Trung Quốc Tiếp Tục Tìm Đến Gạo Việt Nam
Chiều ngày 19-4, đoàn thương nhân của Hiệp hội Lương thực và Dầu ăn Thượng Hải đã đến TPHCM làm việc với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) để tìm hiểu và hợp tác kinh doanh.
Đoàn gồm 14 thương nhân Thượng Hải sẽ làm việc với Trung tâm xúc tiến xuất khẩu gạo cao cấp Việt Nam thuộc VFA và tìm hiểu hoạt động doanh nghiệp lương thực của Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh.
Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA, lượng hợp đồng ký kết xuất khẩu sang Trung Quốc của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay đã vượt 1 triệu tấn, gấp gần 4 lần so với sản lượng xuất khẩu của cả năm 2011. Ông Huệ cho rằng điều này thể hiện sức hút lớn của thị trường Trung Quốc.
“Hiện nay Việt Nam vẫn là quốc gia đứng đầu về xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc vì gạo Ấn Độ vẫn chưa bán được nhiều trong khi Thái Lan thì hoàn toàn vắng bóng do chính sách lúa gạo mới của nước này”, ông nói.
Tại buổi giao lưu, đại diện công ty Trung An, doanh nghiệp xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc đã hơn 6 năm nay, cho biết sức mua của thị trường này đang rất lớn. Ông này cho biết người Trung Quốc không chỉ dùng các loại gạo thơm, gạo cao cấp mà cả gạo làm từ giống lúa IR50404 vẫn được cho là có phẩm cấp thấp.
“Vấn đề là doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm ra đường đi, chính sách thị trường phù hợp để khai thác tối đa thị trường tiềm năng này vì xét về chất lượng, gạo Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu thị trường Trung Quốc”, ông nói.
Theo một thương nhân cho biết, trong các tháng đầu năm 2012, các nước xuất khẩu gạo vào Trung Quốc lớn nhất gồm Việt Nam, Pakistan, Ấn Độ, Myanmar. Ông này đánh giá nhu cầu của thị trường đang ngày càng lớn cùng với sức ép tăng dân số, đồng nhân dân tệ lên giá so với đồng đô la Mỹ cũng như chi phí sản xuất lúa gạo đang ngày càng tăng là những yếu tố thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu lương thực của Trung Quốc tăng lên.
Theo ông Huệ, hiệp hội cũng có kế hoạch tham dự triển lãm quốc tế thực phẩm Hạ Môn diễn ra cuối tháng 6. Đây là một trong những triển lãm lớn và quan trọng ở Trung Quốc, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, VFA cũng dự định thành lập văn phòng đại diện và xúc tiến thương mại tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Gần đây, nắng nóng kéo dài và ngày càng gay gắt cùng với sự xuất hiện của một vài cơn mưa trái mùa dẫn đến môi trường nước thay đổi đột ngột, làm thiệt hại hàng ngàn ha tôm nuôi ở hai huyện Thới Bình và U Minh (Cà Mau).
Theo thông tin từ Phòng Kinh tế thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), từ ngày 6 – 10/4, Tổ kiểm tra liên ngành UBND thành phố đã phối hợp với các đơn vị chức năng như:Chi cục Thủy sản, Công an thành phố Phan Thiết, UBND các phường liên quantiến hành kiểm tra, xử lý nghề bẫy tôm hùm con trong thời gian cấm trên vùng biển Phan Thiết.
Để tiêu thụ được hết lượng hải sản đánh bắt được, ngư dân phải thông qua “nậu”. Nhiều doanh nghiệp thu mua hải sản để chế biến xuất khẩu cũng phải nhờ “nậu”. Vậy “nậu” là ai, tại sao họ lại có thể thao túng giá hải sản trên thị trường?
Giá cá tra nguyên liệu phục vụ xuất khẩu tại ĐBSCL hiện giảm thêm khoảng 500 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tuần, kéo giá xuống ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2015 đến nay.
Trước đây, mô hình nuôi cá mú lồng bè là một hướng đi mang lại hiệu quả khá cao giúp nhiều người dân Phú Quý (Bình Thuận) vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây do nhiều nguyên nhân, mô hình này đã không còn thuận lợi, việc nuôi của người dân trở nên khó khăn khiến số lồng bè ngày một bị thu hẹp. Thậm chí nhiều hộ đã phải bỏ bè, chuyển nghề.