Lộc Biển Về Phổ Quang
“Sống đời với biển” đã vận vào bao lớp ngư dân xã Phổ Quang (Đức Phổ - Quảng Ngãi) như định mệnh. Và biển đã đem lại ấm no, làng quê ngày càng khởi sắc, gương mặt họ rạng ngời nụ cười sau những chuyến biển đầy khoang.
Rộn ràng phiên biển cuối năm5 giờ sáng, bến cá Mỹ Á (Phổ Quang) nhộn nhịp như phiên chợ tết với tiếng cười nói, ngã giá mua – bán lẫn với tiếng sóng rì rầm vỗ vào bờ. Những chiếc tàu cá vội vã cập bến sau cả đêm lênh đênh trên sóng nước. Xe tải, xe máy lấp lóa ánh đèn nối đuôi nhau vào ra vận chuyển hải sản đi tiêu thụ.
Ngư dân Nguyễn Dương, chủ tàu cá QNg – 46814 TS, cùng với bạn chài chuyển những rổ ruốc vào bờ bán cho thương lái. Anh cho biết: “Những ngày cận Tết, ngư dân đánh bắt gần bờ như tụi tui thường trúng đậm ruốc và cá cơm. Chỉ sau một đêm, mỗi tàu kiếm được hàng chục triệu đồng. Chủ tàu thu được từ 6 -10 triệu, mỗi ngư dân đi bạn được chia trên dưới 1 triệu đồng”.
Sau 7 ngày hành nghề lưới rê trên vùng biển Hoàng Sa, ngư dân Ngô Thanh Phong, chủ tàu cá QNg – 98888TS, cùng với 9 bạn chài thu được gần 5 tấn cá thu và cá ngừ. Anh Phong lãi hơn 30 triệu đồng, mỗi ngư dân đi bạn được chia trên 6 triệu đồng. “Những ngày cuối năm thường trúng cá nên vừa vào bến bán hải sản là chúng tôi vội mua nhiêu liệu và thực phẩm để quay ra biển. Ráng đánh bắt kiếm tiền cho vợ sắm Tết” – anh nói.
Góp vốn vươn khơi
Giữa mênh mông sóng nước, ngư dân cùng với con tàu thật bé nhỏ nên họ luôn chung lòng để vượt qua những cơn giận dữ của đại dương. Một ngư dân đùa vui: “Tụi tui chung vốn, làm chung, ăn chung và ngủ chung, chỉ vợ là riêng thôi”. Sau nhiều năm đi bạn cho chủ tàu ở những nơi khác, nhiều ngư dân ở thôn Bàn An đã chung vốn đóng tàu, sắm ngư cụ để thỏa chí vươn khơi.
Và hầu hết ngư dân Phổ Quang đều có phần hùn vốn để mua lưới. Năm 2011, anh Phong đầu tư 1,1 tỷ đồng đóng mới tàu cá và cho nhiều bạn chài mượn từ 10 – 20 triệu đồng để hùn vốn mua giàn lưới gần 900 triệu đồng. “Tụi tui đều có vốn góp nên ai cũng có quyền lợi và nghĩa vụ, cùng nhau làm tất cả mọi việc. Tình cảm như anh em một nhà, không bao giờ to tiếng với nhau cả…” – ngư dân Lê Văn Mến, bạn chài của anh Phong, tâm sự.
Sau mỗi chuyến biển, anh Phong cùng với bạn chài trừ chi phí và chi 30% khoản lãi cho chủ tàu vào việc khấu hao, sửa chữa và nâng cấp tàu, 70% chia đều theo tỷ lệ vốn góp. “Lời cùng ăn, lỗ cùng chịu, nhưng hiếm khi bị lỗ vốn vì ai cũng đồng lòng ra sức lao động nên thu nhập cao. Do có vốn góp nên những bạn chài đã gắn bó với tôi trong suốt 4 năm qua, không đi bạn cho những tàu khác. Anh em luôn sẻ chia mọi công việc nặng nhọc, nương tựa lẫn nhau trong những lúc đau ốm trên biển”, anh Phong cho biết.
Ông Lê Văn Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Quang cho biết: Hiện trên địa bàn xã có 217 tàu cá với gần 2.000 ngư dân tham gia đánh bắt trên biển. Nhiều chủ tàu cho bạn chài mượn vốn góp lưới, có người mượn 30 – 50% vốn góp, nên họ luôn tích cực bám biển. Vì vậy nơi đây không có tàu cá nằm bờ vì thiếu ngư dân.
Làng quê khởi sắc
Ngư dân Nguyễn Dương được mệnh danh là “thợ săn” cá xây dựng căn nhà hai tầng nằm trong khuôn viên thoáng đãng sánh với biệt thự nơi phố thị. Anh cùng với hai người em trai đang sở hữu 4 chiếc tàu cá trị giá khoảng 5 tỷ đồng. “Nhiều ngư dân trong xã còn giàu hơn tôi gấp bội. Mỗi năm họ thu về hơn tỷ đồng đấy chứ!”, anh Dương nói.
Chủ tịch UBND xã Phổ Quang Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Cả xã có trên 200 ngư dân tỷ phú, chỉ còn hơn 70 hộ ngư dân nghèo, chủ yếu là những gia đình có người đau ốm. 10 năm về trước, đời sống người dân trong xã rất khó khăn. Tàu cá công suất nhỏ, chỉ đánh bắt gần bờ nên thu nhập thấp.
Giờ cửa biển Mỹ Á được Nhà nước đầu tư xây dựng, nạo vét thông thoáng, ngư dân mạnh dạn đóng tàu lớn vươn khơi nên thu nhập tăng lên đáng kể. Ngư dân có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, cho con em ăn học và đóng góp kinh phí cùng với Nhà nước xây dựng các công trình phục vụ dân sinh làm thay đổi diện mạo xóm làng. Hiện xã Phổ Quang đã đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới.
Sóng biển rì rào vỗ vào bờ cát trắng hòa cùng với tiếng thùy dương reo vui đón gió. Những căn nhà tầng nguy nga cạnh những tuyến đường bê tông phẳng lì với những chiếc ô tô, xe máy đắt tiền lướt êm trong nắng hanh vàng. Những câu chuyện về biển cứ râm ran nơi làng quê.
Có thể bạn quan tâm
Kết thúc cuộc thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại Tập đoàn công nghiệp cao su VN (VRG) và một số đơn vị thành viên giai đoạn 2005 - 2011, Thanh tra Chính phủ đề nghị cơ quan chức năng xử lý nhiều sai phạm nghiêm trọng.
Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 14 Agro Viet 2014 ( từ ngày 14 – 17/11/2014), sẽ diễn ra hai hội nghị với nhiều nội dung quan trọng, gồm Hội nghị phân bón và hóa chất trong canh tác nông nghiệp và Hội nghị giao thương trực tiếp giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài.
Tham dự phiên họp có đại diện 69 quốc gia thành viên và hơn 50 tổ chức là quan sát viên từ các quốc gia muốn trở thành thành viên ITTO trong tương lai, các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ và khu vực tư nhân liên quan đến quản lý rừng và thương mại lâm sản.
Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang, cho biết: Tính từ đầu năm đến nay với 25 đợt công tác thanh, kiểm tra liên ngành liên quan đến thuốc BVTV trên địa bàn, phát hiện hành vi vi phạm 40 trường hợp, trong đó có 28 trường hợp vi phạm về nhãn hàng hóa và không có giấy chứng nhận đăng ký thuốc BVTV. Đã xử phạt hành chính 84.600.000 đồng.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện 968 vụ, khởi tố 27 vụ án hình sự, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 9,7 tỷ đồng. Đồng thời đã tổ chức hơn 298 lượt tuần tra, truy quét về khai thác khoáng sản trái phép có xâm hại đến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp.