Cách Phòng Trừ Bệnh Vàng Lùn Lùn Xoắn Lá Hiệu Quả
Bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (VL-LXL) do vi-rút gây bệnh lúa cỏ có tên RGSV (Rice Grassy Stunt Virus) và vi-rút RRSV (Rice Ragged Stunt Virus) gây ra. Trong đó, rầy nâu là môi giới truyền bệnh cho lúa. Chính vì vậy, diệt rầy nâu là cách phòng trừ tốt nhất bệnh VL-LXL hiện nay.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống rầy nâu, bệnh VL-LXL các tỉnh phía Nam, tính đến nay diện tích nhiễm rầy nâu trên trà lúa hè thu (HT) là 12.376ha. Nếu không khống chế dịch bệnh thành công, có thể sẽ ảnh hưởng đến năng suất vụ HT sắp tới.
Hiện, mật độ rầy nâu trên đồng ruộng phổ biến từ 750 - 1.500 con/m2, có nơi lên tới 2.000-3.000 con/m2. Các tỉnh có diện tích nhiễm rầy nhiều nhất là Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tây Ninh. Diện tích lúa nhiễm VL-LXL vụ HT là 13.581,2ha, tăng 100% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 1,11% trên tổng diện tích gieo sạ.
Trong đó, nhiễm nhẹ là 12.169,3ha, nhiễm trung bình 1.401,8ha, nhiễm nặng 10,1ha. Phần lớn diện tích nhiễm bệnh trên lúa ở giai đoạn làm đòng đến trổ, trong đó có 2.500ha lúa nhiễm bệnh ở giai đoạn chín đến thu hoạch trên trà lúa HT sớm ở tỉnh Long An.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, nguyên nhân bùng phát bệnh VL-LXL chủ yếu do xuống giống vụ xuân hè quá sớm trong tháng 2 (96.110ha) và xuống liên tục trong tháng 3 (152.848 ha). Thời điểm này trùng khớp với rầy di trú ở mật độ cao vào cuối vụ. Hơn nữa, việc xử lý giống của bà con không tốt. Thêm vào đó, việc phát hiện rầy nâu và diệt trừ rầy không được làm triệt để, thời điểm này giá lúa tăng cao nên nông dân xuống giống bất chấp lịch thời vụ. Việc phun xịt thuốc cũng không tuân theo khuyến cáo và nguyên tắc "4 đúng" nên hiệu quả diệt rầy chưa cao.
Đồng Tháp là tỉnh có diện tích lúa nhiễm VL-LXL lớn nhất (gần 10.000ha), dù ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch xuống giống theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và tuyên truyền cho nông dân thông qua hệ thống khuyến nông, đài phát thanh các huyện. Tuy nhiên, do năm nay đặc thù lũ thấp nên nông dân nhiều nơi đã xuống giống lúa đông xuân sớm. Khi thu hoạch xong lại gieo sạ ngay lúa xuân hè mà không cày ải phơi đất cách ly vì thế khoảng 3.500ha lúa gieo trong thời điểm này bị nhiễm bệnh nặng.
Để phòng trừ rầy và bệnh VL-LXL hiệu quả, sau khi thu hoạch, bà con cần có một khoảng thời gian trống (ngưng vụ từ 10 -15 ngày), làm đất kỹ, chôn vùi rơm rạ để khống chế và cắt nguồn bệnh. Khi gieo sạ, bà con có thể dùng Lugens 200FS, loại thuốc có chứa hoạt chất Fipronil thuộc nhóm Phenyl pyrazole dạng huyền phù đậm đặc, màu đỏ tươi, có tác dụng tiếp xúc và vị độc. Thuốc này có hiệu quả cao đối với những sâu rầy đã kháng các thuốc thuộc nhóm lân hữu cơ, Carbamate hữu cơ, cúc tổng hợp (Pyrethroid).
Tác dụng của thuốc làm ức chế sự hoạt động hệ thần kinh của sâu, làm sâu bị tê liệt và chết. Lugens 200FS được khuyến cáo sử dụng để xử lý hạt giống hoặc phun phòng trừ nhiều loại sâu hại lúa. Đối với xử lý hạt giống, hiệu lực của thuốc kéo dài đến ngày thứ 20. Phương pháp xử lý giống: Ngâm hạt giống trong 24 giờ. Sau đó vớt, xả và ủ trong 24 giờ để hạt giống nhú mầm rồi tiến hành xử lý giống.
Trải hạt giống thành lớp mỏng, phun đều dung dịch thuốc lên, sau đó ủ tiếp 12 - 24 giờ rồi đem gieo sạ. Bằng cách này bà con có thể tiết kiệm được 1 - 2 lần phun thuốc đầu vụ. Ngoài ra, khi bà con dùng biện pháp bẫy đèn phát hiện bị nhiễm rầy thì nên dùng ngay các loại thuốc đặc trị như: Chat 20WP hay Endo-Gold 500EC…
Theo Bộ Nông nghiệp&PTNT, tình hình dịch bệnh hiện nay rất đáng lo ngại, vì tốc độ truyền bệnh của rầy nâu rất nhanh, các địa phương cần thực hiện một số biện pháp cấp bách như: giám sát chặt chẽ vụ lúa HT, diện tích lúa nào bị nhiễm bệnh nặng thì tiêu hủy hoặc nhiễm 50% thì vận động bà con nhổ bỏ cấy dặm lại.
Có thể bạn quan tâm
Với ruộng có từ 4 cm nước trở lên và trời khô ráo thì nên diệt trừ bằng dầu ma dút, hòa trộn theo tỷ lệ 1/2 lít dầu ma dút với 3 ống cát, rắc đều cho 5 - 8 thước ruộng.
Cỏ dại là một trong bốn nhóm dịch hại quan trọng nhất trên ruộng lúa, cùng với sâu, bệnh và chuột. Nếu so sánh các đối tượng dịch hại khác nhau thì mức độ thiệt hại do cỏ dại gây ra đối với SX là lớn nhất (45%), do côn trùng khoảng 30%, do bệnh hại 20% và các dịch hại khác 5%.
Để ứng phó kịp thời ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn tại ĐBSCL, Bộ NNPTNT đã giao Cục Trồng trọt phối hợp một số đơn vị liên quan xây dựng hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái cho vùng đất bị nhiễm mặn ĐBSCL năm 2016.
Vụ lúa xuân 2017, tại huyện Nam Sách (Hải Dương) đã gieo cấy được 15-20 ngày. Các diện tích lúa cấy mạ vẫn sinh trưởng phát triển tuy có chậm
Để góp phần hỗ trợ bà con nông dân kịp thời có những biện pháp chủ động, thích hợp, đứng về góc độ chuyên môn, chúng tôi trao đổi một số thông tin sau: