Trồng Rau Muống Lấy Hạt: Vốn Ít, Lời Nhiều
Trong những năm qua, nhiều nông dân xã Hiệp Xương (Phú Tân) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ nếp truyền thống sang trồng rau muống lấy hạt. Bởi, trồng rau muống lấy hạt chi phí đầu tư ít nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ gia đình ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Đến xã Hiệp Xương vào những ngày này, hầu như nhà nào cũng đang tất bật chuẩn bị thu hoạch nếp và rau muống lấy hạt. Vụ đông xuân năm nay, bà con nông dân nơi đây được nhân đôi niềm vui, khi cả hai mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương đều trúng mùa, được giá.
Ông Lê Văn Kịch, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau muống lấy hạt xã Hiệp Xương, phấn khởi: “Vụ này, ngoài cây nếp, nông dân trồng rau muống lấy hạt cũng “thắng đậm”, khiến ai nấy đều vui mừng”. Chú sáu Kịch cho biết, gia đình chú vừa thu hoạch 10 công rau muống lấy hạt, với năng suất khoảng 350kg/công, được thương lái thu mua với giá 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, còn lãi trên 10 triệu đồng/công.
Là một trong những “lão nông” với trên 20 năm kinh nghiệm trồng rau muống lấy hạt, chú chia sẻ: “Ngày nay, trồng rau muống lấy hạt không có gì khó, mà còn nhẹ công chăm sóc hơn trước rất nhiều, bởi tất cả các khâu từ trục, xới đất, sạ phân cho đến thu hoạch đều có nhân công làm thuê. Nông dân chỉ cần thăm ruộng thường xuyên để kịp thời “chỉ huy” khi có dịch bệnh xảy ra.
Rau muống thường nhiễm những bệnh, như: Thán thư, bướu rễ nhưng sợ nhất là cỏ, đặc biệt là cỏ lông heo và cỏ chác. Vì thế, cần phải thăm ruộng thường xuyên để diệt cỏ tận gốc, không để chúng phát triển, nhất là trong khoảng 1 tháng sau khi sạ. Một yếu tố ảnh hướng không nhỏ đến năng suất nữa là thời tiết.
Nếu gặp mưa dầm, kéo dài liên tục 2-3 ngày trong khoảng 1 tháng cuối vụ, nông dân có giỏi cách mấy cũng đành phải “bó tay”, vì mưa nhiều làm bông rau muống bị thối, rụng trái, năng suất không còn được bao nhiêu. Đó cũng là lý do vì sao rau muống lấy hạt chỉ có thể trồng vào mùa nắng”.
Ông Nguyễn Thanh Điền, ngụ ấp Hiệp Trung cho biết, trước đây, gia đình ông chỉ trồng 3 héc-ta rau muống lấy hạt, còn lại khoảng 7 công trồng nếp. Nhưng từ khi tham gia Tổ hợp tác sản xuất rau muống lấy hạt và được học tập kinh nghiệm, kỹ thuật trồng loại dây leo này thông qua những lớp tập huấn, hội thảo, ông đã mạnh dạn trồng 7 héc-ta rau muống lấy hạt.
Ông vừa thu hoạch khoảng 3 héc-ta rau muống, năng suất gần 400 kg/công, được thương lái thu mua với giá 40.000 đồng/kg, lãi trên 12 triệu đồng/công. “Trồng rau muống lấy hạt lợi nhuận cao và ổn định hơn nhiều so với trồng nếp và các loại rau màu khác.
Đặc biệt, ruộng nào mới trồng rau muống xong mà trồng lại lúa hoặc nếp sẽ rất trúng, vì ít sâu bệnh và ít tốn chi phí mua phân bón”, ông Điền cho biết thêm.
Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình này tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương và các vùng lân cận. Trung bình mỗi lao động trả tiền công từ 120.000 - 180.000 đồng/ngày. Nhờ đó, bà con có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Anh Võ Văn Chánh, ngụ ấp Bình Chánh 2, xã Bình Mỹ (Châu Phú) cho biết, đội thu hoạch rau muống lấy hạt của anh trên 30 người, vào thời điểm thu hoạch rộ, trung bình mỗi nhân công kiếm từ 120.000 – 150.000 đồng/ngày. Còn vào thời điểm khác thì cũng có việc làm tương đối ổn định nhờ sạ phân, phun thuốc trừ sâu…, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Xương Nguyễn Thị Bích Phượng cho biết, toàn xã có 20 hộ trồng rau muống lấy hạt với tổng diện tích trên 50 héc-ta. Hiện nay, mô hình này mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân, đồng thời tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nhàn rỗi ở nông thôn.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con mở rộng diện tích trồng rau muống lấy hạt, tháng 4 -2012, Quỹ “Hỗ trợ nông dân” của Trung ương Hội Nông dân đã hỗ trợ cho mỗi thành viên trong Tổ hợp tác sản xuất rau muống lấy hạt xã vay vốn ưu đãi, với số tiền 600 triệu đồng (30 triệu đồng/thành viên).
Thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục tăng cường phối hợp các ngành chức năng thường xuyên tổ chức dạy nghề, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng rau muống lấy hạt cho bà con nông dân. Đồng thời, liên hệ tìm thị trường tiêu thụ, hướng đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, góp phần tăng thêm thu nhập và bảo vệ quyền lợi cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Trước những hậu quả nghiêm trọng do việc sử dụng không đúng cách những hóa chất, kháng sinh trong nghề nuôi tôm, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 03 và Thông tư số 04 về việc bổ sung Cypermethrin, Deltamethrin, Enrofloxacin vào danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; đồng thời đưa 28 sản phẩm có chứa Cypermethrin, Deltamethrin, Enrofloxacin ra khỏi Danh mục sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản, thuốc thú y thuỷ sản được phép lưu hành tại Việt Nam.
Liên quan đến tình trạng nông dân tự phát đào ao ươm cá tra giống trên đất lúa ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang), ông Lê Văn Hưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Đã chỉ đạo các ngành chức năng trong tỉnh kiên quyết không để phát sinh thêm việc đào ao ươm cá giống trên đất lúa, nhằm giữ diện tích lúa theo qui hoạch.
Thời gian qua, nhà vườn ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) rầm rộ phát triển diện tích vườn cây ăn trái, từ đó nhiều nông sản của người dân tiêu thụ gặp không ít khó khăn, thường rơi vào cảnh “được mùa mất giá”. Tuy nhiên, đối với một số nhà vườn ở xã Đông Phước A thì ngược lại, đã chọn trồng và làm giàu từ cây mít Thái.
Trong mấy ngày qua, nhiều hộ nông dân nuôi cá lồng trên sông Bồ (huyện Quảng Điền - Thừa Thiên Huế) hốt hoảng khi phát hiện cảnh cá chết và nổi trắng trên mặt sông.
Sau 2 năm liên tục nghêu bị thiệt hại nặng nề, năm nay, nghêu nuôi phát triển ổn định, không có hiện tượng chết bất thường và giá nghêu đang tăng cao. Do đó, diện tích nuôi nghêu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang dần phục hồi, hứa hẹn thắng lớn.