Trồng Rau Nhíp Trong Vườn Điều Xen Ca Cao
Cây điều nhiều năm mất mùa, mất giá, nhưng thay đổi loại cây trồng khác trên diện tích đất đồi dốc là điều rất khó đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Điểu Đan ở thôn 5, xã Minh Hưng (Bù Đăng) đã lên rừng mang giống rau nhíp về trồng xen trong vườn điều và ca cao. Đây là cách làm mới, vừa tăng thu nhập, vừa giúp bảo tồn một loại cây thực phẩm, có dược tính của đồng bào Xêtiêng ở Bình Phước.
Gắn bó với cây điều nhiều năm, anh Điểu Đan đã trồng xen 3 ha điều với ca cao, cà phê. “Không tham số lượng, tôi trồng các loại cây thẳng hàng để cây nào cũng lấy được ánh sáng. Tôi còn thường xuyên tỉa cành để vườn cây thông thoáng, tránh sâu bệnh. Điều mà tôi lo nhất là đất đồi dốc, mỗi lần bón phân dễ bị rửa trôi, mưa lớn thì xói mòn nên cây không tốt”.
“Bữa ăn của chúng tôi không thể thiếu các loại lá, cà, rau rừng... Hàng ngày, ngoài chăm sóc vườn, một vài người trong gia đình phải lên rừng hái rau, củ, măng rừng, lá nhíp, cà dại về nấu ăn. Kể cả những loại lá, rễ cây để làm rượu cần và một số cây cỏ chữa bệnh cũng phải tìm kiếm. Việc này mất nhiều thời gian, hơn nữa những loại cây đó cũng dần khan hiếm. Tôi nảy ra ý định mang rừng về nhà”, anh Đan kể về ý tưởng ban đầu của mình.
Dẫn chúng tôi đi khắp vườn, tới tận mép suối, anh Đan chỉ các loại cây trong vườn: Cây to nhất giữa vườn để lấy lá, đậy lên miệng bình rượu cần để giữ hương vị đặc biệt. Vỏ cây này ngày xưa dùng để nhuộm sợi, dệt thảm. Cây này chữa ho. Cây này trị đau răng. Đây là cà dại - loại không thể thiếu trong món canh thụt... Nhiều nhất trong vườn là rau nhíp, chỗ nào đất trống, anh trồng thành cụm dày. Còn lại, cứ từng hàng thẳng tắp xen giữa những cây điều, ca cao.
Anh Điểu Đan cho biết: “Tôi trồng rau nhíp trong 1,3 ha điều xen ca cao. Rau nhíp và ca cao thu được nuôi sống cả nhà. Còn lại điều và cà phê để dành nuôi 2 ha cao su 3 năm tuổi. 1 sào rau nhíp cho thu hoạch gần 20kg lá non/tháng. Với giá bán 40-50 ngàn đồng/kg, mỗi tháng gia đình tôi có thêm nguồn thu hơn 1 triệu đồng/ha”. Với cách chi tiêu quy theo từng khoản, gia đình anh có cuộc sống ổn định, mua sắm các vật dụng tiện nghi, không lo chạy tiền những lúc ốm đau...
Điều làm anh Đan vui nhất là đất đồi dốc dựng đứng, sau khi trồng xen rau nhíp thì vườn cây có nhiều thay đổi. Cây giữ được độ ẩm, ca cao cho trái quanh năm. Rau nhíp giúp chống xói mòn đất, giảm lượng phân bón so với trước đây mà vườn lại xanh tốt hơn.
Thăm vườn điều xen ca cao, rau nhíp, ông Điểu Hơl, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh rất phấn khởi và hết lời động viên, khen ngợi sự cần cù, sáng tạo, ham học hỏi của anh Đan. Nếu hộ đồng bào dân tộc thiểu số nào trên địa bàn tỉnh cũng biết chịu khó làm ăn và sáng tạo như anh Đan thì sẽ không còn khó khăn, nghèo đói.
Việc trồng xen ca cao hay cà phê dưới tán điều, lâu nay đã được nhiều hộ áp dụng hiệu quả. Riêng mô hình trồng xen ca cao, cà phê và rau nhíp dưới tán điều, có lẽ anh Đan là người đầu tiên thực hiện. Mô hình này không chỉ giúp chống xói mòn đất, tăng thu nhập, mà còn góp phần bảo tồn và phát triển một loài rau có hương vị thơm ngon, có dược tính, lợi cho sức khỏe và chỉ có ở riêng vùng đồi núi Bù Đăng. Qua đó góp phần làm giàu thêm nét văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, tạo thêm nguồn rau sạch, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Sau 12 năm đăng ký, giờ đây VN có thể xuất trái vải tươi sang Úc, trang tin Cơ quan Truyền thông quốc gia Úc ABC cho biết ngày 12-5.
Trong khi dưa hấu, hành tím phải cậy tới lòng hảo tâm của người tiêu dùng nội thì ngay tại các siêu thị, chợ cóc, hàng ngoại nhập được bán tràn lan. Đến cả tim, pín, lưỡi bò; tăm bông; dầu gội ngoại... cũng lấn lướt “sân nhà”.
Ngày 13/5, đại diện Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm (DG SANTE) thuộc Ủy ban châu Âu vừa thông báo đã nhận được chứng thư điện tử đầu tiên trên Hệ thống Chuyên môn và Kiểm soát Thương mại (TRACES) do Cục cấp cho lô hàng thủy sản xuất khẩu sản sang thị trường EU.
Trong những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Minh Sơn (Bắc Mê) đã áp dụng mô hình nuôi ong mật vào phát triển kinh tế, đem lại hiệu quả cao, mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế ở địa phương. Với hệ sinh thái đa dạng, phong phú và nhiều diện tích rừng nên địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi, tiềm năng để phát triển việc nuôi ong.
Hiện nay, một phần diện tích lúa Xuân trà chính vụ tại nhiều xã như: Việt Vinh, Việt Hồng, Quang Minh, Hùng An, Bằng Hành… của huyện Bắc Quang bước vào giai đoạn thu hoạch; còn những trà lúa muộn đang ở giai đoạn chín đỏ đuôi.