Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trùm Nấm Cần Thơ

Trùm Nấm Cần Thơ
Ngày đăng: 29/12/2014

Thu nhập mỗi năm không dưới nửa tỉ đồng từ nghề trồng nấm giúp ông Lê Văn Út (55 tuổi) - phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ - vươn lên thoát nghèo, trở thành ông chủ trại nấm Tám Phấn nức tiếng ở Cần Thơ

“Cái nghề này tuy cực nhưng vui, cho thu nhập mỗi ngày. Cô nhìn nè, những tai nấm đang nở, độ vài giờ nữa là có thể thu hoạch và giao cho khách được rồi”. Ông Lê Văn Út phấn khởi khoe khi hướng dẫn chúng tôi tham quan trại nấm sắp đến mùa thu hoạch.
Bền chí làm giàu
Đến giờ này, câu chuyện thoát nghèo của ông Út được bà con trong vùng vẫn truyền tai nhau với sự nể phục. “Nói thật, đôi lúc tôi cứ nghĩ mình nằm mơ. Lúc bắt tay trồng nấm, tôi chỉ nghĩ đơn giản là có cái nghề để thoát nghèo và đã cố gắng hết sức. Ông trời quả không phụ lòng người” - ông Út thổ lộ.
Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở quận Ô Môn (TP Cần Thơ) với 8 anh em, tuổi thơ của ông Út là những tháng ngày cơ cực, không được học hành tử tế. Lúc trưởng thành, ông Út vẫn quanh quẩnlàm thuê kiếm sống cho đến lúc lập gia đình.
Cuộc sống khốn khó, ông thu gom thuốc lá sợi ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ về bán lại kiếm đồng ra đồng vào. Thế nhưng, kể từ năm 1995, thuốc lá đóng gói phát triển, không ai mua thuốc lá sợi, gia đình ông rơi vào bấp bênh.
Những lần đi mua thuốc lá sợi, ông tình cờ phát hiện một trang trại kinh doanh nấm mèo ở Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Ý tưởng học nghề trồng nấm để thoát nghèo chợt lóe lên trong đầu ông. Không chút đắn đo, ông gác chuyện mua thuốc lá sợi qua một bên và tìm đến trại nấm học nghề.
Dù chủ trại nấm chỉ hướng dẫn đại khái kỹ thuật trồng nấm song với chí tiến thủ, ông Út nắm bắt rất nhanh. Dồn hết số vốn ít ỏi gần chục triệu đồng, năm 1997, ông mở 3 trại giống chuyên sản xuất nấm mèo. Thu nhập từ trồng nấm vào những năm đầu khởi nghiệp chỉ giúp gia đình ông vừa đủ trang trải chi phí sinh hoạt.
Năm 2008, khi thị trường xuất hiện nấm bào ngư, thấy đây là loại nấm lạ, ngon và hút hàng nên ông Út bắt tay sản xuất thử nghiệm.
Khác với nấm mèo có thể để lâu ngày, nấm bào ngư rất khó ủ và phải bán ngay sau khi thu hoạch. Do non yếu kinh nghiệm, lại mới thử sức với loại nấm tươi nên ông Út liên tiếp gặp thất bại. Đầu năm 2009, được UBND phường giới thiệu đi học kỹ thuật trồng nấm bào ngư Nhật, ông Út mạnh dạn thử sức một lần nữa.
Với những kiến thức bài bản đã được học cộng với đầu óc nhạy bén, ông mua 5.000 phôi nấm về trồng thử. Chịu khó chăm sóc, cuối cùng kết quả thành công hơn mong đợi. Từ 5.000 bịch phôi giống ban đầu với 3 trại sản xuất, đến nay, ông đã có 7 trại sản xuất với hơn 50.000 bịch phôi giống, thu nhập mỗi năm không dưới nửa tỉ đồng.
Nhẫn nại để thành công
Nấm bào ngư không khó trồng cũng không phải thuộc dạng hiếm. Thế nhưng, theo ông Út, để có được những tai nấm ngon, đẹp, có vị ngọt, giòn thì người làm nghề phải chịu khó.
Theo ông Út, việc chọn mùn cưa để cấy phôi rất quan trọng. Nếu mùn cưa có lẫn tạp chất hoặc được lấy từ những cây có tinh dầu thì khi cấy meo vào sẽ không cho nấm đều, thậm chí không cho nấm. Loại mùn cưa ông ưa thích được lấy ra từ cây cao su vì hoàn toàn không có chất dầu. “Mùn cưa được trộn thêm các “chất dinh dưỡng” như cám, bắp, đậu nành xay nhuyễn rồi bỏ vào bịch đem đi hấp cách thủy để thanh trùng. Trung bình mỗi lần hấp từ 9 - 10 giờ, sau đó vớt ra để phôi nguội rồi tiến hành cấy meo giống” - ông Út cho biết thêm.
Sau khi cấy, người trồng sẽ thực hiện một công đoạn quan trọng nhất là nuôi tơ. Lúc này, việc canh nhiệt độ, ẩm độ đóng vai trò quan trọng. Để tơ chạy đầy thì nhiệt độ lý tưởng nhất là từ 32 - 33 độ C, độ ẩm từ 75% - 85%. Khi nuôi tơ, người trồng phải thăm nom và tưới nước thường xuyên để phôi phát triển tốt.
Nhờ tỉ mỉ ở khâu chăm sóc và thường xuyên nâng cao tay nghề nên ông Út càng ăn nên làm ra. Mỗi ngày, ông thu hoạch không dưới 50 kg nấm. Với giá bán 40.000 đồng/kg nấm Nhật và 30.000 đồng/kg nấm xám, mỗi tháng ông Út thu về hơn 50 triệu đồng.
“Với đầu óc nhạy bén và chí thú làm ăn, ông Lê Văn Út đã trở thành gương điển hình trong việc phát triển kinh tế của địa phương. Ông còn năng nổ tham gia công tác xã hội - từ thiện”.
Ông Trần Văn Lập, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thới An Đông.


Có thể bạn quan tâm

Sâu đục thân hại cây cà phê và biện pháp phòng trừ Sâu đục thân hại cây cà phê và biện pháp phòng trừ

Có 2 loại sâu đục thân hại cây cà phê là sâu đục thân mình trắng (Xylotrechus quadripes Chevrolat) và sâu đục thân mình hồng (Zeuze coffea Nietner). Chúng hoạt động quanh năm và phát triển mạnh ở những khu vực nhiệt độ cao và nhiều ánh sáng.

18/07/2015
Ấn Độ phát triển giống lúa hữu cơ ưu thế lai chịu mặn Ấn Độ phát triển giống lúa hữu cơ ưu thế lai chịu mặn

Hiện nay, nông dân trồng lúa trong vùng nước nhiễm mặn của các huyện phía Bắc của các tiểu bang, đặc biệt là tiểu bang Kattampally, có thể trồng giống lúa hữu cơ chịu mặn mới được lai tạo trong chương trình nhân giống cây trồng hữu cơ của Trạm Nghiên cứu Nông nghiệp Vùng (RARS) tại Pilikkode thuộc Kasaragod của Ấn Độ.

18/07/2015
Phân bón nguồn cung dồi dào, giá ổn định Phân bón nguồn cung dồi dào, giá ổn định

Sau một thời gian tăng giá cục bộ, những ngày qua giá các loại phân bón đã ổn định trở lại.

18/07/2015
Ngành điều khó khăn do phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu Ngành điều khó khăn do phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu

Trong 6 tháng đầu năm 2015, ngành điều là một trong số rất ít nông sản có khối lượng và giá trị xuất khẩu tiếp tục khởi sắc. Tuy nhiên, ngành hàng này vẫn còn một số tồn tại trong sản xuất và tiêu thụ cần thiết phải tập trung tháo gỡ.

18/07/2015
Xuất khẩu nông lâm-thủy sản trong sáu tháng giảm 2,8% Xuất khẩu nông lâm-thủy sản trong sáu tháng giảm 2,8%

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản tháng 6/2015 ước đạt 2,6 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành sáu tháng đầu năm 2015 lên 14,42 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2014.

18/07/2015