Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Xen, Nuôi Xen Để Tăng Thu Nhập Trong Vườn Dừa Ở Bến Tre

Trồng Xen, Nuôi Xen Để Tăng Thu Nhập Trong Vườn Dừa Ở Bến Tre
Ngày đăng: 04/06/2012

Sản phẩm từ dừa cũng giống như các loại hàng hóa trên thị trường, giá cả của nó tuân theo quy luật cung - cầu. Khi giá dừa đột nhiên xuống thấp, người đầu tiên bị giảm thu nhập, đời sống khó khăn là nông dân trồng dừa.

Trước khi cây dừa được công nhận là cây công nghiệp và nông dân chưa tiếp cận được với chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì trồng xen, nuôi xen để đa dạng cây trồng, vật nuôi là giải pháp hết sức cần thiết. Đây cũng là cách giúp tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác, đồng thời giúp người dân kéo giảm rủi ro về kinh tế khi giá dừa giảm.

Những năm gần đây, tỉnh Bến Tre đã triển khai nhiều mô hình trồng xen, nuôi xen hiệu quả trong vườn dừa, với việc lựa chọn cây trồng xen, vật nuôi xen thích hợp đặc điểm tự nhiên của từng vùng trong tỉnh. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình này đến các vườn dừa trong tỉnh đến nay vẫn còn chậm. Tại một số địa phương trong tỉnh, để người dân lựa chọn mô hình phù hợp là vấn đề không dễ. Tại sao? Làm gì để đẩy mạnh phong trào trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa thời gian tới?

Hiệu quả cây dừa trồng chuyên và trồng xen các cây khác

Việc so sánh hiệu quả căn cứ theo lợi nhuận trung bình mỗi loại cây trồng xen và không xen trên 1 ha/năm là tập quán nông dân. Theo ông Lê Phong Hải - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nếu so sánh giữa dừa trồng độc canh với dừa xen cacao, dừa xen chanh thì lợi nhuận trung bình hàng năm của mô hình dừa xen cacao (90 triệu đồng) lớn hơn dừa xen chanh (61,2 triệu đồng) và lớn hơn dừa chuyên canh (43,2 triệu đồng).

Lợi nhuận hàng năm còn lệ thuộc vào các yếu tố rủi ro thường xảy đến gây thiệt hại như giá cả thấp, sâu bệnh dẫn đến việc thay đổi cây trồng. Như vậy, nếu gặp phải các rủi ro trên, thiệt hại lợi ích kinh tế của mô hình chuyên canh là cao nhất. Mô hình trồng xen là giải pháp kéo giảm thiệt hại khi gặp các rủi ro trên, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích. Trong đó, dừa xen cacao được đánh giá là hiệu quả nhất hiện nay với tổng thu nhập tăng gấp đôi so với trồng dừa chuyên canh. Cacao còn được đánh giá là cây có khả năng chống chịu cao, thích ứng rộng. Các giống cacao được nhân rộng để trồng xen vườn dừa hiện nay là TD3, TD5, TD8, TD9, TD10, TD11. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Hậu - Trường Đại học Cần Thơ khẳng định, cây dừa được xem là cây che bóng mát cho cacao, để cacao thuận lợi phát triển dưới điều kiện bóng râm. Ngược lại, cacao cũng có tác dụng che phủ, giữ ẩm cho vườn dừa. Lá cacao có thể là nguồn chất hữu cơ cải thiện đất trồng dừa. Như vậy, mô hình cacao trồng xen trong vườn dừa sẽ hạn chế sự bốc, thoát hơi nước, góp phần giữ ẩm cho vườn dừa trong mùa khô.

Nông dân tiêu biểu Nguyễn Văn Lập là một trong những người tiên phong của xã An Khánh (Châu Thành) về trồng xen cacao trong vườn dừa. Anh kể: Tôi trồng 70 cây dừa ta và 30 cây dừa xiêm trên diện tích 6.000 m2 theo khoảng cách phù hợp. Năm 2001, tôi trồng xen 200 cây cacao. Chỉ trong vòng 1 năm sau, tôi đã thu hoạch những trái đầu tiên. Sau đó, tôi xen thêm 200 cây nữa và hiệu quả ngày càng nâng cao thấy rõ. Mô hình này của tôi được địa phương nhân rộng và phát triển. So sánh lại hiệu quả của mô hình với những hộ có diện tích vườn dừa tương tự nhưng không trồng xen trong khu vực, anh Lập tự tin: Năng suất dừa trong vườn dừa của tôi lúc nào cũng bằng hoặc cao hơn những vườn dừa chuyên canh. Riêng 400 cây cacao trồng xen cho thu hoạch hàng năm từ 7 đến 8 tấn trái, giá trung bình chỉ khoảng 3.500 đồng/kg, tôi có thêm nguồn thu từ 24 - 28 triệu đồng.

Theo Trung tâm Dừa Đồng Gò, mô hình trồng xen hợp lý là phải đảm bảo phù hợp với điều kiện sinh thái, phù hợp với độ tuổi và mật độ vườn dừa, có thị trường tiêu thụ dễ dàng. Ngoài mô hình dừa - cacao được áp dụng có hiệu quả tại nhiều nơi trong tỉnh, một số mô hình trồng xen khác phổ biến ở tỉnh ta là: dừa - cây có múi (phổ biến ở Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm); dừa - măng cụt, dâu (Châu Thành); dừa - chuối (các vùng nước lợ).

Huyện Giồng Trôm là một trong những địa phương có nhiều thành công trong việc nhân rộng hiệu quả từ các mô hình trồng xen, đặc biệt là xen cây có múi. Điển hình là mô hình trồng xen cam, chanh, quýt, bưởi da xanh của nông dân Nguyễn Văn Bảy (ấp Hòa Lợi, xã Lương Hòa - Giồng Trôm). Đây cũng là một trong những nông dân có diện tích trồng dừa lớn của tỉnh, với 3,8 ha. Từ việc rất quan tâm đến việc nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, đảm bảo lợi ích kinh tế ổn định, anh Bảy đã áp dụng mô hình trồng xen các loại cây có múi, phù hợp với điều kiện tự nhiên. Bằng các biện pháp thâm canh cây trồng như chăm sóc, bón phân, tưới nước đầy đủ, hàng năm, anh thu lãi khoảng 350 triệu đồng từ vườn dừa và từ cây trồng xen. Ngoài ra, anh còn tận dụng mương vườn để nuôi cá điêu hồng, trám cỏ, tai tượng… tạo thêm một khoản thu nhập không nhỏ cho gia đình.

Xin nói thêm, để có được hiệu quả như các trường hợp trên, người trồng phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, như: kỹ thuật ươm, trồng, phòng trừ sâu bệnh, tỉa cành, tạo tán… Đặc biệt, có một yêu cầu không thể thiếu để đem lại hiệu quả cao là phải trồng với mật độ phù hợp. Theo kinh nghiệm của các nông dân tiêu biểu và khuyến cáo của Trung tâm Dừa Đồng Gò: đối với các giống dừa cao, mật độ hợp lý từ 140 - 160 cây/ha; giống dừa cho trái uống nước, mật độ hợp lý là 200 cây/ha.

Còn nhiều khó khăn trong việc nhân rộng các mô hình - Giải pháp?

Những năm gần đây, huyện Mỏ Cày Bắc là một trong những điểm sáng của tỉnh về việc thử nghiệm nhiều mô hình trồng xen, nuôi xen rất hiệu quả từ các dự án của Trung ương, của tỉnh, Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo… Nhưng các mô hình này vẫn chưa thể lan tỏa trên địa bàn huyện do còn nhiều vướng mắc.

Khu vực gồm các xã: Tân Thành Bình, Hòa Lộc, Khánh Thạnh Tân, Tân Bình, Thành An, Thanh Tân, 1 phần xã Tân Phú Tây, 1 phần xã Thạnh Ngãi và 1 phần xã Phước Mỹ Trung tạm thời được gọi là vùng nước lợ của huyện. Mỗi năm, khu vực này có khoảng 3 tháng nước mặn. Cây dừa được xem là cây trồng chính của vùng, với diện tích trên 7.540 ha. Trong đó, dừa đang thu hoạch là gần 5.500 ha. Thời gian qua, cacao được xem là cây trồng xen chủ lực của vùng, với diện tích hiện có khoảng 1.276 ha và sản lượng năm 2011 là 5 tấn/ha. Ngoài ra, các loại cây trồng xen khác cũng mang lại hiệu quả là bưởi da xanh, dâu, chuối. Nuôi xen trong vườn dừa cũng là một cách gia tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác. Vật nuôi xen chủ yếu và có hiệu quả nhất hiện nay là gà và tôm. Đặc biệt, mô hình này có thể áp dụng cho các hộ có ít đất sản xuất. Tương tự, với mô hình dừa - cacao - tôm cũng đang phát triển tại xã Thạnh Ngãi và đang có chủ trương nhân rộng.

Kỹ sư Lê Văn Xiêm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Huyện có nhiều mô hình trồng xen, nuôi xen hiệu quả nhưng việc phổ biến trong nông dân còn chậm. Với tốc độ lan tỏa chưa cao của các mô hình này trong thời gian qua, kế hoạch thực hiện 3.000 ha cacao, 1.000 ha bưởi da xanh xen vườn dừa đến năm 2015 của huyện là một vấn đề nan giải. Theo ông Xiêm, nguyên nhân do khâu vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân còn hạn chế. Các đoàn thể chính trị chưa thật sự quan tâm trong việc tác động, định hướng người dân vận dụng các mô hình nuôi trồng hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Có thể nói, đó cũng là một số nguyên nhân chung dẫn đến chậm phát triển các mô hình trồng xen, nuôi xen trong toàn tỉnh. Mặc dù, thời gian qua, tỉnh đã tích cực xây dựng và lựa chọn để đưa nhiều mô hình nuôi trồng thiết thực, hiệu quả xuống tận các địa phương. Để có thể đẩy nhanh tốc độ nhân rộng trong thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện Mỏ Cày Bắc cũng đã đưa ra một sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên địa bàn huyện. Đó là xây dựng kế hoạch liên tịch, có liên đới trách nhiệm giữa phòng và các đoàn thể chính trị khác. Việc làm này nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm của các đoàn thể trong việc vận động, tuyên truyền, định hướng cho nông hộ áp dụng các mô hình trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa của họ.

Không chỉ là những mảnh vườn có diện tích vài chục công mà chỉ dăm ba công hoặc thậm chí là dăm ba trăm mét vuông đất trồng dừa, người dân vẫn có thể nuôi trồng xen những loại cây, con thích hợp để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đa dạng cây trồng, vật nuôi bên cạnh cây dừa là việc làm cần thiết đối với tất cả người trồng dừa. Bởi, đây cũng là biện pháp có thể giúp cây dừa trụ vững, cùng nhà vườn luôn vượt qua những lúc thăng trầm trong cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm

Cà Mau Khuyến Cáo Nông Dân Thận Trọng Khi Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Cà Mau Khuyến Cáo Nông Dân Thận Trọng Khi Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng

Sở NN&PTNT Cà Mau khuyến cáo người dân cần cân nhắc trước khi quyết định đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng với quy mô lớn. Lý do nuôi tôm thẻ chân trắng ngày càng xuất hiện nhiều rủi ro bất cập, trong khi đó số vốn đầu tư khá lớn.

26/05/2014
Cảnh Giác Với Các Đối Tượng Thu Mua Lá Điều Khô Ở Bình Phước Cảnh Giác Với Các Đối Tượng Thu Mua Lá Điều Khô Ở Bình Phước

Trên địa bàn Bình Phước lại xuất hiện một số nhóm đối tượng thu mua lá điều khô, dư luận đặt dấu hỏi về mục đích thu mua kỳ lạ này

26/05/2014
Chư Jút, Nông Dân Tập Trung Sản Xuất Vụ Hè Thu Chư Jút, Nông Dân Tập Trung Sản Xuất Vụ Hè Thu

Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Chư Jút, vụ hè thu năm nay, địa phương sẽ tiến hành gieo trên 15.900 ha cây trồng các loại, trong đó, diện tích cây ngô, lúa vẫn chiếm ưu thế. Hiện tại, bà con ở các xã, thị trấn đã chủ động làm đất, xuống giống đúng kế hoạch, tiến độ đề ra.

26/05/2014
Kiên Giang Tìm Hiểu Lí Do Trung Quốc Tung Tiền, Lùng Mua Con Banh Lông Kiên Giang Tìm Hiểu Lí Do Trung Quốc Tung Tiền, Lùng Mua Con Banh Lông

Phó chánh văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang vừa ký văn bản chỉ đạo Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cùng thanh tra sở kiểm tra, báo cáo về tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua con banh lông trên địa bàn tỉnh này.

26/05/2014
Sau 3 Năm Áp Dụng Thí Điểm Mô Hình Đệm Lót Sinh Học Hiệu Quả, Nhưng Khó Nhân Rộng Sau 3 Năm Áp Dụng Thí Điểm Mô Hình Đệm Lót Sinh Học Hiệu Quả, Nhưng Khó Nhân Rộng

Việc áp dụng đệm lót sinh học (ĐLSH) vào chăn nuôi đang đem lại nhiều hiệu quả trong việc giúp nông dân giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, chi phí thức ăn, công chăm sóc, giúp lợn tăng trọng nhanh... Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình này đang gặp nhiều khó khăn.

26/05/2014