Trang chủ / Cây lương thực / Trồng lúa

Tự Chọn Giống Lúa Cho Vụ Mùa

Tự Chọn Giống Lúa Cho Vụ Mùa
Ngày đăng: 31/07/2013

Vụ xuân 2008 sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do rét đậm rét hại kéo dài, nhiều diện tích mạ, lúa kể cả lúa nhân giống bị chết phải gieo cấy lại. Thời vụ thu hoạch lúa giống bị chậm và khả năng thiếu giống đã được đóng gói, chế biến cung ứng cho sản xuất vụ mùa.

* Gieo mạ nền khắc phục trễ vụ

Các đơn vị sản xuất và cung ứng giống đã hết sức nỗ lực chuyển giống từ miền Trung ra cho trà mùa sớm, mùa trung ở miền Bắc, tuy nhiên lượng giống cũng không thể đáp ứng được nhu cầu. Để giúp nông dân khắc phục tình trạng thiếu giống và tự lựa chọn được giống tương đối tốt cho sản xuất ở vụ mùa, xin hướng dẫn bà con cách chọn giống chuyển từ vụ xuân với diện tích lúa trổ trước 15/5 như sau:

Những ruộng lúa thuần: Q5, TBR-1, Khang dân, HT-1, nếp ngắn ngày... trổ trước 15/5 dương lịch, cho thu hoạch trước 10/6, ruộng phẳng không lẫn cơ giới các giống khác đều có thể sử dụng làm giống chuyển cho vụ sau.

1. Cách chọn và thu hoạch, đập hạt

- Chọn khóm: Khi ruộng lúa đã chín đỏ đuôi, tiến hành chọn khóm, tranh thủ khoảng 1 - 2 tiếng vào buổi sáng để chọn, chọn những khóm lúa có chiều cao tương đồng, trổ bông cùng thời gian (có cùng độ chín), cùng dạng hạt, màu sắc hạt, cần loại bỏ các khóm hạt khác dạng hoặc những khóm hạt có râu, dùng dây chuối, dây thun cột gọn khóm lúa được chọn lại. 1 - 2 ngày sau tiến hành thu trước những khóm này, đập hết hạt phơi riêng trong nia, mẹt. Nếu cần lượng giống ít cấy cho vài sào thì áp dụng cách chọn này sẽ có giống lúa tốt nhất cho vụ tiếp theo.

- Chọn một khu vực khoảng 10 m2 của ruộng lúa tốt đều, phẳng, trổ đều, không bị bệnh khô vằn hoặc đạo ôn. Tranh thủ buổi sáng từ 7 - 8h, tiến hành chọn lọc: Đi theo lối, mỗi lối 3 - 4 hàng, quan sát và loại bỏ cả khóm hoặc dảnh lẫn trong những khóm có chiều cao cao hơn hoặc thấp hơn hẳn, trổ không thoát, dạng hạt, màu sắc hạt khác so với nhiều khóm chung quanh. Cần quan sát kỹ và chọn tối thiểu 2 lần. Sau khi chọn, cắt riêng diện tích này, bó thành lượm nhỏ rối tiến hành đập lấy hạt đầu bông, phơi riêng tránh lẫn các loại hạt khác giống.

2. Phơi hạt:

Chỉ phơi hạt trên nia, mẹt, không phơi hạt trực tiếp trên sân, nền xi măng, mái bằng. Phơi hạt lúc cúc là được, không phơi quá khô. Đựng hạt trong bao tải thưa thoáng hoặc bao gai để sử dụng làm giống ngay cho vụ mùa.

3. Ngâm ủ hạt giống chuyển vụ

Tuỳ theo từng loại giống khác nhau, có loại vỏ dầy ngủ nghỉ lâu thì phải phá ngủ, có loại không cần phá ngủ. Tuy nhiên để đảm bảo tỷ lệ nẩy mầm cần xử lý hạt giống chuyển vụ theo các phương pháp sau:

-Cần từ 1 - 1.5 kg lân supe (lân Lâm Thao) hoà tan trong 10 - 15 lít nước mưa, để lắng cặn, rồi gạn lấy nước ngâm xử lý cho 10 kg thóc giống chuyển vụ. Tuỳ lượng thóc ngâm nhiều hay ít mà tăng lượng lân và nước, nhìn chung cứ 1 kg thóc cần 1 lít nước. Vớt loại bỏ hạt lép lửng, thóc ngâm liên tục trong nước lân 16 - 18 tiếng, sau đó thay nước và tiếp tục ngâm 24 - 36 giờ nữa đến khi hạt thóc no nước (thóc trong nhìn thấy phôi hạt), cứ 12 - 15 tiếng thay nước một lần và nên dùng nước mưa để ngâm ủ là tốt nhất. Sau khi ngâm no nước, đãi sạch nước chua gói hạt vào bao tải để ấm bình thường khi hạt nảy mầm 1 - 1,5 cm thì đem gieo.

- Có thể sử dụng các chế phẩm phá ngủ có bán trên thị trường như LUPAIN ngâm theo hướng dẫn trên vỏ bao.

- Một số loại hạt giống vỏ dầy ngủ lâu cần phá ngủ bằng a xit nitơric (HNO3), hoà a xít vào nước với nồng độ 3 - 5 phần nghìn (30 - 50 cc hoà trong 10 lít nước ngâm phá ngủ cho 10 - 15 kg thóc giống). Thời gian ngâm phá ngủ 12 - 15 tiếng sau đó ngâm nước bình thường đến khi hạt no nước. Sau khi ngâm xử lý phá ngủ có thể áp dụng kiểu ngày ngâm, đêm ủ để điều tiết mầm và rễ lúa cân đối.

4. Kỹ thuật gieo

- Do vụ xuân 2008 bị chèn ép thời vụ, nhiều địa phương không có đất để làm mạ dược, đặc biệt trà mùa sớm. Cách khắc phục tốt nhất là gieo mạ nền cứng và cần chú ý các điều kiện sau:

+ Chọn nền đất để gieo là tốt nhất: san phẳng nền vườn, hoặc ngay trên bờ mương bờ ruộng, mép các ngõ rộng, nếu bí vẫn có thể gieo trên nền cứng nhưng phải đổ dầy bùn và làm gờ xung quanh, thoát nước tốt khi gặp mưa lớn.

+ Lót lá chuối tươi hoặc nilon mỏng bên dưới rồi đổ bùn, đảo thêm 0.5 kg vôi bột, 2 - 2.5 kg NPK 5-10-3 Lâm Thao cho 4 - 4.5 m2 nền gieo, đảo đều. Chiều dầy nền bùn phải đảm bảo được tối thiểu 1.5 - 2.0 cm (cỡ 1 đốt ngón tay). Nếu tỷ lệ nảy mầm tốt mỗi sào Bắc bộ chỉ cần gieo 1,5 - 2 kg thóc giống trên diện tích 4 - 4,5 m2 là đủ cấy. Làm bõng và nhuyễn bùn ở nền gieo, san phẳng rồi ném mộng, ném sấp tay để chìm mộng, rễ mầm không bị héo khi gặp nắng nóng.

+ Do thời tiết nắng nóng cần cắm cọc, chăng dây và che phủ phía trên nền gieo ở độ cao1.5 - 1.6 m bằng lưới đen để làm mát và hấp phụ bớt nhiệt.

+ Tưới nước thường xuyên 3 - 4 lần/ngày vào sáng, 9 - 10 giờ trưa và 3 - 4 giờ chiều, chiều tối. Tưới đẫm không để nền gieo khô nứt. Gieo mạ nền ở vụ mùa chỉ cần 7 - 10 ngày là đủ tuổi cấy. Mạ nền được gieo tốt vẫn cứng cây, đanh dảnh và có độ cao hợp lý, khi cấy nhanh, tiện và đỡ tốn công nhổ, vận chuyển mạ.

Thực tế nhiều nơi bà con nông dân đã áp dụng phương pháp này rất phổ biến kể cả cấy trên chân vàn thấp bằng cách gửi mạ ra ruộng 4 - 5 ngày để tăng chiều cao. Cấy mạ nền, bón phân cân đối, lót sâu, cây lúa khoẻ mạnh và ít bệnh tật, cho năng suất cao rút ngắn thời gian sinh trưởng và là cách khắc phục tốt nhất để đảm bảo thời vụ của vụ lúa mùa năm nay.


Có thể bạn quan tâm

Đặc điểm sinh lý của cây lúa - Phần 8 Đặc điểm sinh lý của cây lúa - Phần 8

Cây lúa hấp thụ Silic nhiều hơn bất kỳ chất dinh dưỡng nào (từ 890 đến -1018 kg/ha/vụ). Trong cây, Silic tập trung chủ yếu trong thân lá (khoảng 60%)

23/01/2018
Đặc điểm sinh lý của cây lúa - Phần 9 Đặc điểm sinh lý của cây lúa - Phần 9

Sắt là thành phần cấu tạo của Chlorophyll (diệp lục tố) và một số phân hóa tố trong cây. Cây lúa cũng cần sắt nhưng với lượng nhỏ

23/01/2018
Hình thể học và sự sinh trưởng của cây lúa - Phần 1 Hình thể học và sự sinh trưởng của cây lúa - Phần 1

Cây lúa thuộc loại Hòa thảo (Graminae), tộc Oryzae, loài Oryza. Trong đó, Oryza sativa L. là tên của lúa trồng phổ biến nhất hiện nay

24/01/2018
Hình thể học và sự sinh trưởng của cây lúa - Phần 2 Hình thể học và sự sinh trưởng của cây lúa - Phần 2

Hạt lúa trong khi bảo quản vẫn còn chứa một lượng nước nhất định từ 12-14% trọng lượng khô. Khi ngâm trong nước, hạt hút nước và trương lên

24/01/2018
Hình thể học và sự sinh trưởng của cây lúa - Phần 3 Hình thể học và sự sinh trưởng của cây lúa - Phần 3

Lúa là cây đơn tử diệp. Khi hạt nẩy mầm thì rễ mầm (radicle) xuất hiện trước, sau đó đến thân mầm (coleoptile). Thân mầm được bao bọc bởi một lá bao mầm

24/01/2018