Tuân Thủ Đúng Cách Sử Dụng Thuốc BVTV
Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sự tàn phá của các đối tượng sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng. Sử dụng thuốc BVTV đúng cách vừa phát huy hiệu quả phòng trừ vừa hạn chế tác hại của hóa chất tới môi trường và bảo đảm an toàn cho chính bản thân người nông dân.
Tín hiệu vui
Theo ông Đỗ Văn Lương, Chi cục Phó Chi cục BVTV Bắc Ninh, một tín hiệu vui là từ năm 2010 trở lại đây, tổng lượng thuốc BVTV được sử dụng trên địa bàn tỉnh giảm đi đáng kể. Năm 2013 toàn tỉnh dùng khoảng 110-140 tấn thuốc BVTV thấp hơn nhiều so với trước đó, chỉ tính riêng các loại thuốc trừ sâu, trừ bệnh tần suất sử dụng chỉ còn khoảng hơn 1 lần/vụ.
Trước đây cá biệt có những vùng trồng lúa nếp hàng hóa sử dụng 5-6 lần/vụ. Nguyên nhân giảm là do điều kiện thời tiết và tình hình dịch hại những năm qua không quá phức tạp. Nhưng quan trọng hơn, là nhận thức của người dân đối với vấn đề sử dụng thuốc BVTV đã cải thiện rõ rệt.
Theo đánh giá, 90% người nông dân sử dụng thuốc BVTV theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn và HTX. Người nông dân đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn vệ sinh lao động như mặc bảo hộ lao động, đeo găng tay, đeo khẩu trang, đứng ở đầu gió khi phun thuốc…
Hiện nay, trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành với hơn 3000 loại thuốc thì có hơn 50% được sử dụng phổ biến ở Bắc Ninh và chủ yếu thuộc nhóm độc mức 3. Qua kiểm tra của Chi cục BVTV tỉnh và ngành chức năng, các đơn vị cung ứng thuốc chấp hành tương đối tốt và chưa phát hiện mẫu thuốc nào không đạt tiêu chuẩn theo đăng ký.
Để định hướng người dân thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách) công tác phát hiện, cảnh báo của các cơ quan chuyên môn được tiến hành thường xuyên, liên tục. Trong năm 2013, Chi cục BVTV đã tổ chức 394 lớp tập huấn về sử dụng thuốc BVTV và an toàn vệ sinh thực phẩm cho 33.783 lượt nông dân, đồng thời tạo điều kiện để tổ chức các hội thảo, giới thiệu về các loại thuốc có nguồn gốc sinh học an toàn cho cây trồng và người sử dụng.
Thận trọng với “con dao hai lưỡi”
Tuy nhiên từ thực tế cho thấy, việc nông dân áp dụng nguyên tắc 4 đúng còn chưa bài bản và khó quản lý. Phần lớn nông dân không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, một số người vẫn pha chế thuốc ở nồng độ cao hoặc sử dụng hỗn hợp nhiều loại thuốc trên cùng 1 lần phun, trong đó có những hỗn hợp không cần thiết, vừa gây lãng phí vừa ảnh hưởng tới môi trường do dư lượng thuốc trong đất, nước cao.
Ở đây có thể thấy, vai trò “bắt bệnh”, tư vấn, hướng dẫn sử dụng của người bán thuốc trực tiếp và công tác định hướng của HTX là hết sức quan trọng.
Toàn tỉnh hiện có hơn 400 cửa hàng được cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh thuốc BVTV, trong đó hơn 90% các chủ cửa hàng, đại lý có trình độ học vấn sơ cấp. Mặc dù đã được tham gia một số lớp đào tạo, người bán thuốc chưa có chuyên môn sâu để hướng dẫn kỹ thuật sử dụng chi tiết cho nông dân. Chưa kể do mục đích lợi nhuận, một số cửa hàng đã bán cùng lúc nhiều loại thuốc trong khi cây trồng chỉ mắc một loại bệnh.
Theo bà Bùi Thị Vân, Trạm trưởng Trạm BVTV Tiên Du, để người nông dân sử dụng thuốc BVTV đúng cách, các HTX phải thực sự làm tốt cả hai nhiệm vụ cảnh báo dịch hại và cung ứng thuốc BVTV. Được biết HTX Duệ Đông, thị trấn Lim là một trong số ít các HTX có những chỉ đạo sát sao, kịp thời về phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng.
Mỗi mùa vụ, HTX chủ động mời các cán bộ chuyên môn của Trạm BVTV, Khuyến nông huyện về kiểm tra đồng ruộng và đưa ra dự báo, đánh giá về các đợt dịch bệnh. Từ đó HTX sẽ chỉ đạo chi tiết cho người dân phun thuốc theo từng khu vực, từng thời điểm tương ứng với các cảnh báo khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Khả, một người dân thôn Duệ Đông cho biết: “Chúng tôi ở đây chỉ mua thuốc của HTX vừa đảm bảo chất lượng, vừa được hướng dẫn tỉ mỉ về cách pha chế, thời điểm phun nên rất yên tâm”. Nhờ vậy, năng suất lúa bình quân ở Duệ Đông luôn đạt cao, người dân phấn khởi vì sản xuất nông nghiệp ổn định.
Ông Đỗ Văn Lương, Chi cục Phó Chi cục BVTV Bắc Ninh khẳng định: “Thuốc BVTV là con dao hai lưỡi, vì vậy, bên cạnh công tác tư vấn, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, nông dân cần tự nâng cao kiến thức và thận trọng khi sử dụng từng sản phẩm để làm tăng mặt có lợi và hạn chế mặt tác hại của thuốc”.
Có thể bạn quan tâm
Hiệp hội thức ăn chăn nuôi "kêu trời" vì mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) do một số cục hải quan áp trên hàng vạn tấn bắp và lúa mì nhập khẩu do có sự hiểu lầm về hai khái niệm “thức ăn chăn nuôi” và “nguyên liệu thức ăn chăn nuôi”.
Những ai từng nhiều năm theo dõi lĩnh vực thủy sản sẽ nhận thấy, trước đây VASEP cũng từng bất lực trước tình trạng doanh nghiệp thi nhau giảm giá đến nỗi… cá tra bị kiện bán phá giá ở Mỹ. Vì thế, có thời điểm VASEP dù không chính thức đã đưa ra giá sàn xuất khẩu fillet cá tra thấp nhất là 3 USD/kg. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp "nghe rồi để đó" và vẫn bán với giá 2,6 USD/kg.
Ông Nguyễn Thanh Hải ở ấp Hòa Lợi, xã Lương Hòa (Giồng Trôm - Bến Tre) nuôi giống gà Đông Tảo hơn hai năm nay, mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng từ bán gà giống và 100 triệu đồng từ gà thịt.
Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 - Bến tàu Dân Tiến vừa phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn TP Móng Cái tổ chức tiêu hủy 800kg cá quả có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập lậu.
Thông tin từ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Bảo Thắng (Lào Cai), đến thời điểm này, dịch sâu ong ăn lá cây lâm nghiệp (chủ yếu là ăn lá cây mỡ) tại địa phương đã hoàn toàn được khống chế.