Trung Quốc Mua Tôm, Doanh Nghiệp Trong Nước Yếu Thế
Giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL liên tục tăng và được kéo lên cao nhất trong vòng 2 năm gần đây khi Trung Quốc đẩy mạnh mua vào. Trong khi đó, doanh nghiệp “kêu” gặp khó do không thể cạnh tranh lại, thiếu nguyên liệu thực hiện hợp đồng xuất khẩu.
Mua tôm kiểu… Trung Quốc
Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Cafatex (Hậu Giang), cho biết kể từ đầu năm 2013 đến nay, thương nhân Trung Quốc đẩy mạnh mua tôm nguyên liệu của Việt Nam mang về nước tiêu thụ.
“Không chỉ mua tôm có chất lượng tốt, Trung Quốc gom cả sản phẩm kém chất lượng, thậm chí họ còn yêu cầu nhà cung cấp bơm tạp chất vào tôm hay vào tận các nhà máy ở ĐBSCL để trả giá, cho doanh nghiệp hưởng lời bao nhiêu vậy đó để gom hàng giúp cho họ”, ông cho biết.
Trong khi đó, ông Chu Văn An, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú (Cà Mau), cho biết thương nhân Trung Quốc vào tận các vùng nuôi tôm ở ĐBSCL để mua nguyên liệu bằng hình thức nâng giá để cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp trong nước.
Theo ông An, thương nhân Trung Quốc mua tôm nguyên liệu, sau đó họ bơm tạp chất để làm tăng kích cỡ tôm (hay còn gọi là size) và xuất bán với giá cao hơn, trong khi đó, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chân chính của Việt Nam xuất sang Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc hoàn toàn không làm điều này, do đó, cạnh tranh không lại về giá mua tôm nguyên liệu với các thương nhân Trung Quốc.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn ở ĐBSCL phân tích, ví dụ hai “size” tôm liền nhau có giá bán ra của doanh nghiệp lần lượt là 100.000 đồng/kí lô gam và 115.000 đồng/kí lô gam. Nếu “size” tôm có giá bán ra là 100.000 đồng/kí lô gam, bắt buộc doanh nghiệp Việt Nam và thương nhân Trung Quốc phải mua vào với giá 85.000 - 90.000 đồng/kí lô gam thì khi bán ra mới có lãi (cạnh tranh công bằng). Tuy nhiên, thương nhân Trung quốc có thể mua cao hơn 5.000 - 10.000 đồng/kí lô gam do họ bơm tạm chất để nâng “size” tôm lên loại có giá 115.000 đồng/kí lô gam.
“Hai cỡ tôm liền nhau có giá chênh lệch 15.000 - 20.000 đồng/kí lô gam, thì họ (Trung Quốc) chích tạp chất vào để đẩy cỡ tôm lên, bán giá cao hơn, như vậy, có bao nhiêu tôm cũng chạy về họ hết”, ông An cho biết.
Doanh nghiệp gặp khó
Việc thương nhân Trung Quốc đẩy mạnh mua tôm nguyên liệu đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam.
Ông Kịch của Cafatex cho biết: “Tôi được biết hiện có nhiều đơn hàng xuất đi Nhật và Mỹ của một số doanh nghiệp đã ký trước đó nhưng không có hàng để chế biến giao cho đối tác. Kể cả doanh nghiệp tôi, có nhiều đơn hàng bán cho Nhật nhưng không kiếm đâu ra nguyên liệu. Họ (Trung Quốc) gom hết trơn rồi, tôm lớn, tôm nhỏ gì cũng gom hết”.
Theo ông An, thương nhân Trung Quốc đẩy mạnh mua tôm nguyên liệu có ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp chế biến tôm trong nước. “Công nhân mất việc, thị trường tiềm năng của mình như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… có nguy cơ chuyển hướng sang các nguồn cung cấp khác. Do đó, những doanh nghiệp sản xuất chế biến chân chính sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”, ông An cho biết.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tôm sú nguyên liệu tại Cà Mau, loại 20 con/kí lô gam hiện có giá 240.000 – 245.000; loại 30 con/kí lô gam có giá 150.000 – 155.000 đồng/kí lô gam, đặc biệt, loại 15 con/kí lô gam có giá đến 310.000 – 320.000 đồng/kí lô gam, cao nhất 2 năm qua. Giá tôm nguyên liệu tăng cao theo đó giúp thu nhập của không ít hộ nông dân tại ĐBSCL được cải thiện.
Tuy nhiên, ông Kịch của Cafatex, cho biết làm ăn với Trung Quốc tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. “Trung Quốc nâng giá thu mua 3 năm nhưng chỉ cần họ 1 năm hạ giá xuống là người sản xuất của Việt Nam cũng đủ chết rồi”, ông nói.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, về mặt nguyên tắc thị trường, ai mua cao thì bán cho người đó, tuy nhiên, về lâu dài, nếu thương nhân Trung Quốc tiếp tục gom tôm nguyên liệu của Việt Nam như hiện nay, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chế biến tôm của Việt Nam.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu như kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc cả năm 2012 chỉ đạt trên 193 triệu đô la Mỹ, chiếm 8,6% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này, thì chỉ 2 tháng đầu năm 2013 đạt trên 31,6 triệu đô la Mỹ
Có thể bạn quan tâm
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi, việc phòng, chống dịch bệnh cũng như bảo vệ môi trường vùng nuôi là vấn đề bức xúc nhất hiện nay. Trong đó, thực hiện "ba không" (không giấu bệnh, không xả thải nước ao khi chưa được xử lý và không xả thải xác tôm chết do nhiễm bệnh ra môi trường) là giải pháp tốt nhất mà người nuôi tôm cần tuân thủ.
Trong suốt 15 năm, ông Armando A.León mơ ước có một phương pháp nuôi tôm mới, thật sự thân thiện với môi trường, chi phí sản xuất thấp hơn và năng suất cao hơn so với phương pháp nuôi tôm bán thâm canh truyền thống.
Ao nuôi cá lóc bông có diện tích từ 500 m2 trở lên, độ sâu từ 1,5 - 2 m, bờ ao phải cao và chắc chắn. Cống thoát nước có khẩu độ lớn để thoát nước dễ dàng. Trước khi thả nuôi cá, ao được tát cạn, vét bùn đáy, tu sửa chổ sạt lở, lấp hết lỗ mọi quanh ao. Rải vôi đáy ao từ 10 – 15 kg/100 m2 ao, phơi đáy 2 – 3 ngày rồi cấp nước vào ao.
Tôm rằn (Penaeus semisulcatus) là loài tôm có kích thước lớn, thích ứng với nhiệt độ cao, độ mặn cao, ăn tạp, có giá trị kinh tế như tôm sú cùng cỡ và là một trong số 110 loài thuộc họ tôm he (Penaeidae) (theo FAO).
Chất lượng cá giống là một yếu tố quyết định trong chăn nuôi thủy sản song lại chưa nhận được sự quan tâm và quản lý đúng mức.