Xây nhà lầu cho chim yến ở, thu trăm triệu mỗi năm
Trong ảnh: Căn nhà xây mới chủ yếu dành để... nuôi chim yến của gia đình Tú. Ảnh: Nguyễn Dương.
Sinh ra ở vùng quê ven biển xã Hưng Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), Nguyễn Văn Tú (28 tuổi) chỉ học được đến lớp 9 vì gia đình hoàn cảnh khó khăn. Năm 19 tuổi, Tú rời quê vào Bình Dương làm công nhân, học sửa chữa điện thoại. Năm năm sau (2010), anh trở về quê vì cuộc sống tha hương vất vả.
Khi đang tìm hiểu công việc mới, Tú biết đến mô hình nuôi chim yến trong nhà cho hiệu quả cao. Thấy là mê, chàng trai lên mạng tìm tòi thông tin.
Để có kinh nghiệm thực tế, năm 2012, Tú quyết định một lần nữa “Nam tiến” vào các hộ nuôi chim yến ở Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng tìm hiểu. Thời gian ở đây, anh tích cực học hỏi mô hình, phụ chủ lắp đặt nhà yến cho khách ở nhiều nơi.
Năm 2013, anh trở về quê và thuyết phục bố mẹ cất căn nhà hai tầng một tum trị giá hơn 600 triệu. Nhưng chỉ dành tầng 1 để ở, còn tầng 2 và tầng tum dành làm chuồng nuôi và cho chim tập bay.
Thanh niên này kể, thời điểm đó, hàng xóm nghĩ gia đình anh "bị thần kinh" vì xây nhà kỳ quặc. Nhà cao tầng khang trang nhưng tầng trên thì bịt kín mít như pháo đài.
"Tôi chỉ giải thích sơ qua cho mọi người hiểu rồi tiếp tục thực hiện đam mê của mình", anh Tú hóm hỉnh.
Một năm sau, anh bỏ hơn 100 triệu để lắp sàn gỗ, máy tạo mùi bầy đàn, phát âm thanh qua loa đài... để "dụ". Chỉ trong ít tháng, từng đàn chim kéo về nhà yến làm tổ.
Đàn chim yến về ở trong căn nhà tầng của gia đình anh Tú. Ảnh: Nguyễn Dương.
Tháng 8.2014, vợ chồng anh thu về vốn đầu tay 20 triệu với 5 lạng tổ yến. Gia đình anh chưa kịp mừng, thì đợt rét đậm kéo dài trong mùa đông đã khiến hơn 2.000 con chim chết đột ngột.
“Cái này do tôi chủ quan bởi thời tiết mùa Đông khu vực miền Bắc rất khắc nghiệt. Sau thời gian tìm hiểu tôi rút ra kinh nghiệm không nên xây nhà quá rộng quá cao, chỉ 20 m2 mỗi phòng", Tú nói.
Tú nhanh chóng rút ra bài học, chia đôi tầng 2. Các phòng được giữ độ ẩm 86-95%, nhiệt độ 25-32 độ C. Mùa đông thì phải có máy sưởi ấm và nuôi sẵn ruồi dấm làm mồi cho chim ăn.
Đến nay, đàn yến về làm tổ ở nhà anh lên đến hàng nghìn con. Riêng nửa đầu năm 2016, Tú thu về 2 kg tổ yến. Với giá bán 3 đến 4 triệu đồng/lạng, anh thu về trên 60 triệu đồng.
"Nghề nuôi yến trong nhà chỉ bỏ vốn ban đầu. Chim yến hoàn toàn tự nhiên bay về và không phải cho ăn, trừ mấy tháng lạnh", chàng trai trẻ nói.
Nguyễn Văn Tú bên thành quả sản phẩm yến sào tại căn nhà của mình. Ảnh: Nguyễn Dương.
Theo tính toán, nếu mùa đông năm nay không quá lạnh, đàn yến cứ thế tăng lên, năm 2017, mỗi tháng anh có thể thu gần 1 kg tổ yến.
Không chỉ thành công từ mô hình nuôi chim yến trong nhà, Tú còn trực tiếp đi hỗ trợ chuyển giao kinh nghiệm và nhận lắp đặt hệ thống nhà yến cho nhiều hộ trong vùng và mở rộng đến các tỉnh Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Bình và Thái Bình.
Sắp tới, anh sẽ liên kết, hợp đồng với các hộ để bao tiêu sản phẩm. "Tôi muốn thực hiện dự định hình thành nên chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu yến sào xứ Thanh", Nguyễn Văn Tú chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Mít Thái là loại cây ăn quả dễ trồng, quả sai, múi to, hạt nhỏ, vỏ mỏng, thơm ngon và ngọt. Mô hình trồng mít Thái của gia đình anh Trần Văn Thuận ở xóm Vệ Nông xã Vân Diên (Nam Đàn) cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ năm đang mở ra nhiều triển vọng mới cho các vùng đất bán sơn địa...
Dù không có diện tích để canh tác hay trồng trọt nhưng người tiêu dùng vẫn có cơ hội sở hữu vài cây xoài, thậm chí cả vườn xoài đặc sản ở huyện Cao Lãnh thông qua mô hình “Cây xoài nhà tôi”. Đây là ý tưởng độc đáo của Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh với mong muốn mang sản phẩm của mình đến gần hơn nữa với người tiêu dùng.
Sức hút từ khởi nghiệp nông nghiệp đã khiến chàng trai 8x Phạm Văn Dũng từ bỏ vị trí công chức nhà nước về quê ở xã Thanh Yên, huyện Điện Biên (Điện Biên) lập trang trại trồng cây, nuôi con đặc sản.