, những nơi đất gò, đất manh trồng lúa kém hiệu quả sẽ chuyển sang trồng bắp
Năm 2004, với sự hỗ trợ quốc tế, cây ca cao được khởi động ở Việt Nam với các bước khá căn cơ, quy hoạch đến 2020 là 50.000ha. Hiện nay con số này khoảng 25.000ha, tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên, chủ yếu trồng xen vào vườn dừa, điều, cà phê, cây ăn trái... 10.000ha trong số này đã thu hoạch, với 5.000 tấn hạt. Theo dự báo, nhu cầu sử dụng hạt ca cao trên thế giới đang tăng, đặc biệt là vùng Trung Đông, Brazil, Nga, Ukraine, Trung Quốc trong khi sản lượng toàn cầu không tăng nhiều. Nhưng ca cao có số phận khá long đong so với cây trồng khác.