Trường Gà Đông Tảo

Năng động, chịu tìm tòi, học hỏi… Đặng Nhật Trường, 24 tuổi, ngụ ấp Đông Hòa, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) đã mạnh dạn đột phá khi đưa giống gà Đông Tảo về nuôi ở vùng nông thôn huyện Cờ Đỏ và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này mở ra hướng đi mới cho nhiều thanh niên nông thôn cơ hội vươn lên.
Không bỏ cuộc
Về xã Đông Hiệp hỏi “ông chủ” trại gà Đông Tảo Đặng Nhật Trường, ai cũng biết. Dù là một thanh niên trẻ nhưng Trường xây dựng cơ ngơi khá vững chắc từ mô hình chăn nuôi đột phá của mình. Trường cho biết, để có được trại gà bề thế như hôm nay, anh đã từng trải qua nhiều lần thất bại tới mất vốn.
Là người mê chăn nuôi, 5 năm trước sau khi được cha mẹ đầu tư một ít tiền, Trường dồn hết vào việc mua hàng trăm con chim trĩ đỏ về nuôi. Chân ướt chân ráo vào nghề, chưa rành về kỹ thuật nên ngay đợt nuôi đầu tiên bị thất bại và mất hết vốn.
Thế là Trường chuyển sang nuôi cút, rồi nuôi heo cũng bị thua lỗ do gặp phải dịch bệnh và rớt giá. Thấy Trường không “có duyên” với nghề chăn nuôi nên gia đình khuyên phá bỏ chuồng trại để chuyên tâm lo làm lúa 3 vụ/năm sẽ đảm bảo đồng lời.
Bất chấp những lời can ngăn của người thân, Trường không từ bỏ giấc mơ làm giàu bằng nghề chăn nuôi. Sau đó, Trường dành thời gian đọc sách báo để học hỏi các mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả cao ở nhiều nơi; tìm con vật nuôi nào vừa lạ, vừa có giá trị trên thị trường nhằm dễ dàng trong việc tiêu thụ. Suy nghĩ nát nước, cuối cùng Trường lặn lội sang Bến Tre mua về 100 con gà Đông Tảo giống về nuôi thử nghiệm, bởi loại gà này lâu nay ở địa phương không ai nuôi.
Dù đây là giống gà quý, có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên ở vùng nông thôn này chưa ai biết, cộng với 2 chân nó xấu xí… nên nhiều người bảo đầu óc Trường “có vấn đề” nên mới nuôi loại gà lạ này. Mặc những lời ra tiếng vào, Trường âm thầm chăm sóc đàn gà “lạ”.
Sau hơn 6 tháng dưỡng nuôi gà Đông Tảo theo kỹ thuật mà sách vở hướng dẫn, trọng lượng gà đạt khoảng 3kg/con. Thấy dấu hiệu ban đầu rất khả quan nên Trường triển khai cho gà phối giống để nhân rộng đàn. Theo đó, Trường chọn những con gà mái đẹp, tốt… để làm giống. Bình quân mỗi tháng một con gà mái đẻ được 7 - 10 trứng, có được bao nhiêu trứng Trường đều cho ấp để chọn gà con khỏe mạnh. Cứ như vậy, không bao lâu Trường đã có một số lượng lớn gà Đông Tảo.
Mở rộng quy mô
Nuôi và nhân giống thành công gà Đông Tảo ở vùng nông thôn Cờ Đỏ, chàng thanh niên Đặng Nhật Trường tính chuyện mở rộng việc kinh doanh loại gà này. Trường bắt đầu quảng bá loại gà Đông Tảo được nuôi ở Cờ Đỏ trên các phương tiện truyền thông để mọi người biết. Đối với gà thịt thì anh bán cho các thương lái mang đi tiêu thụ nhiều nơi với giá dao động khoảng 300.000 - 500.000 đồng/kg; còn gà loại nhỏ có giá 110.000 - 150.000 đồng/con.
Chỉ trong thời gian ngắn, đã có nhiều người, nhất là giới thanh niên ở Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang… tìm tới trại gà Đông Tảo của Trường để hỏi mua con giống về nuôi. Vừa bán giống, Trường còn tận tình hướng dẫn kỹ thuật, cộng với hỗ trợ thức ăn ban đầu để bà con về nuôi đạt hiệu quả. Trong khi gà thịt thì có nhiều nhà hàng ở các tỉnh ĐBSCL, TPHCM… liên lạc đặt mua trực tiếp với số lượng không hạn chế.
Trường cho rằng, ban đầu không rành kỹ thuật nên tưởng khó khăn, nhưng qua thời gian tìm hiểu và thử nghiệm thì gà Đông Tảo có thể nuôi hiệu quả ở vùng ĐBSCL.
Thông thường loại gà này dễ xảy ra bệnh khi gặp thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng; vì vậy phải theo dõi và chích ngừa đề phòng khi môi trường thay đổi. Cứ chiều tối phải bắt từng con gà cho vô bao ngủ, bởi nếu để ngủ bên ngoài sẽ bị muỗi cắn, sinh bệnh do gà này ít lông. “Gà Đông Tảo thịt dai, giòn… rất ngon, có thể chế biến nhiều món như: nướng, hầm sả, hầm củ sen, hầm măng, nấu giả cầy, nấu nấm đông cô, cánh gà đông tảo hun khói… tất cả ngon tuyệt.
Chính vì vậy mà gà Đông Tảo luôn được giá cao và hút hàng, nhất là dịp Tết Nguyên đán nhiều người thích ăn loại gà này, hoặc mua để làm quà biếu… Hiện tôi đang mở rộng quy mô nuôi gà thịt và gà giống để cung ứng cho nhiều người dân trong vùng cùng làm; bởi hiệu quả kinh tế gà Đông Tảo mang lại rất cao” - Trường tâm sự.
Có thể bạn quan tâm

Theo thống kê của Cục BVTV (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước có 129 cơ sở sản xuất, sang chai, đóng gói và hơn 32.000 cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc BVTV. Qua thanh, kiểm tra hàng năm, cơ quan chức năng vẫn phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.

Ngày 1-3-2015, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức Hội nghị triển khai việc mua tạm trữ lúa, gạo vụ đông xuân 2014 - 2015 tại ĐBSCL theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24-2-2015 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định 241).

Thời gian đầu, cây lúa phát triển không khỏe như giống đối chứng OM4900, nhưng sau đó, ưu thế của giống lúa lai KC06-1 phát huy hiệu quả, lượng nhánh sinh sôi mạnh hơn, giúp số bông lúa trên bụi nhiều hơn, hạt chắc hơn, ít hạt lép. Nhưng điều anh ấn tượng là giống lúa này không bị bệnh đạo ôn, loại bệnh phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Năm nay, Tết Nguyên đán vào đúng vào thời gian cao điểm để người dân xuống giống trồng cây khoai mì trong lòng hồ, nên nhiều gia đình ngay từ mùng 2 Tết đã tranh thủ ra đồng, xuống giống cho kịp thời vụ. Hiện không khí tại vùng đất bán ngập này diễn ra rất nhộn nhịp.

Sáng 27-02 tại xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) đã tổ chức hội thảo mô hình thâm canh và sản xuất hạt giống lúa lai thơm. Đây là một bước quan trọng của quá trình triển khai thực hiện Đề tài khoa học KC.06/11-15 do Thạc sĩ Dương Thành Tài – Phó Tổng Giám đốc SSC làm chủ nhiệm. Đề tài do Văn phòng các chương trình trọng điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.