Trồng thử nghiệm thanh long ở xứ Nghệ, thu 200 triệu đồng/ha/năm
Cây thanh long thích ứng rộng, có thể phát triển tốt trên vùng đất cao cưỡng, đất cằn cỗi, trồng trong vườn nên nông dân Nghệ An đón nhận loại cây trồng này rất hồ hởi. Từ thực tế trên, diện tích thanh long không ngừng mở rộng.
Hưởng ứng chủ trương cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, đầu năm 2007, bà Phạm Thị Sinh ở thôn 1 xã Hoa Sơn (Anh Sơn) vào Bình Thuận mua giống thanh long về trồng trên 4 sào đất vườn (2.000m2). Sau 2 năm trồng và chăm sóc, cây thanh long bắt đầu cho quả bói. Đến nay, 170 trụ thanh long của bà mỗi năm thu hoạch hơn 3 tấn, với giá bán tại vườn 20.000 - 25.000 đồng/kg, mỗi năm bà thu lãi trên 70 triệu đồng.
Hiện toàn xã Hoa Sơn có 15 hộ tham gia trồng thanh long với diện tích 3ha. Theo nhận xét của bà Sinh, cây thanh long thích ứng rộng, từ đất khô cằn đến đất cát, có thể trồng trong vườn, ngoài đất ruộng. Đây là loại cây chịu hạn tốt, lại ít sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc chỉ cần bón gốc cây bằng phân chuồng, bổ sung thêm NPK và đảm bảo đủ ánh sáng.
Cũng vào năm 2007, ông Hồ Phi Toàn ở xóm 14, xã Quỳnh Lộc, huyện Quỳnh Lưu (nay là thuộc thị xã Hoàng Mai) được Trạm Khuyến nông huyện, xã chọn làm điểm thực hiện mô hình trồng thanh long. Sau khi vào Bình Thuận tham quan học tập, ông mua giống về trồng 300 gốc trên diện tích hơn 2.000m2. Năm 2009 vườn thanh long bắt đầu cho thu hoạch. Đến nay, ông Toàn thu lãi ròng trên 70 triệu đồng mỗi năm.
Theo ông Toàn, thanh long là cây chịu hạn nhưng thiếu nước sẽ giảm năng suất, nên khi trồng thanh long cần tưới nước thường xuyên, cần tủ gốc bằng rơm rạ để giữ độ ẩm cho đất. Mật độ trồng 3 x 3m. Khoảng 1.200 trụ/ha. Cọc trụ làm bằng xi măng cốt thép khi chôn xong cao từ 1,6 - 1,7m sau. Bón lót 5 - 10kg phân chuồng, 0,8kg NPK trên gốc, bón thúc 250gr NPK.
Năm thứ 2 và các năm tiếp theo bón 15kg phân chuồng hoai, 4,5kg NPK chia làm 8 lần trong năm/gốc. Khi cành dài 30 - 40cm, uốn cành nằm xuống đỉnh trụ. Thanh long thường cho quả 2 đợt chính trong năm, nếu chăm sóc tốt có thể cho 3 đợt.
Từ mô hình này, bà con ở Hoàng Mai đang phát triển loại cây trồng này trong vườn nhà mình. Đã có hàng trăm hộ dân ở các xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Thắng, Quỳnh Lộc... chọn cây thanh long để trồng.
Ông Nguyễn Văn Dũng ở xóm 9, xã Nghi Phương (Nghi Lộc) cho biết, cuối năm 2013, ông cải tạo 3ha đất lò gạch thủ công cũ. Do phải san lấp các hố sâu bằng nhiều loại đất cằn cỗi nên ông không biết phải trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả. Bao đêm nằm gác tay qua trán và tìm hiểu trên mạng Internet, ông quyết định vào Bình Thuận học hỏi kỹ thuật trồng thanh long.
Đến tháng 2.2014, ông quyết định trồng thử trên diện tích 1ha. Tận dụng số gạch còn rơi vãi sót lại của lò gạch thủ công, ông xây các trụ thanh long với kích thước 0,4x0,4x2,3m, chôn trụ sâu 0,5m. Sau khi xới đất, bón phân quanh mỗi trụ, ông trồng 4 hom. Cây thanh long phát triển nhanh đến ngỡ ngàng, chỉ chưa đầy 1 năm sau là cho quả bói. Năm 2015, niên vụ thu hoạch đầu tiên, ông bán được 3 tấn quả, thu về trên 70 triệu đồng. Hiện nay, với diện tích gần 3ha, ông trồng 1.200 gốc, hàng cách hàng, cây cách cây từ 2,5 - 3m.
Gần 1.200 gốc thanh long, mỗi năm cho thu hoạch hơn 10 tấn, với giá bán tại ruộng 25.000 đồng/kg. Mỗi năm sau khi trừ chi phí ông thu về được hơn 200 triệu đồng.
“Lúc đầu, tôi định đổ trụ bê tông như các trang trại ở Bình Thuận nhưng thấy số gạch rơi vãi cũng phí nên tận dụng. Nhưng quá trình trồng thanh long tôi thấy, xây trụ bằng gạch loại B, C (gạch chất lượng kém - PV), sau đó, ở giữa có khoảng trống đổ đất vào thì cây thanh long phát triển nhanh hơn, khả năng chống hạn tốt hơn, hoa nhiều, quả to. Lý do là cây thanh long bám trên trụ xây bằng gạch này mát hơn bám trên trụ bê tông, cột đất ở giữa sẽ giúp đất giữ ẩm tốt hơn…
Vì thế, đến nay hàng nghìn cột trụ thanh long tôi đều xây bằng gạch chất lượng kém, hiệu quả thì thấy rõ. Năm nay, dù thời tiết rất khắc nghiệt nhưng thanh long ra hoa, kết trái sớm hơn 1 vụ. Đợt hái đầu tiên tôi đã thu về 1,3 tấn, sẽ còn 6 đợt hái quả nữa, dự tính sẽ đút túi trên 200 triệu đồng…”, ông Dũng phấn khởi.
Không chỉ ở Hoàng Mai, Anh Sơn, mô hình trồng cây thanh long nhanh chóng lan ra nhiều huyện khác tại Nghệ An. Nhiều loại đất kho cằn, cao cưỡng đã được đưa vào trồng cây thanh long và cho hiệu quả kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm
Với địa hình gập ghềnh như huyện miền núi Sơn Tây, việc sở hữu vài ba sào đất trồng lúa nước đã là khó, vậy mà già Đinh Văn Vật (SN 1947), ở thôn Mang He, xã Sơn Bua đã khai hoang được hơn 1,5ha, trở thành người có diện tích trồng lúa nước lớn nhất trong cộng đồng người Ca Dong ở Quảng Ngãi.
Mãn hạn tù trở về quê hương, anh Lê Song Toàn, thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn (Bình Định) đã vượt qua mặc cảm, vươn lên trở thành nông dân giỏi của địa phương.
Trong các mô hình chuyển đổi sinh kế của người dân vùng biển Quảng Trị sau sự cố môi trường do Formosa gây ra thì việc anh Hoàng Văn Hoan nuôi thành công heo bản đang được ghi nhận như một sự sáng tạo, nhanh nhạy của ngư dân.