Vươn lên từ mô hình chăn nuôi lợn
Theo chân chị Trần Thị Hòe, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Lễ Môn, chúng tôi ghé thăm trang trại chăn nuôi lợn của vợ chồng anh Tư, chị Hoa. Trang trại được xây dựng khang trang dưới khu vườn xanh mát. Anh Tư kể, vợ chồng cưới nhau xong cũng chỉ có đôi bàn tay trắng vì cả hai gia đình đều là nông dân nghèo khó. Lần lượt 3 đứa con ra đời càng khiến cuộc sống của vợ chồng anh trở nên chật vật hơn.
Chị Hoa cho đàn lợn ăn
“Vợ chồng tôi làm cả ruộng phần lẫn ruộng đấu được 2 mẫu rồi cải tạo vườn tược trồng trọt, chăn nuôi lặt vặt thêm để nuôi con. Làm thì nhiều nhưng cũng chỉ tạm đủ ăn và nuôi con ăn học thôi. Mãi đến khoảng 5 năm trở lại đây, vợ chồng tôi có làm thêm đại lý thức ăn gia súc, nuôi thêm lợn thì cuộc sống mới khấm khá hơn”, anh Tư vui vẻ nói.
Từ số tiền tích góp được và vay mượn thêm, đầu năm 2015 anh chị xây dựng dãy chuồng trại khép kín để chăn nuôi lợn theo hướng thương phẩm quy mô khá lớn. Đến nay mô hình của anh chị đã có 13 lợn nái sinh sản và mỗi lứa nuôi bình quân được khoảng 100 lợn thịt, mỗi năm nuôi được khoảng 3 lứa.
“Năm đầu tiên nuôi lợn quy mô lớn, gia đình tôi xuất bán được khoảng gần 700 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi được hơn 100 triệu đồng. Những lứa nuôi đầu tiên do phải mua con giống nên thu nhập chưa cao, nhưng từ nay khi đã chủ động được lợn giống thì sắp tới vợ chồng tôi tin rằng thu nhập sẽ còn cao hơn nữa”, chị Hoa bộc bạch.
Anh chị cũng là một trong những hộ nuôi lợn có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong việc chăm sóc, phòng bệnh. Mỗi khi lợn đau ốm, anh chị đều tự điều trị, khâu tiêm phòng cho lợn anh chị cũng làm rất tốt vì vậy hạn chế thấp nhất rủi ro do dịch bệnh.
Đánh giá về mô hình này, chị Trần Thị Hòe, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Lễ Môn cho biết: “Ở thôn Lễ Môn, vợ chồng anh Tư, chị Hoa là một trong những hộ làm ăn chăm chỉ, có nhiều kinh nghiệm, nắm vững được kiến thức chăn nuôi lợn. Họ cũng thường chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chăn nuôi lợn cho các hộ gia đình khác. Từ nghèo khó nhưng anh chị đã biết nỗ lực vươn lên, làm chủ cuộc sống và có thu nhập khá cao là rất đáng khen ngợi. Hi vọng qua mô hình này, nhiều hội viên phụ nữ khác sẽ noi theo và có những mô hình làm ăn hiệu quả để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống”.
Có thể bạn quan tâm
Xây nhà 600 triệu nhưng chủ yếu để nuôi chim, gia đình Tú (Thanh Hóa) bị hàng xóm nghĩ là "thần kinh". Ít năm sau, chàng trai trẻ đã kiếm được cả trăm triệu từ mô hình của mình.
Dù mới nuôi chim trĩ đỏ nhưng anh Trương Thừa Vũ (30 tuổi) ở thôn 5, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã có thu nhập khá cao.
Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề giải pháp nâng cao tính bền vững của mô hình canh tác lúa – tôm vùng ĐBSCL do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu tổ chức mới đây, nhiều đại biểu nhận định, việc trồng lúa trên đất nuôi tôm là mô hình sản xuất “thông minh”, bền vững.