Tù mù giá thức ăn chăn nuôi
Giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao, lại không ai nắm rõ giá thành, giá bán …, khiến cho nhà sản xuất thức ăn lời to, còn người chăn nuôi thì "méo mặt".
Tại hội thảo “Tăng cường tính cạnh tranh trong thị trường lúa gạo và chăn nuôi Việt Nam”, do Trung tâm Chính sách và Chiến lược NN-NT miền Nam, Oxfam, Diễn đàn Chính sách Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tại TP HCM mới đây, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi cho biết: Hiện nay cả nước ta có 199 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản lượng năm 2014 là 14,462 triệu tấn (chưa tính thức ăn thủy sản).
So với năm 2010, sản lượng thức ăn chăn nuôi đã cao hơn tới 4 triệu tấn. Điều này cho thấy ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn đang phát triển mạnh. Nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp FDI vẫn đang tiếp tục đầu tư lớn để xây dựng thêm các nhà máy thức ăn chăn nuôi mới.
Tuy nhiên, ngành thức ăn chăn nuôi lại đang tạo ra những mối lo không nhỏ cho cả ngành chăn nuôi, nhất là ở khía cạnh giá thành sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho rằng, hiện đang có 3 ẩn số lớn của ngành thức ăn chăn nuôi.
Trước hết, cơ quan quản lý Nhà nước không thể nắm được chính xác sản lượng thức ăn công nghiệp, bởi các doanh nghiệp sản xuất lớn không hề báo cáo sản lượng của họ về Cục Chăn nuôi.
Do đó, sản lượng thức ăn chăn nuôi hàng năm mà Cục Chăn nuôi công bố, chỉ là ước tính. Thứ hai, giá thành và giá bán thực sự của các sản phẩm thức ăn chăn nuôi hiện không cơ quan nào biết được. Mà các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lại đang thu lãi lớn. Ngành thức ăn chăn nuôi đang có hiện tượng neo giá và làm giá, ảnh hưởng tới nông dân.
Thứ ba là tiêu chuẩn chất lượng thức ăn chăn nuôi hiện nay gần như chưa kiểm soát được. Nhiều nhà máy vẫn gian lận về chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước vẫn lúng túng trong công tác quản lý thức ăn chăn nuôi.
Chính vì trong ngành thức ăn chăn nuôi vẫn còn tồn tại những điều chưa rõ ràng như trên, nên theo nhận định của nhiều chuyên gia, không ít doanh nghiệp trong ngành này đang thu lời lớn.
Theo TS Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược NN-NT miền Nam, hiện nay, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi trong nước công bố tỷ lệ lợi nhuận trên giá thành sản xuất 1 kg thức ăn chăn nuôi vào khoảng 1-3%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chăn nuôi cho rằng tỷ lệ này phải lên tới 10-15%. Còn theo ông Đoàn Xuân Trúc, PCT Hội Chăn nuôi Việt Nam, có những doanh nghiệp đạt tỷ lệ lợi nhuận tới 30%.
Điểm đáng chú ý nhất với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong năm nay là Nhà nước đã bãi bỏ thuế VAT (5%) với các nguyên liệu nhập khẩu như ngô, đậu tương …
Vì thế, giá thức ăn chăn nuôi có giảm nhưng lại không được như kỳ vọng. Theo TS Nguyễn Văn Giáp, thông tin từ một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho hay, họ chỉ có thể giảm giá thức ăn chăn nuôi từ 2,5-3,5% do một số nguyên liệu như bột cá, vitamin các loại không được miễn giảm VAT.
Đồng thời doanh nghiệp vẫn phải chịu các khoản VAT từ chi phí vận chuyển tăng, giá điện, giá nước, chi phí máy móc … nên giá thức ăn chăn nuôi không thể giảm đến 5% được.
Mặt khác, giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam vẫn cao do còn quá phụ thuộc vào nhập khẩu. Thông tin từ công ty Cargill cho hay, nếu giá ngô ở Mỹ là 2.600 đồng/kg thì khi nhập về Việt Nam sẽ lên thành 5.200 đồng/kg, đậu nành ở Mỹ 4.500 đồng/kg, nhập về Việt Nam là 9.000 đồng/kg …
Bên cạnh đó, khi nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp phải gánh thêm chi phí về vận chuyển, kiểm định, thuế, rủi ro khi nguyên liệu không đạt chuẩn. Hàng nhập về tới cảng phải chịu thêm nhiều chi phí khi qua các khâu kiểm soát của hải quan, thú y, bảo vệ thực vật …
Ngoài ra, do thị trường Việt Nam manh tính rủi ro cao nên các doanh nghiệp buộc phải rút ngắn thời gian khấu hao máy móc còn 5 năm, nhằm thu hồi vốn nhanh, nhưng như vậy lại làm cho giá thành thức ăn chăn nuôi bị đội lên.
Chi phí khuyến mãi, chiết khấu của các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi cũng đang ở mức cao (chiếm 6-10% giá thành). Riêng về chi phí khuyến mãi, chiết khấu, ông Đoàn Xuân Trúc cho biết, có những doanh nghiệp chi tới 10-15%, nên đẩy giá bán lên cao.
Ông Lê Bá Lịch cho rằng, lãi suất ngân hàng vẫn còn cao (các nhà máy thức ăn chăn nuôi đang phải vay vốn với lãi suất 11%), cũng là nguyên nhân quan trọng khiến cho giá thức ăn chăn nuôi neo ở mức cao …
Chính vì vậy, để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi Việt Nam, ngoài các giải pháp về giống, tổ chức chăn nuôi …, quản lý giá và chất lượng thức ăn chăn nuôi được coi là một yếu tố quan trọng nhằm giúp người chăn nuôi giảm giá thành sản xuất.
Theo TS Nguyễn Văn Giáp, kết quả khảo sát của Trung tâm Chính sách và Chiến lược NN-NT miền Nam cho thấy, có 89% người được hỏi (nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu) cho rằng, cần phải có quy định yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi công khai giá thành, giá bán.
Nhà nước cũng cần có quy định giới hạn mức lợi nhuận trên thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, ở Thái Lan, đã có quy định lợi nhuận của mặt hàng thức ăn chăn nuôi là 5%. Còn ở Việt Nam chưa ai quản lý việc này.
Related news
Những tưởng với sự hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ từ phía đối tác Nhật Bản; hỗ trợ kinh phí đầu tư từ UBND tỉnh để ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu thuyền đánh bắt thí điểm theo công nghệ của nước bạn chuyển giao thì năng suất, chất lượng cá ngừ đại dương tại Bình Định sẽ được nâng cao, hướng xuất khẩu qua Nhật Bản sẽ thuận lợi. Vậy nhưng, qua đợt thí điểm vừa qua, cá ngừ đại dương Bình Định vẫn đang loay hoay…
Chủ yếu hỗ trợ cho bà con trong vùng Dự án nuôi cá trên ruộng lúa thí điểm theo tổ hợp tác 33ha tại các xã Mỹ Phước (Mang Thít), Hiếu Nhơn, Hiếu Thành (Vũng Liêm), vốn đầu tư 400 triệu đồng. Nông dân tham gia dự án được hỗ trợ cá giống, 30% chi phí thức ăn và được trung tâm khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi.
Đến thôn Tài Tùng, xã Yên Than (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh), hỏi trang trại nuôi gà của anh Phạm Văn Bình ai cũng biết, bởi anh là một trong những người tiên phong bỏ công sức và kinh phí để khôi phục lại giống gà Tiên Yên nổi tiếng trước đây.
Thỏ là vật dễ nuôi, không đòi hỏi nhiều công sức, vốn ít, có thể tận dụng thức ăn ngay tại địa phương, nhu cầu thị trường rất lớn, đang là một hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi của nhiều hộ nông dân ở Quỳnh Phụ (Thái Bình).
Được tiếp sức nguồn vốn vay ưu đãi từ Agribank Hòa Vang (Đà Nẵng), nhiều nông dân đã đầu tư đúng hướng, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình.