Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trăn Trở Của Người Trồng Rau

Trăn Trở Của Người Trồng Rau
Ngày đăng: 29/03/2014

“Năm nay hành trúng mùa nhưng chi phí 1 công hành khoảng 14 triệu đồng mà bán ra chỉ 12 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc của tôi suốt 3 tháng ròng”.

Đó là lời than thở của anh Nguyễn Văn Nhẫn, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), người đã gắn bó với nghề trồng hành từ bé.

Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, người trồng hành ở xã Long Thuận gặp không ít khó khăn khi hành liên tục rớt giá. Có thời điểm “dội chợ”, lái không mua, người trồng hành mất trắng vì không tiêu thụ được. Hiện nay, hành lá được thương lái mua tại ruộng giá 2.500 - 3.000 đồng/kg. Với giá này nông dân bị lỗ 1 - 2 triệu đồng/công.

Anh Trần Văn Hai, ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, trồng 2 công hành lá và 1 công cà chua buồn hiu nói: “Tôi làm rẫy hơn chục năm qua, nhưng chưa có khi nào gặp giá cả xuống thấp như vậy. Khổ nỗi bao nhiêu chi phí như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền thuê nhân công... đều tăng cao nhưng giá bán lại quá thấp. Bây giờ tôi không biết làm sao để có đủ vốn làm vụ tiếp theo”.

Vùng rau màu của xã Long Thuận là một trong những vùng màu có diện tích lớn nhất tỉnh, với hơn 198ha. Trong đó, diện tích trồng hành lá và cải củ trên 110ha, còn lại là các loại rau màu khác.

Hằng năm, vùng rau của xã Long Thuận không những đáp ứng tốt nhu cầu của toàn tỉnh mà các mặt hàng chủ lực của vùng còn có mặt ở các địa phương lân cận như: An Giang, Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh và nước bạn Campuchia... Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá cải củ và hành lá của Long Thuận lên xuống thất thường, đầu ra bấp bênh.

Ông Kha Văn Liến, Phó Chủ tịch UBND xã Long Thuận cho biết: “Gần đây, giá hành và cải củ không ổn định do nhiều nguyên nhân tác động. Hiện một số diện tích trồng lúa và cây màu khác được nông dân chuyển sang trồng hành, do đó sản lượng hành của Long Thuận mỗi mùa mỗi tăng nhưng thị trường tiêu thụ thì vẫn thế”.

Hiện nay, giá một số mặt hàng rau màu đang tuột dốc như cà chua có giá 1.500 - 2.000 đồng/kg, giảm 3 - 4 lần so với năm trước; bắp cải loại I có giá 1.500 - 2.000 đồng/kg nhưng thương lái vẫn không chịu mua.

Theo bà Nguyễn Thanh Hương, thương lái thu mua rau màu ở huyện Lai Vung cho biết: “Cà chua và bắp cải rớt giá liên tục là do “đụng” phải hàng từ Đà Lạt về làm cho nguồn cung vượt cầu. Thêm vào đó sức mua các mặt hàng này trong những ngày qua rất chậm, nhiều thương lái như tôi phải lỗ vốn do “ôm hàng” nhiều, tiêu thụ không kịp”.

Anh Lê Hữu Phước, ở huyện Thanh Bình tâm sự: “So với trước Tết, giá ớt Chỉ Thiên giảm hơn một nửa. Hiện nay, lái mua ớt tại ruộng giá chỉ 16.000 - 17.000 đồng/kg. Do chi phí phân, thuốc khá cao, thêm vào đó là tiền nhân công thuê hái ớt cũng tăng nên cũng không có lãi”.

Bên cạnh một số rau màu bị xuống giá, gần đây do thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất của nhiều loại màu nên giá cả một số mặt hàng như: dưa leo, khổ qua... đồng loạt sốt giá. Khoảng hơn 1 tuần nay, nhiều nông dân trồng dưa leo và khổ qua ở huyện Lai Vung rất phấn khởi bởi giá tăng khá mạnh.

Giá dưa leo tăng gấp 3 lần so với trước Tết. Hiện nay, dưa leo bán tại ruộng có giá từ 9.000 - 9.200/kg. Mặc dù dưa leo trồng mùa nắng năng suất thấp hơn mùa mưa 1 - 1,5 tấn/công nhưng với mức giá hiện tại, nông dân lãi trên 20 triệu đồng/công.

Anh Ngô Văn Vệ ở xã Tân Hòa, huyện Lai Vung phấn khởi cho hay: “Lâu lắm rồi dưa leo và khổ qua mới tăng giá mạnh như thế. Nhưng làm cái nghề này là vậy, vui đó rồi buồn đó, bởi vụ này trúng mùa trúng giá nhưng chưa biết vụ sau thế nào”.

Tại huyện Lấp Vò, theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, một số loại rau màu hiện đã tăng giá, do thời tiết nắng nóng, thiếu nước bơm tưới, nguồn cung có hạn nhưng nhu cầu tăng cao.

Cụ thể: bắp non giá 10.000 đồng/kg; khoai môn giá 11.000 đồng/kg; dưa leo có giá 8.000-10.000 đồng/kg; gừng 45.000 đồng/kg; rau má 7.500 đồng/kg, cải trắng 6.000 đ/kg, rau dền 12.000 đ/chục, húng quế 10.000 đồng/kg... đều tăng khoảng 2.000-7.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2014.

Ông Võ Văn Đặng ngụ ấp An Thái, xã Mỹ An Hưng A, cho biết, “Chỉ với 700 m2 đất trồng khoai môn đã đạt sản lượng 3 tấn, gia đình tôi đã thu lời được 5 triệu đồng”.

Chị Lê Thị Ngọc Trắng, tiểu thương chợ Đất Sét, xã Mỹ An Hưng A, cho biết, thời tiết nóng lên, các loại rau xanh bắt đầu tiêu thụ mạnh, nhiều loại rau màu vào vụ có chất lượng tốt hơn nên giá đang trên đà tăng.

Nông dân trồng rau màu sợ nhất là đến khi thu hoạch bị “dội chợ” vì rau màu không thể dự trữ như lúa để chờ giá. Gần đây nhiều loại rau màu bị giảm giá sâu (nông dân thu hoạch bắp cải bỏ trôi sông) làm nông dân không an tâm đầu tư cho những vụ tiếp theo.

Làm sao để dự báo được nhu cầu, giá cả nông sản nói chung và rau màu nói riêng để nông dân tham khảo, hạn chế thấp nhất rủi ro là vấn đề nông dân quan tâm nhất hiện nay.


Có thể bạn quan tâm

Cây Kiểng Không Khí Đắt Hàng Cây Kiểng Không Khí Đắt Hàng

Có tên gọi như vậy bởi vì loại cây này không cần đất, chỉ treo lơ lửng trên không cây vẫn sống. Cây chỉ cần phun nước mà vẫn phát triển tươi tốt như trồng dưới đất và có bộ rễ xanh um. Mỗi năm cây ra hoa từ 1-2 lần và cây này giúp làm cho không khí trong lành.

11/09/2014
Chính Sách Hỗ Trợ Nâng Cao Hiệu Quả Chăn Nuôi Nông Hộ Giai Đoạn 2015-2020 Chính Sách Hỗ Trợ Nâng Cao Hiệu Quả Chăn Nuôi Nông Hộ Giai Đoạn 2015-2020

Ngày 04/9/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020. Theo đó, đối tượng áp dụng gồm các hộ gia đình trực tiếp chăn nuôi lợn, trâu, bò, gia cầm, trừ các hộ chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp (sau đây gọi là hộ chăn nuôi); người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc.

11/09/2014
Bình Đại Công Bố Dự Án Điều Chỉnh Quy Hoạch Chi Tiết Nuôi Tôm Chân Trắng Bình Đại Công Bố Dự Án Điều Chỉnh Quy Hoạch Chi Tiết Nuôi Tôm Chân Trắng

Dự án điều chỉnh quy hoạch chi tiết nuôi tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh Bến Tre được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 1234 ngày 23 tháng 6 năm 2014, theo quy hoạch, đến năm 2015, diện tích nuôi tôm chân trắng của tỉnh đạt 4.390 ha, đến năm 2020 đạt 7.820 ha và đến năm 2030 đạt 8.300 ha. Sản lượng đến năm 2015 đạt 41.340 tấn, đến năm 2020 đạt 75.750 tấn và đến năm 2030 đạt 80.520 tấn.

11/09/2014
Bình Đại Khởi Động Dự Án Đầu Tư Xây Dựng Cơ Sở Hạ Tầng Nuôi Thủy Sản Tập Trung Bình Đại Khởi Động Dự Án Đầu Tư Xây Dựng Cơ Sở Hạ Tầng Nuôi Thủy Sản Tập Trung

Nhằm mục tiêu phát triển thế mạnh các loại hình sản xuất, đặc biệt là kinh tế thủy sản một cách bền vững, huyện Bình Đại được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre phân bổ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi thủy sản tập trung tại 3 xã Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị và Thạnh Phước với diện tích khoảng 1.500 ha.

11/09/2014
Chủ Động Đầu Ra Nào Cho Tôm Hùm Chủ Động Đầu Ra Nào Cho Tôm Hùm

Tôm hùm, một loại hải đặc sản có giá trị kinh tế cao, được chú trọng trong nuôi trồng thủy sản, đem lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm vẫn chưa thực sự phát huy được tiềm năng, thế mạnh.

11/09/2014