Trực Hùng Tập Trung Hoàn Thiện Hệ Thống Hạ Tầng Kỹ Thuật Phục Vụ Sản Xuất Nông Nghiệp
Là vùng đất thuần nông nhưng diện tích gieo cấy 2 vụ lúa của xã Trực Hùng (Trực Ninh) lại hạn chế (313,37ha). Do vậy xã đã xác định đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nâng cao hiệu quả sản xuất trên diện tích đất canh tác là định hướng trọng tâm phát triển nông nghiệp.
Từ định hướng trên, xã đã tích cực triển khai thực hiện dồn điền, đổi thửa theo chủ trương chỉ đạo của tỉnh và huyện, quy hoạch 3 vùng sản xuất chuyên canh bao gồm vùng cấy 2 vụ lúa năng suất cao, vùng sản xuất lúa giống và vùng sản xuất vụ đông.
Khi đất canh tác được quy hoạch vùng ổn định, xã tiến hành kiên cố hóa hệ thống đường nội đồng, cải tạo, nâng cấp kênh mương. Đồng chí Đoàn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Phát huy hiệu quả sau dồn điền, đổi thửa, xã đã triển khai bê tông hóa hệ thống đường trục chính, đường nhánh tại các đồng ruộng đảm bảo phục vụ tốt mục tiêu tăng cường cơ giới hóa và nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp”.
Tính riêng năm 2014, xã đã đầu tư hơn 1 tỷ 421 triệu đồng từ nguồn ngân sách địa phương, người dân đóng góp bình quân 9m2/sào để làm đường nội đồng.
Trong đó có 2 trục chính với tổng chiều dài 2,5km và 6 đoạn đường nhánh nội đồng với tổng chiều dài 1,7km bao gồm các tuyến đường ra đồng tại xóm 3, xóm 22, xóm 7, xóm 6, xóm 13… Đến nay, toàn bộ đường trục chính nội đồng đều được bê tông hóa với bề mặt rộng 2,5-3m, các tuyến đường nhánh đều được đào đắp nền cứng đảm bảo nhu cầu đi lại và sản xuất của người dân.
Bà Hoàng Thị Ngư ở xóm 13 cho biết: “Năm 2014, phong trào bê tông hóa đường nội đồng được xã triển khai sôi nổi ở nhiều xóm trong toàn xã. Gia đình chúng tôi đã bàn bạc và quyết định hiến hơn 100m2 đất vườn cùng bà con xung quanh bê tông hóa hơn 300m đường tại cánh đồng Nhị Đoạn, tạo đường đi thuận tiện phục vụ sản xuất”. Do địa hình nằm ven sông Ninh Cơ, tưới tiêu tự chảy nên xã chỉ đạo các HTX đào đắp ấp trúc toàn bộ 42,6km đường bờ vùng, bờ thửa của hệ thống kênh mương thủy lợi cấp 3 do xã quản lý.
Chiến dịch thủy lợi nội đồng 2014-2015, xã đã chỉ đạo 2 HTX Việt Tiến và Việt Hùng đào đắp được 3.800m3 đất đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và tưới tiêu. Ngoài nguồn ngân sách địa phương kết hợp với đóng góp hiến đất, ngày công của người dân, xã còn chủ động kêu gọi doanh nghiệp cùng chung tay góp sức xây dựng các tuyến đường giao thông nội đồng và kênh mương thủy lợi.
Cty TNHH Cường Tân đã đầu tư kiên cố hóa hơn 5km đường kênh mương nội đồng tại các vùng sản xuất Tam Đoạn, Nhị Đoạn, Đông Làng của HTX Việt Hùng. Trong năm 2015, xã tiếp tục đề xuất Cty đầu tư hơn 500 triệu đồng để bê tông hóa 2,5km đường trục chính nội đồng tại vùng sản xuất Tam Đoạn, Nhị Đoạn.
Nhờ cải tạo hệ thống giao thông và thủy lợi nội đồng, xã Trực Hùng đã có điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất của toàn xã đạt hơn 90%, trong khâu thu hoạch đạt hơn 60%. Vụ đông 2014, xã đã xây dựng được vùng sản xuất rộng lớn 147ha.
Trong đó, diện tích cây vụ đông trên vườn là 67ha, chủ yếu trồng rau ngắn ngày năng suất cao; diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa là 80ha với 2 vùng tập trung của HTX Việt Hùng (25ha) và Cty TNHH Cường Tân (55ha) trồng dưa chuột bao tử, bí xanh, khoai tây, bí đỏ. Trong đó Cty TNHH Cường Tân bao tiêu toàn bộ sản phẩm dưa chuột bao tử.
Đến nay, ước tính giá trị thu nhập bình quân trên 1ha canh tác của toàn xã đạt hơn 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, xã đã quy hoạch 66ha đồng ruộng tại 13 xóm cho Cty TNHH Cường Tân thực hiện Đề án Nâng cao năng lực nghiên cứu sản xuất và ứng dụng công nghệ cao sản xuất giống lúa.
Hiệu quả công tác quy hoạch chỉnh trang đồng ruộng, giúp xã Trực Hùng phát huy lợi thế tiềm năng đất đai, định hướng sản xuất đúng đắn, nâng cao thu nhập bình quân đầu người chỉ từ 20 triệu đồng/người trong năm 2012 lên đến 29 triệu đồng/người trong năm 2014, phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ là 31 triệu đồng/người/năm.
Có thể bạn quan tâm
Từ thực trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu, sau 5 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang làm lúa chất lượng cao, rau an toàn, trồng rau sạch...
Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NNPTNT, tỷ lệ nông dân sử dụng thuốc BVTV sai cách khá nhiều, chủ yếu là do sử dụng quá liều, sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phép hoặc không tuân thủ đúng thời gian cách ly…
Tổng kết kinh nghiệm sử dụng phân khoáng cho cây trồng được nêu tóm tắt theo những ý chính dưới đây:
Mặc dù gần 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2016 nhưng một số gia đình ở Hà Nội đã bắt đầu lùng mua lợn sạch. Điều đặc biệt là loại lợn này được nuôi bằng giun quế và thảo dược.
Để chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với áp dụng giống mới vào phát triển sản xuất nông nghiệp T.Ư Hội NDVN, Hội ND tỉnh Hòa Bình đã phối hợp Hội ND huyện Lạc Sơn, Kim Bôi triển khai dự án “Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp nhằm tăng năng suất hiệu quả sản xuất lúa”.