Nuôi chim trĩ đỏ ít tốn thức ăn, thu nhập khá
Dẫn chúng tôi ra trang trại nuôi chim trĩ phía sau nhà với diện tích chuồng rộng khoảng 50m2 được chia thành những ngăn, ô khác nhau cho phù hợp với từng lứa tuổi của chim, anh Vũ cho biết, chỉ sau 2 năm đàn chim trĩ đỏ đã được nhân giống lên 500 con. Đó là chưa kể cả trăm con chim trĩ giống, thịt khác đã được anh xuất bán. Hiện trang trại có 35 con chim giống, trong đó 28 con mái. Trứng chim trĩ được cho ấp nở để bán giống hoặc nuôi lớn cung cấp cho nhà hàng.
Cơ duyên đến với nghề nuôi chim trĩ đỏ của anh Vũ bắt đầu từ tháng 10.2014. Lần đó tình cờ lên mạng xem thông tin, anh đọc được mô hình nuôi chim trĩ đỏ sinh sản khá độc đáo, lợi nhuận cao hơn nuôi gia cầm nên đã đặt mua 35 con chim trĩ, trong đó có 28 con mái 1,5 tháng tuổi. Mỗi con chim trĩ giống được mua với giá 400.000 đồng.
Anh Vũ cho biết, so với các loại gia cầm được nuôi phổ biến khác (như gà, vịt), chim trĩ dễ nuôi hơn. Chim rất ít khi mắc bệnh, nếu có cũng chủ yếu là bệnh phổi rất dễ điều trị. Đặc biệt, loài chim này ăn rất ít nên không tốn thức ăn.
Chuồng chim được quây bằng lưới thép B40, bên trong được bao thêm lớp lưới cước mắt dày hơn để tránh chim con chui ra ngoài. Thức ăn hằng ngày của chim trĩ giống chế độ ăn uống của gà, là các loại cám, trộn với thóc và một số chất khác.
35 con trĩ giống lớn rất nhanh, đến tháng thứ 8 thì những con chim trĩ đỏ mái đồng loạt sinh sản. Loại chim này đẻ trực tiếp xuống đất và không tự ấp trứng nên anh Vũ phải thu lượm gửi tới lò ấp công nghiệp, trong vòng 3 tuần sẽ nở. Những lứa chim trĩ đầu tiên được anh bán giống cho người dân địa phương mua về nuôi làm cảnh. Mỗi con chim trĩ giống một tuần tuổi được bán với giá 70.000 đồng.
Anh Vũ cho biết, chim trĩ sinh sản theo mùa, thường mỗi năm hai đợt. Đợt đầu từ tháng 2 đến tháng 5, đợt hai từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm. Bình quân mỗi năm một con chim mái có thể đẻ từ 68 - 80 trứng. Đặc biệt, số trứng, thời gian đẻ của chim trĩ còn phụ thuộc vào kỹ thuật nuôi, chế độ cho ăn và quản lý vật nuôi.
“Nếu cho ăn tăng lượng đạm động vật, canxi và sử dụng một số tác nhân phụ có thể cho chim trĩ đẻ 2 quả/ngày hoặc đẻ quanh năm theo ý thích của người nuôi”, anh Vũ chia sẻ. Tuy nhiên, theo ông chủ trẻ này, không nên ép trĩ giống đẻ nhiều vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng trứng và tuổi thọ chim trĩ giống bị ngắn lại.
Vùng đất Lâm Hà quanh năm mát mẻ, mùa hè không quá nóng, mùa đông cũng chẳng lạnh nên rất thuận tiện cho loài chim trĩ đỏ sinh trưởng và phát triển.
Do đó, chỉ sau 2 năm được Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà cấp giấy phép nuôi chim trĩ, anh Vũ đã nhân giống được 500 con. Khi trưởng thành, chim trĩ trống nặng tối đa đạt khoảng 1,7kg, chim mái chừng 1,2kg. Hơn một năm qua anh Vũ đã xuất bán cả trăm con chim trĩ giống và chim trĩ thịt thu lãi khá.
Có thể bạn quan tâm
Dù không có diện tích để canh tác hay trồng trọt nhưng người tiêu dùng vẫn có cơ hội sở hữu vài cây xoài, thậm chí cả vườn xoài đặc sản ở huyện Cao Lãnh thông qua mô hình “Cây xoài nhà tôi”. Đây là ý tưởng độc đáo của Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh với mong muốn mang sản phẩm của mình đến gần hơn nữa với người tiêu dùng.
Sức hút từ khởi nghiệp nông nghiệp đã khiến chàng trai 8x Phạm Văn Dũng từ bỏ vị trí công chức nhà nước về quê ở xã Thanh Yên, huyện Điện Biên (Điện Biên) lập trang trại trồng cây, nuôi con đặc sản.
Xây nhà 600 triệu nhưng chủ yếu để nuôi chim, gia đình Tú (Thanh Hóa) bị hàng xóm nghĩ là "thần kinh". Ít năm sau, chàng trai trẻ đã kiếm được cả trăm triệu từ mô hình của mình.