Trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa lớn tăng mạnh

Tại Hội nghị đánh giá 2 năm triển khai tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, diễn ra ngày 22/7, tại Hà Nội, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, năng suất của hầu hết các loại cây trồng chủ lực tăng mạnh. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, năng suất lúa đã tăng từ 56,4 tạ/ha lên 57,6 tạ/ha; ngô tăng từ 43 tạ/ha lên 44,1 tạ/ha; hồ tiêu từ 25 tạ/ha lên 26 tạ/ha, đặc biệt năng suất điều đã tăng từ 9,7 tạ/ha lên 12 tạ/ha...
Cùng với đó, cả nước đã xây dựng được nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; duy trì và mở rộng nhiều vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả hàng hoá tập trung quy mô lớn như vùng cao su-cà phê-điều-hồ tiêu (Đông Nam Bộ và Tây Nguyên); vùng chè (Trung du miền núi phía Bắc và Lâm Đồng); vùng cây ăn quả Nam Bộ, thanh long ở Bình Thuận, vải thiều ở Bắc Giang...
Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu đã chiếm lĩnh thị trường thế giới với giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như rau quả tăng bình quân 42,8%/năm, hồ tiêu tăng 23%/năm, hạt điều tăng 16,5%/năm... đã góp phần quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống, giảm tỷ lệ đói nghèo cho nông dân.
Tuy nhiên, với diễn biến thị trường hiện nay, có thể thấy rõ tốc độ tăng trưởng lĩnh vực trồng trọt chưa ổn định và đang có dấu hiệu sụt giảm với mức tăng 6 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt gần 2% so với mức tăng 3% và 3,2% của năm 2013, 2014.
Bên cạnh đó, do công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn hạn chế cùng với an toàn vệ sinh nông sản thực phẩm còn nhiều bất cập đang là những nguyên nhân chính khiến sản phẩm trồng trọt gặp khó khăn tại thị trường nội địa và vấp phải nhiều rào cản khi thâm nhập vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản...
Riêng đối với tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, Cục Trồng trọt nhận định, sau quá trình triển khai, đến nay nhiều địa phương ở các tỉnh phía Bắc đã tăng được tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao để phục vụ tiêu dùng trong nước, còn tại ĐBSCL cũng đã sử dụng khoảng 41% giống chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu.
Cùng với đó, nhiều địa phương đã chỉ đạo đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến; giảm lượng giống gieo sạ; giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới cũng như chuyển đổi diện tích gieo trồng lúa sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ngoài ra, đã có nhiều doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu gạo liên kết với nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu thông qua hợp đồng tiêu thụ, cung ứng vật tư, hỗ trợ kỹ thuật. Kết quả là từ năm 2013 đến hết vụ Đông Xuân năm 2015 đã có hàng ngàn mô hình cánh đồng lớn được liên kết, xây dựng ở các địa phương với diện tích khoảng 556.000 ha.
Ghi nhận những kết quả đạt được bước đầu nhưng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thẳng thắn cho biết: “Nhìn chung, tỷ lệ gạo có chất lượng cao còn thấp đặc biệt là vùng ĐBSCL, giá thành sản xuất tương đối cao nên sản phẩm khó cạnh trạnh trên thị trường. Do đó tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo cần phải tiến tới tổng rà soát, thay đổi và điều chỉnh căn cơ các giải pháp, tăng tỷ lệ diện tích liên kết sản xuất theo chuỗi để xâm nhập mạnh hơn vào phân khúc gạo phẩm cấp cao của thị trường thế giới”.
Có thể bạn quan tâm

Hiệp hội Trái cây VN (Vinafruits) cho biết, mặc dù các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc..., liên tục mở cửa cho trái cây tươi của VN, thế nhưng sản lượng XK vẫn chưa đạt được kỳ vọng.

Xin được nói luôn, “ngơ ngơ đội nón” chính là những “cô” bò sữa, những thí sinh tham dự cuộc thi hoa hậu bò sữa, được tổ chức bởi Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Sơn La). Cuộc thi này đang gây tranh cãi bởi chính cái tên của nó: “Hoa hậu”. Người thì cho rằng, cuộc thi hoa hậu trên đất nước này chỉ có một, đó là dành cho người, chứ còn “bò thì hoa hậu cái gì!”.

Đặc biệt, giá tôm thẻ chân trắng tính đến thời điểm hiện tại giảm trung bình từ 15 – 20 ngàn đồng/kg tùy loại. Ở Cà Mau, hiện giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con giá 100 ngàn đồng/kg, loại 70 con giá 120 ngàn đồng/kg. Giá tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cũng chênh lệch không đáng kể.

Trước tình trạng một số diện tích ruộng sản xuất kém hiệu quả hoặc không sản xuất trong vụ hè thu ở vùng thấp trũng, gần đây, người dân các huyện Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nam Ðàn, Diễn Châu, Yên Thành, Ðô Lương (Nghệ An) đã chuyển đổi sang nuôi cá vụ ba. Với hình thức chuyển đổi này, bước đầu đem lại hiệu quả tốt.

Thiếu tá Lê Duy Nhất, Phó Trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Đá Bạc, Đồn Biên phòng Sông Đốc, cho biết, nhiều năm nay ngư dân vùng biển này khai thác được sứa chỉ lựa đổ đi chứ không biết lấy làm gì. Từ năm 2011 đến nay, có cơ sở thu mua, sơ chế sứa của anh Bùi Văn Kỳ (anh Kỳ từ Nha Trang vào) giúp nhiều ngư dân có thêm nguồn thu nhập từ sứa.