Trứng Khóc, Trứng Cười!
Mấy tháng nay, giá trứng gà nông dân bán ra có lúc chỉ 1.200 – 1.300 đ/quả, người chăn nuôi lỗ chổng vó. Ấy thế nhưng ở Hà Nội, cũng quả trứng ấy, vẫn tằng tằng có giá 2.500 đ, thậm chí 3.000 đ, gấp 2 lần giá người chăn nuôi bán ra.
Nông dân ví, quả trứng lên thành phố là quả trứng cười, còn dưới trang trại là quả trứng khóc!
Một quả trứng, qua 3 tay
Trong ngày mưa phùn cuối tháng 3, tìm về xã Thanh Vân (huyện Tam Dương), vựa chăn nuôi gia cầm lớn nhất tỉnh Vĩnh Phúc dễ dàng cảm nhận được không khí buồn hiu bao trùm khi giá trứng gà hơn 1 năm nay lẹt đẹt dưới ngưỡng 2.000 đồng/quả, nay lại giảm sâu hơn, xuống cả dưới giá thành.
Anh Bùi Đức Chính ở thôn Phú Ninh, xã Thanh Vân thở dài ngao ngán cho biết: Gia đình nuôi 10.000 con gà Ai Cập, mỗi ngày chúng ăn hết khoảng 10 triệu tiền cám cộng tiền điện, nước, vắc xin, công cán và gà hao hụt do chết, nếu không bán được trứng với giá 2.000 đồng/quả người chăn nuôi sẽ lỗ.
“Hiện, giá trứng gà Ai Cập có 1.500 đồng/quả. Từ năm ngoái đến nay giá trứng không hiểu sao không vượt được qua ngưỡng 2.000 đồng/quả. Đã thế lại còn ế. Cứ đà này, không thể cầm cự được nữa” - anh Chính lo lắng.
Để chứng minh lời mình nói, anh Chính dẫn chúng tôi mục sở thị kho đựng trứng của nhà mình và các hộ chăn nuôi xung quanh thì quả thực trứng gà chất đầy kho ê hề trên trời dưới trứng. Sau nhiều năm theo nghề, các hộ chăn nuôi nhận thấy rằng chỉ có người trực tiếp làm ra sản phẩm là khổ nhất.
Anh Phạm Văn Long, một hộ dân nuôi gà đẻ Ai Cập ở xã Thanh Vân bức xúc chửi đổng rằng: "Lúc trứng gà đắt thì lái buôn, tư thương chầu chực đợi đẻ quả nào lấy quả đó. Nay trứng gà rẻ, ế thì gọi điện khản cả cổ mấy ngày lái buôn mới đến lấy trứng cho".
Hiện nay, ở xã Thanh Vân có khoảng hơn chục lái buôn trứng, hầu hết họ đều là những hộ dân trước đây từng chăn nuôi, song do không chịu được việc tư thương ép giá nên tự đi tìm thị trường bán trứng gà lâu dần trở thành lái buôn.
Anh Nguyễn Văn Tân, một lái buôn có thâm niên ở huyện Tam Dương chia sẻ: Một ngày anh tiêu thụ giúp bà con chăn nuôi ở xã Thanh Vân khoảng 12.000 quả. Sau khi chở về chợ Hà Đông (Hà Nội) giao cho các đại lí cấp 2, mỗi quả trứng anh Tân thu tiền chênh lệch 100-150 đồng. Như vậy, sau khi trừ các chi phí xăng dầu, luật lá, phí thuế chợ, 12.000 quả trứng anh Tân lãi khoảng 1 triệu/chuyến.
Sau khi nhận trứng từ đại lí cấp 1, chủ đại lí cấp 2 tên Tuyết và Cận ở chợ Hà Đông tiếp tục phân phối trứng cho các địa lí cấp 3. Đại lí cấp 3 chủ yếu là những tiểu thương tại các chợ truyền thống bán lẻ trứng trực tiếp cho người tiêu dùng. Cũng như đại lí cấp 1 lấy số lượng để làm lãi, các đại lí cấp 2 mỗi quả trứng cũng chỉ thu tiền chênh lệch từ 150-200 đồng. Đến đây, giá trứng từ 1.500 đồng/quả đã tăng lên xấp xỉ 1.900 đồng.
Theo chân các tiểu thương bán lẻ trứng gà tại các chợ và cửa hàng giá bán trứng từ 1.900 đồng lập tức tăng vọt lên 2.500 đồng/quả. Thậm chí, một số cửa hàng tạp hóa lấy lại trứng của các tiểu thương ở chợ bán lẻ cho sinh viên, công nhân tại các khu trọ giá trứng còn đội lên tới 3.000 đồng. Nghĩa là, càng ở chỗ lao động nghèo, giá trứng càng cao.
Bán đâu cũng chết
Một quả trứng ở vựa chăn nuôi huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) cách Hà Nội 50km giá chỉ bằng ½ ở Hà Nội đã đành, ngay những trang trại chỉ cách Hà Nội chừng 10km thôi, người chăn nuôi cũng không thể bán trứng với giá khá hơn.
Trang trại gà đẻ của anh Hoàng Ngọc Đoàn (xã Tàm Xá, huyện Đông Anh, Hà Nội) hiện mỗi ngày sòn sòn xuất chuồng tới gần 3 vạn quả trứng. Lượng trứng lớn như thế nhưng về tiêu thụ, ông chủ trang trại này cũng chẳng có cách nào khác là phải dựa vào 3-4 trùm buôn trứng trên địa bàn huyện Đông Anh thay phiên nhau giải quyết.
Mấy ngày gần đây, giá trứng đỏ (gà công nghiệp) có nhích lên đôi chút, nhưng trứng loại I xuất cho mấy trùm buôn trứng cũng chỉ chưa nổi 1.500 đ/quả. Giá này cơ bản mới chỉ giúp anh Đoàn hòa vốn, nhưng dù sao cánh trùm buôn trứng mỗi ngày chịu tới “giải phóng” trứng đi cũng là may. Dĩ nhiên, giá trứng bao nhiêu là do các trùm buôn quyết định.
Thắc mắc tại sao trứng gà nghe đài báo nói nông dân chỉ bán có 1.500 đ/quả, trong khi tại chợ bán tới 2.500 đ/quả, một chủ bán lẻ ở chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình) nói lí: “Trứng này phải nhập vào giá đã 2.000 đ/quả, mỗi quả lãi được 500 đ, mỗi ngày chỉ nhúc nhắc bán được 100 quả là cùng, nếu cộng cả tiền lãi rau củ nữa thì mỗi ngày ngồi chợ mới kiếm được 150 – 200 nghìn đồng. Như thế mới có công, lại còn thuế chợ. Chưa nói có khi trứng không bán hết, thối cho một nhả thì cụt vốn”.
Khó khăn lắm, chúng tôi mới tiếp cận được Vinh – một trùm trứng tại thôn Đông Ngàn (xã Đông Hội, huyện Đông Anh). Vào nhà Vinh cuối buổi chiều, lúc nào cũng tấp nập cánh buôn trứng “hai gác” (chở trứng bằng xe máy hai gác hai bên hông xe). Vinh tiết lộ, sau khi đánh ô tô lấy trứng từ các trang trại như của anh Đoàn tập kết về nhà, trứng sẽ được phân loại một lần nữa trước khi bán lại cho cánh “hai gác”.
Hiện tại, những trùm trứng như Vinh ở Đông Anh phân phối khoảng 2-3 vạn quả/ngày, chia đều cho khoảng 5-7 lái buôn “hai gác”. Sau đó, cánh lái buôn “hai gác” này sẽ tiếp tục chở trứng luồn lỏi vào nội thành Hà Nội, bỏ mối cho các chợ và cửa hàng bán lẻ. Như thế, mỗi quả trứng từ trang trại ở huyện Đông Anh, cách trung tâm Hà Nội chỉ 10km thôi, khi tới tay người mua ở Hà Nội cũng đã phải qua tay tới 3 cấp lái buôn. Qua chừng ấy cấp, giá trứng bán lẻ ở Hà Nội đã tăng lên tới 2.500 đ/quả.
“Mỗi quả trứng nhập về giá 1.500 đồng, bọn này chỉ ăn thêm được 1 – 1,5 giá. Mấy ông “hai gác” cũng phải ăn thêm 2-3 giá nữa, còn lại dĩ nhiên cánh buôn lẻ ngoài chợ bán chỉ nhúc nhắc, họ chắc phải ăn thêm 4-5 giá thì mới có công” – Vinh phân tích.
“Giá trứng trong siêu thị hiện nay cũng tới 25.000 đ/chục, sao không tìm cách đưa thẳng hàng vào siêu thị” – tôi thắc mắc ông chủ trang trại Hoàng Ngọc Đoàn.
Như đánh trúng nỗi khổ, vị này lắc đầu nguầy nguậy bảo: Đúng là nhập thẳng vào siêu thị bao giờ cũng có giá cao hơn cánh buôn trứng. Chẳng hạn bây giờ giá trứng đang 1.500 đ/quả, siêu thị nhập thẳng từ các trại ít cũng phải 1.700-1.800 đ/quả - cao hơn 2-3 giá. Tất nhiên, chẳng ai dại gì để mấy ông buôn trứng hớt mất phần lãi.
Trước đây, anh và một vài chủ trang trại ở Đông Anh cũng đã từng lập công ty, đóng hộp, gắn nhãn mác gửi trứng vào một số siêu thị ở Hà Nội. Nhưng nhập vào siêu thị có mấy cái khó. Thứ nhất, họ không thanh toán tiền ngay mà phải 1-2 tháng mới thanh toán một lần, cánh trang trại làm gì có vốn quay vòng? Thứ hai, cứ 10 ngày họ lại đổi hàng một lần, do lượng tiêu thụ thực ra không lớn nên hàng tồn khá nhiều, trứng trả lại ra khỏi siêu thị đương nhiên sẽ hỏng nên bán được cho ai?
Thế nên chỉ được một thời gian, mấy “đồng nghiệp” chăn nuôi của anh Đoàn đành phải quay về bán trứng cho lái buôn. “Nhập cho siêu thị giá ổn định, nhưng khi giá bên ngoài lên, để họ điều chỉnh tăng giá mua vào cho mình là cả một vấn đề, có khi phải chờ cả tháng. Làm chăn nuôi chỉ trông chờ lúc giá lên mới có thể trám trét cho lúc lỗ, còn cứ lãi nhỏ giọt như nhập cho siêu thị vậy, đến khi giá hạ, lỗ như mấy tháng vừa rồi thì lấy đâu bù vào” – anh Đoàn kêu khó.
Có thể bạn quan tâm
Đêm 16/6, anh Nguyễn Minh Chiến (ngụ TP Cao Lãnh - Đồng Tháp) đánh lưới bắt được con cá tra dầu dài hơn 1,4 m, đường kính hơn 80 cm và nặng tới 63 kg trên sông Tiền.
Sáng 14-6, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Long An đã tổ chức Hội thảo phát triển bền vững vùng cây thanh long trên địa bàn tỉnh. Ngoài các đại biểu là lãnh đạo tỉnh, ban ngành, hội thảo còn thu hút hơn 150 nông dân trồng thanh long ở huyện Châu Thành đến dự.
Nhiều năm qua, để đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, Cty TNHH Nam Dược (KCN Hòa Xá, TP Nam Định) đã tổ chức triển khai mở rộng các vùng trồng cây nguyên liệu ở nhiều địa phương như trồng cây dây thìa canh tại xã Hải Lộc (Hải Hậu), Diệp hạ châu đắng tại Phú Yên, cây Kinh giới tại Hưng Yên…
Vào thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Hè thu 2013. Do lượng lúa nhiều, dẫn đến tình trạng quá tải tại nhiều lò sấy lúa.
Năng động và nhạy bén, bước đầu họ đã thu được những thành công trên con đường làm giàu chính đáng. Thành công của họ không chỉ mang lại thu nhập cho bản thân mà còn mở ra các hướng làm ăn, tạo việc làm cho thanh niên ở khu vực nông thôn Kiên Giang.