Nuôi heo bản trên cát
Gia đình anh Hoàng Văn Hoan ở thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh. Trước đây anh chị sống bằng nghề kinh doanh nhà hàng nhỏ phục vụ bán thủy sản tươi sống cho khách du lịch. Công việc khấm khá vì nhờ biển, tôm cá tươi ngon, chất lượng nên du khách tìm về ngày càng đông...
Đùng một cái xảy ra sự cố cá chết hàng loạt do Formosa gây ra, du khách bỏ biển. Cơ ngơi kinh doanh của anh Hoan cùng bà con cũng vì vậy mà chết theo. Nhiều đêm nằm ngủ tính toán mà chưa tìm ra được phương thức làm ăn mới. Không thể khoanh tay nhìn trời.
Rồi anh nhớ lại thời còn làm gỗ bên Lào có quên vài người bạn có nuôi heo bản, có bán con giống. Sáng mai thức dậy bàn với vợ, rồi anh liền bắt xe ô tô sang Lào tìm đến chỗ thân quen mua về 4 con giống heo bản. Anh tỏ rõ quyết tâm sẽ nhân giống đàn heo này để nuôi thành trang trại lớn ngay tại bờ biển quê nhà.
Có được heo giống rồi anh Hoan xin chính quyền địa phương cho thuê mảnh đất cát cạnh đường quốc phòng diện tích 3ha để mở trang trại nuôi heo thả. Với số vốn đầu tư ban đầu 500 triệu đồng, anh Hoan xây dựng hệ thống chuồng trại, hàng rào khép kính, đào ao…
Quan sát thấy trang trại nuôi heo thả trên cát của anh Hoan khá quy mô, bài bản. Đủ để thấy rằng chủ nhân của trang trại đã có những quyết tâm rất lớn trong việc chuyển nghề, tìm sinh kế mới.
Ngoài heo bản, anh Hoan còn nuôi heo lai Landrace, gà và vịt. Tất cả con giống đều được anh Hoan mua từ Lào về. Heo bản được thả rông, còn heo Landrace đời lai F1 và heo nái sinh sản được nhốt chuồng để tiện bề chăm sóc. Để lấy ngắn nuôi dài, anh Hoan còn nuôi thêm gà lấy thịt, gà đẻ trứng và nuôi vịt siêu thịt…
Sau hơn ba tháng tập trung chuyển đổi mô hình làm ăn bằng cách nuôi heo bản, trang trại heo của anh Hoan có 20 con heo bản bố mẹ chuyên sinh đẻ, 100 heo bản lấy thịt, 30 con heo Landrace đời lai F1 lấy thịt, 10 heo nái, hơn 200 con gà và 300 con vịt… Nguồn thức ăn hàng ngày của heo được anh tận dụng từ nguồn rau muống, rau khoai có sẵn và cám gạo, lúa chứ không dùng bột công nghiệp.
Tuy đưa giống từ rừng về nuôi ở biển nhưng heo bản rất thuần, phát triển tốt, lại có sức đề kháng mạnh, hệ miễn dịch tốt nên anh Hoan rất an tâm về dịch bệnh. Anh cho biết cả heo bản và heo Landrace hiện đã xuất bán được. Riêng heo bản đã có người đặt hàng thu mua với số lượng lớn, nhưng vì chưa đủ để cung cấp nên anh chưa bán, mà chỉ mổ thịt bán lẻ ở địa phương.
Cách bán lẻ thịt heo sạch trong thời buổi thiếu cá, thiếu tôm, mực này đang rất được ưa chuộng tại Quảng Trị. Do đây là heo sạch, không cho ăn các loại bột công nghiệp, chỉ ăn rau, chuối, cám nên bà con rất thích mua để ăn. Vậy nên mỗi lần mổ heo chỉ cần ới một cuộc điện thoại là có rất nhiều người đăng ký mua.
Để ăn được miếng thịt heo sạch của anh Hoan, nhiều người không quản ngại xa, họ đều tìm đến trang trại của anh để mua cho được vài kg thịt heo bản. Thịt heo bản được người tiêu dùng ưa chuộng vì ngon, sạch nên giá cao hơn heo thường, mỗi cân heo bản có giá 150 ngàn đồng. Để phục vụ thịt heo sạch cho bà con anh Hoan cố gắng đều đặn mỗi ngày, mổ một con để bán lẽ nhưng nguồn cung quá ít ỏi so với nhu cầu.
Anh Hoan cho biết thế mạnh trang trại của mình là nuôi heo bản. Anh đang chuẩn bị trồng vài trăm gốc chuối dọc theo hàng rào vừa cung cấp nguồn thức ăn sạch vừa để che mát thêm cho trang trại. Sắp tới anh Hoan có dự định mở rộng thêm trang trại để nuôi thêm nhiều heo bản hơn nữa. Tuy nhiên, để đầu tư trang trại lớn hơn thì cần phải có vốn nên anh Hoan mong muốn được chính quyền địa phương quan tâm, có chính sách hỗ trợ vốn vay để gia đình anh mạnh dạn làm ăn.
Ông Phan Văn Nghi, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh đánh giá rất cao quyết tâm chuyển đổi mô hình sinh kế của anh Hoàng Văn Hoan.
Huyện có nhiều mô hình chuyển đổi sinh kế sau sự cố môi trường do Formosa gây ra, nhưng mô hình chăn nuôi heo bản của anh Hoan đang mang lại hiệu quả ngoài mong đợi.
Anh đã dám nghĩ, dám làm và rất táo bạo với công việc. Huyện sẽ nghiên cứu tạo điều kiện cho anh được vay vốn đầu tư mở rộng quy mô trang trại để chuyển đổi sinh kế theo chính sách mà ngư dân được hưởng sau sự cố trên.
Có thể bạn quan tâm
Trước hiệu quả của mô hình rau VietGAP ở ấp Trung Hiệp Thạnh (xã Trung Lập Thượng), ngành nông nghiệp huyện Củ Chi (TP.HCM) dự định sẽ mở rộng diện tích trồng rau VietGAP trên địa bàn.
Với địa hình gập ghềnh như huyện miền núi Sơn Tây, việc sở hữu vài ba sào đất trồng lúa nước đã là khó, vậy mà già Đinh Văn Vật (SN 1947), ở thôn Mang He, xã Sơn Bua đã khai hoang được hơn 1,5ha, trở thành người có diện tích trồng lúa nước lớn nhất trong cộng đồng người Ca Dong ở Quảng Ngãi.
Mãn hạn tù trở về quê hương, anh Lê Song Toàn, thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn (Bình Định) đã vượt qua mặc cảm, vươn lên trở thành nông dân giỏi của địa phương.