Mãn hạn tù về quê, vươn lên thành nhà nông giỏi
Tốt nghiệp trung cấp thú y, năm 2000, Lê Song Toàn khởi nghiệp với nghề làm dịch vụ thú y ở địa phương. Làm ăn được vài năm, tích lũy vốn kha khá, thì sự việc đáng tiếc xảy ra. Ngày ấy, do thiếu hiểu biết, có 1 lần anh kéo điện để canh giữ đàn bò của gia đình khi vắng nhà. Một con bò đã vướng dây và bị điện giật. Thấy vậy, ông chú ruột của anh tới giải cứu. Khi ông chạm vào con bò thì cũng bị điện giật tử vong. Phạm tội gây chết người, năm 2005, Toàn bị kết án tù.
Do cải tạo tốt, năm 2007, Toàn được mãn hạn tù trở về địa phương. Gia cảnh lúc này trắng tay, cuộc sống rất khó khăn, nhưng Toàn không nản chí, anh bắt tay gầy dựng lại cơ nghiệp. “Ban đầu tôi đi làm bốc vác bắp hột, tiền công không được bao nhiêu nhưng cũng giúp tôi xoay xở. Rồi tôi làm cho anh ruột với công việc dịch vụ thú y, chăn nuôi gia súc và xay xát thóc, gạo. Có chút vốn, tôi tách ra làm riêng. Có được sự ổn định là nhờ được bà con, anh em, chính quyền động viên, giúp đỡ”- anh Toàn nhớ lại.
Đến nay, sau gần 10 năm chí thú làm ăn, gia đình anh Toàn đã có cơ ngơi kha khá với 4ha rừng trồng cây nguyên liệu giấy; chuồng nuôi 6 heo nái ngoại, chủ yếu bán con giống; 2 heo nọc phối giống; 5ha mặt nước bàu (đầm) đấu thầu nuôi cá nước ngọt, nuôi vịt; cùng với cơ sở dịch vụ thú y. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình anh Toàn còn để dư ra 50 triệu đồng.
Ông Phan Văn Định- Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Hòa Hiệp chia sẻ: “Nhằm chia sẻ, động viên anh Toàn từ những ngày đầu trở về làm kinh tế, câu lạc bộ nuôi cá nước ngọt của thôn đã cho Toàn vay 10 triệu đồng để góp thêm vốn đầu tư nuôi gà, cá… Chi hội cũng thường xuyên động viên, thăm hỏi để anh phấn khởi có thêm động lực vươn lên…”.
Còn ông Dương Ngọc Hùng-Trưởng thôn Hòa Hiệp khẳng định: “Anh Toàn luôn có ý chí làm giàu và tham gia tích cực các hoạt động vì lợi ích cộng đồng ở địa phương, trong đó nhiều lần tham gia hiến máu nhân đạo…”.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 8/8, tin từ Hiệp hội hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, tổn thất sau thu hoạch từ nhà vườn cho tới tay người tiêu dùng ở các loại hoa đang ở mức rất cao.
Trước hiệu quả của mô hình rau VietGAP ở ấp Trung Hiệp Thạnh (xã Trung Lập Thượng), ngành nông nghiệp huyện Củ Chi (TP.HCM) dự định sẽ mở rộng diện tích trồng rau VietGAP trên địa bàn.
Với địa hình gập ghềnh như huyện miền núi Sơn Tây, việc sở hữu vài ba sào đất trồng lúa nước đã là khó, vậy mà già Đinh Văn Vật (SN 1947), ở thôn Mang He, xã Sơn Bua đã khai hoang được hơn 1,5ha, trở thành người có diện tích trồng lúa nước lớn nhất trong cộng đồng người Ca Dong ở Quảng Ngãi.