Từ Thịt Bò Úc Đến Đường Của Bầu Đức
Mỗi khi hàng nước ngoài nhập về cạnh tranh giá với sản phẩm trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp thì các doanh nghiệp trong nước lại “la làng”.
Điệp khúc quen thuộc mà các doanh nghiệp này đưa ra là nếu cứ để nhập khẩu giá thấp thế này thì người nông dân sẽ chết! Vào mùa cuối năm câu chuyện thịt ngoại đang chiếm chỗ của thịt nội tại các chợ và siêu thị lại trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.
Cùng là miếng thịt bò Úc nhưng cái nhìn và cảm xúc của mỗi người mỗi khác. Người tiêu dùng vui vẻ đón nhận vì thịt bò Úc mềm, ngọt mà giá chỉ bằng nửa giá thịt nội. Các công ty nhập bò sống về để giết mổ, chế biến nên loại thịt bò này đáp ứng được mọi yêu cầu về thịt sạch, an toàn. Điều đó càng tăng tính hấp dẫn trên thị trường. Trái lại, thay vì nhìn vào những yếu kém của ngành chăn nuôi Việt Nam để tìm cách cứu nguy thì lại có những ý kiến cho rằng doanh nghiệp nước ngoài bán phá giá.
Phát biểu trên báo chí gần đây, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, cho rằng: “Việc họ bán giá thịt thấp vào Việt Nam là hết sức vô lý và có dấu hiệu bán phá giá”… Việc lo cho người sản xuất là chính đáng, cần phải cứu nguy ngay. Nhưng trong khi đất nước ta còn nghèo thì cũng không thể lấy lý do bảo vệ sản xuất nội địa để bắt người tiêu dùng hàng đắt được.
Câu chuyện miếng thịt bò cũng giống chuyện nhập khẩu đường của bầu Đức. Ngay khi ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) có đề xuất nhập khẩu đường từ Lào về Nhà máy đường Biên Hòa để tinh luyện rồi sau đó xuất sang Trung Quốc liền bị Hiệp hội Mía đường Việt Nam phản ứng dữ dội. Phía hiệp hội cho rằng nếu vì lợi ích của một doanh nghiệp mà quên đi lợi ích của hàng triệu nông dân trồng mía và hàng vạn công nhân tại 40 nhà máy đường là sự đánh đổi quá lớn! Đi xa hơn nữa, hiệp hội này còn “dọa dẫm” sẽ bỏ mua mía của dân!
Nguồn cơn những phản ứng của Hiệp hội cũng chỉ vì giá đường của HAGL chỉ bằng 1/3 giá trong nước. Mức giá này có vẻ như đang đe dọa nồi cơm của Hiệp hội Mía đường. Trước thái độ này, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú chỉ còn biết thốt lên rằng: “Tôi khẳng định tất cả con cưng đều hư, chiều quá thì hư”.
Một bầu Đức xưa nay nổi tiếng trong dư luận chuyện thể thao, bất động sản nay bỗng dưng trở thành ông trùm về mía đường không đáng để ngành mía đường phải hổ thẹn nhìn lại mình hay sao. Những bí quyết đưa đến năng suất mía đường cao, giá thành thấp đâu phải ông Đoàn Nguyên Đức bo bo giữ riêng cho mình. Thời gian vừa qua, ông đã mở cửa đón rất nhiều đoàn doanh nhân từ Việt Nam sang Lào để tham quan cánh đồng mía công nghệ cao của HAGL.
Đích thân bầu Đức dẫn các doanh nhân đến từng gốc mía để giới thiệu về kỹ thuật mà ông tích lũy được từ những cường quốc về nông nghiệp như Israel cho tới Thái Lan. Trong những đoàn doanh nhân này người ta thấy có cả “nữ hoàng mía đường” Huỳnh Bích Ngọc của Nhà máy mía đường Bourbon, Tây Ninh. Một đại gia mía đường ở Phú Yên là bà Bùi Thị Quy - Chủ tịch HĐQT công ty Vạn Phát dù đã ở tuổi ngoài 70 cũng lặn lội sang Lào tham quan, học hỏi công nghệ làm mía đường của bầu Đức và không ngớt trầm trồ.
Thế nhưng không hiểu vì sao trong những đoàn khách ấy không thấy bóng dáng Hiệp hội Mía đường Việt Nam đâu!
Việt Nam đang tiến sâu vào sân chơi quốc tế, chẳng lẽ Hiệp hội Mía đường Việt Nam không biết rằng năm 2015, thuế suất của khu vực ASEAN bị bãi bỏ. Khi ấy không chỉ đường của bầu Đức mà đường từ Thái Lan sẽ tràn vào nước ta. Liệu lúc ấy Hiệp hội Mía đường Việt Nam có ngồi yên mà làm nư được nữa không? Trong sân chơi quốc tế này, nhiều ngành nghề khác cũng coi chừng chết trên sân nhà!
Có thể bạn quan tâm
Những năm qua, nông dân xã Yên Đồng (Yên Mô - Ninh Bình) đã chuyển đổi từ chân ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - cá nhằm khai thác diện tích mặt nước trên ruộng, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, giảm bớt chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập.
Với trang trại rộng hơn 4.000 m2, anh Huỳnh Chí Công (xã Phước Vĩnh An, Củ Chi, TP.HCM) đã thu hàng tỉ đồng từ nghề nuôi rắn, kỳ đà và rùa để xuất khẩu.
Hiện nay, ở huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế), có rất nhiều gia đình ở các xã kinh tế mới như Hương Lộc, Hương Hòa, Hương Phú trồng sầu riêng, một loại cây có nguồn gốc từ Nam Bộ. Ước tính có đến gần 100 cây sầu riêng đang cho trái. Sầu riêng đang mang lại một nguồn thu không nhỏ cho các hộ gia đình.
Khoai lang là cây trồng lấy củ, vốn rất quen thuộc với nông dân ở các vùng, miền. Trong nhiều năm gần đây, cây khoai lang đã trở thành cây trồng hàng hóa, đem lại hiệu quả cao cho người trồng. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có củ - Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm là đơn vị không chỉ chọn tạo được nhiều giống cây có củ tiến bộ mà còn có nhiều kĩ thuật tiên tiến tác động lên các cây trồng này.
Được thành lập ngày 1 - 4 -1992, đến nay Hội Làm vườn tỉnh vừa tròn 20 tuổi. Hội ra đời và phát triển đã đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng mong mỏi của những người yêu nghề làm kinh tế vườn (cây ăn quả, cây công nghiệp), nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm (VAC), từng bước trở thành một nhân tố tích cực trong phong trào phát triển kinh tế VAC nói riêng và kinh tế của tỉnh nói chung.