Tù mù giá thức ăn chăn nuôi
Giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao, lại không ai nắm rõ giá thành, giá bán …, khiến cho nhà sản xuất thức ăn lời to, còn người chăn nuôi thì "méo mặt".
Tại hội thảo “Tăng cường tính cạnh tranh trong thị trường lúa gạo và chăn nuôi Việt Nam”, do Trung tâm Chính sách và Chiến lược NN-NT miền Nam, Oxfam, Diễn đàn Chính sách Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tại TP HCM mới đây, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi cho biết: Hiện nay cả nước ta có 199 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản lượng năm 2014 là 14,462 triệu tấn (chưa tính thức ăn thủy sản).
So với năm 2010, sản lượng thức ăn chăn nuôi đã cao hơn tới 4 triệu tấn. Điều này cho thấy ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn đang phát triển mạnh. Nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp FDI vẫn đang tiếp tục đầu tư lớn để xây dựng thêm các nhà máy thức ăn chăn nuôi mới.
Tuy nhiên, ngành thức ăn chăn nuôi lại đang tạo ra những mối lo không nhỏ cho cả ngành chăn nuôi, nhất là ở khía cạnh giá thành sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng, hiện đang có 3 ẩn số lớn của ngành thức ăn chăn nuôi.
Trước hết, cơ quan quản lý Nhà nước không thể nắm được chính xác sản lượng thức ăn công nghiệp, bởi các doanh nghiệp sản xuất lớn không hề báo cáo sản lượng của họ về Cục Chăn nuôi.
Do đó, sản lượng thức ăn chăn nuôi hàng năm mà Cục Chăn nuôi công bố, chỉ là ước tính. Thứ hai, giá thành và giá bán thực sự của các sản phẩm thức ăn chăn nuôi hiện không cơ quan nào biết được. Mà các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lại đang thu lãi lớn. Ngành thức ăn chăn nuôi đang có hiện tượng neo giá và làm giá, ảnh hưởng tới nông dân.
Thứ ba là tiêu chuẩn chất lượng thức ăn chăn nuôi hiện nay gần như chưa kiểm soát được. Nhiều nhà máy vẫn gian lận về chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước vẫn lúng túng trong công tác quản lý thức ăn chăn nuôi.
Chính vì trong ngành thức ăn chăn nuôi vẫn còn tồn tại những điều chưa rõ ràng như trên, nên theo nhận định của nhiều chuyên gia, không ít doanh nghiệp trong ngành này đang thu lời lớn.
Theo TS Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược NN-NT miền Nam, hiện nay, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi trong nước công bố tỷ lệ lợi nhuận trên giá thành sản xuất 1 kg thức ăn chăn nuôi vào khoảng 1-3%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chăn nuôi cho rằng tỷ lệ này phải lên tới 10-15%. Còn theo ông Đoàn Xuân Trúc, PCT Hội Chăn nuôi Việt Nam, có những doanh nghiệp đạt tỷ lệ lợi nhuận tới 30%.
Điểm đáng chú ý nhất với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong năm nay là Nhà nước đã bãi bỏ thuế VAT (5%) với các nguyên liệu nhập khẩu như ngô, đậu tương …
Vì thế, giá thức ăn chăn nuôi có giảm nhưng lại không được như kỳ vọng. Theo TS Nguyễn Văn Giáp, thông tin từ một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho hay, họ chỉ có thể giảm giá thức ăn chăn nuôi từ 2,5-3,5% do một số nguyên liệu như bột cá, vitamin các loại không được miễn giảm VAT.
Đồng thời doanh nghiệp vẫn phải chịu các khoản VAT từ chi phí vận chuyển tăng, giá điện, giá nước, chi phí máy móc … nên giá thức ăn chăn nuôi không thể giảm đến 5% được.
Mặt khác, giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam vẫn cao do còn quá phụ thuộc vào nhập khẩu. Thông tin từ công ty Cargill cho hay, nếu giá ngô ở Mỹ là 2.600 đồng/kg thì khi nhập về Việt Nam sẽ lên thành 5.200 đồng/kg, đậu nành ở Mỹ 4.500 đồng/kg, nhập về Việt Nam là 9.000 đồng/kg …
Bên cạnh đó, khi nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp phải gánh thêm chi phí về vận chuyển, kiểm định, thuế, rủi ro khi nguyên liệu không đạt chuẩn. Hàng nhập về tới cảng phải chịu thêm nhiều chi phí khi qua các khâu kiểm soát của hải quan, thú y, bảo vệ thực vật …
Ngoài ra, do thị trường Việt Nam manh tính rủi ro cao nên các doanh nghiệp buộc phải rút ngắn thời gian khấu hao máy móc còn 5 năm, nhằm thu hồi vốn nhanh, nhưng như vậy lại làm cho giá thành thức ăn chăn nuôi bị đội lên.
Chi phí khuyến mãi, chiết khấu của các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi cũng đang ở mức cao (chiếm 6-10% giá thành). Riêng về chi phí khuyến mãi, chiết khấu, ông Đoàn Xuân Trúc cho biết, có những doanh nghiệp chi tới 10-15%, nên đẩy giá bán lên cao.
Ông Lê Bá Lịch cho rằng, lãi suất ngân hàng vẫn còn cao (các nhà máy thức ăn chăn nuôi đang phải vay vốn với lãi suất 11%), cũng là nguyên nhân quan trọng khiến cho giá thức ăn chăn nuôi neo ở mức cao …
Chính vì vậy, để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi Việt Nam, ngoài các giải pháp về giống, tổ chức chăn nuôi …, quản lý giá và chất lượng thức ăn chăn nuôi được coi là một yếu tố quan trọng nhằm giúp người chăn nuôi giảm giá thành sản xuất.
Theo TS Nguyễn Văn Giáp, kết quả khảo sát của Trung tâm Chính sách và Chiến lược NN-NT miền Nam cho thấy, có 89% người được hỏi (nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu) cho rằng, cần phải có quy định yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi công khai giá thành, giá bán.
Nhà nước cũng cần có quy định giới hạn mức lợi nhuận trên thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, ở Thái Lan, đã có quy định lợi nhuận của mặt hàng thức ăn chăn nuôi là 5%. Còn ở Việt Nam chưa ai quản lý việc này.
Có thể bạn quan tâm
Thạc sĩ Phan Phương Loan, Khoa Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên (Trường đại học An Giang) vừa thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá trê vàng”. Đề tài triển khai thực nghiệm tại ấp Bình Hòa 2, xã Mỹ Khánh (TP.Long Xuyên) bằng hai hình thức sử dụng 100% thức ăn là cá tạp và 50% cá tạp, kết hợp 50% thức ăn công nghiệp.
Hơn 10 ngày qua, giá tôm hùm thương phẩm trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) tăng nhẹ trở lại. Hiện tôm loại 1 có giá hơn 1,7 triệu đồng/kg, tôm loại 2 và loại 3 giá từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/kg, cao hơn 200.000 đồng so với trước đây 2 tuần.
Niên vụ 2012 - 2013, tổng diện tích mía tím trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) tăng hơn 300 ha. Nếu như trước đây, mía tím chỉ được trồng ở những khu vực đất đai màu mỡ, gần nguồn nước như: xã Sơn Hiệp, Ba Cụm Bắc, thị trấn Tô Hạp... thì hiện nay, cây mía tím đã được trồng ở một số khu vực có điều kiện sản xuất không thuận lợi như xã Ba Cụm Nam.
Sáng nay (28/9), Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương và UBQG Tìm kiếm cứu nạn vừa ra công điện số 70 gửi các tỉnh sẽ chịu ảnh hưởng bão số 10 là Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Thực tiễn sản xuất đã và đang đặt ra yêu cầu cấp bách cần có tư duy mới, cách tiếp cận hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp… Mô hình liên kết mới thật sự đạt được mục tiêu như mong muốn: hài hòa lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, để người nông dân không bị thiệt.