Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Rau Muống Lấy Hạt: Vốn Ít, Lời Nhiều

Trồng Rau Muống Lấy Hạt: Vốn Ít, Lời Nhiều
Publish date: Thursday. March 14th, 2013

Trong những năm qua, nhiều nông dân xã Hiệp Xương (Phú Tân) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ nếp truyền thống sang trồng rau muống lấy hạt. Bởi, trồng rau muống lấy hạt chi phí đầu tư ít nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ gia đình ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Đến xã Hiệp Xương vào những ngày này, hầu như nhà nào cũng đang tất bật chuẩn bị thu hoạch nếp và rau muống lấy hạt. Vụ đông xuân năm nay, bà con nông dân nơi đây được nhân đôi niềm vui, khi cả hai mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương đều trúng mùa, được giá.

Ông Lê Văn Kịch, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau muống lấy hạt xã Hiệp Xương, phấn khởi: “Vụ này, ngoài cây nếp, nông dân trồng rau muống lấy hạt cũng “thắng đậm”, khiến ai nấy đều vui mừng”. Chú sáu Kịch cho biết, gia đình chú vừa thu hoạch 10 công rau muống lấy hạt, với năng suất khoảng 350kg/công, được thương lái thu mua với giá 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, còn lãi trên 10 triệu đồng/công.

Là một trong những “lão nông” với trên 20 năm kinh nghiệm trồng rau muống lấy hạt, chú chia sẻ: “Ngày nay, trồng rau muống lấy hạt không có gì khó, mà còn nhẹ công chăm sóc hơn trước rất nhiều, bởi tất cả các khâu từ trục, xới đất, sạ phân cho đến thu hoạch đều có nhân công làm thuê. Nông dân chỉ cần thăm ruộng thường xuyên để kịp thời “chỉ huy” khi có dịch bệnh xảy ra.

Rau muống thường nhiễm những bệnh, như: Thán thư, bướu rễ nhưng sợ nhất là cỏ, đặc biệt là cỏ lông heo và cỏ chác. Vì thế, cần phải thăm ruộng thường xuyên để diệt cỏ tận gốc, không để chúng phát triển, nhất là trong khoảng 1 tháng sau khi sạ. Một yếu tố ảnh hướng không nhỏ đến năng suất nữa là thời tiết.

Nếu gặp mưa dầm, kéo dài liên tục 2-3 ngày trong khoảng 1 tháng cuối vụ, nông dân có giỏi cách mấy cũng đành phải “bó tay”, vì mưa nhiều làm bông rau muống bị thối, rụng trái, năng suất không còn được bao nhiêu. Đó cũng là lý do vì sao rau muống lấy hạt chỉ có thể trồng vào mùa nắng”.

Ông Nguyễn Thanh Điền, ngụ ấp Hiệp Trung cho biết, trước đây, gia đình ông chỉ trồng 3 héc-ta rau muống lấy hạt, còn lại khoảng 7 công trồng nếp. Nhưng từ khi tham gia Tổ hợp tác sản xuất rau muống lấy hạt và được học tập kinh nghiệm, kỹ thuật trồng loại dây leo này thông qua những lớp tập huấn, hội thảo, ông đã mạnh dạn trồng 7 héc-ta rau muống lấy hạt.

Ông vừa thu hoạch khoảng 3 héc-ta rau muống, năng suất gần 400 kg/công, được thương lái thu mua với giá 40.000 đồng/kg, lãi trên 12 triệu đồng/công. “Trồng rau muống lấy hạt lợi nhuận cao và ổn định hơn nhiều so với trồng nếp và các loại rau màu khác.

Đặc biệt, ruộng nào mới trồng rau muống xong mà trồng lại lúa hoặc nếp sẽ rất trúng, vì ít sâu bệnh và ít tốn chi phí mua phân bón”, ông Điền cho biết thêm.

Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình này tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương và các vùng lân cận. Trung bình mỗi lao động trả tiền công từ 120.000 - 180.000 đồng/ngày. Nhờ đó, bà con có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Anh Võ Văn Chánh, ngụ ấp Bình Chánh 2, xã Bình Mỹ (Châu Phú) cho biết, đội thu hoạch rau muống lấy hạt của anh trên 30 người, vào thời điểm thu hoạch rộ, trung bình mỗi nhân công kiếm từ 120.000 – 150.000 đồng/ngày. Còn vào thời điểm khác thì cũng có việc làm tương đối ổn định nhờ sạ phân, phun thuốc trừ sâu…, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Xương Nguyễn Thị Bích Phượng cho biết, toàn xã có 20 hộ trồng rau muống lấy hạt với tổng diện tích trên 50 héc-ta. Hiện nay, mô hình này mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân, đồng thời tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nhàn rỗi ở nông thôn. 
Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con mở rộng diện tích trồng rau muống lấy hạt, tháng 4 -2012, Quỹ “Hỗ trợ nông dân” của Trung ương Hội Nông dân đã hỗ trợ cho mỗi thành viên trong Tổ hợp tác sản xuất rau muống lấy hạt xã vay vốn ưu đãi, với số tiền 600 triệu đồng (30 triệu đồng/thành viên).

Thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục tăng cường phối hợp các ngành chức năng thường xuyên tổ chức dạy nghề, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng rau muống lấy hạt cho bà con nông dân. Đồng thời, liên hệ tìm thị trường tiêu thụ, hướng đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, góp phần tăng thêm thu nhập và bảo vệ quyền lợi cho nông dân.


Related news

Hướng Dẫn Khung Lịch Thời Vụ Nuôi Trồng Thủy Sản Năm 2014 Ở Cà Mau Hướng Dẫn Khung Lịch Thời Vụ Nuôi Trồng Thủy Sản Năm 2014 Ở Cà Mau

Ngành nông nghiệp còn khuyến cáo người nuôi hạn chế thả giống vào tháng 2 và tháng 3 này; đặc biệt không nên thả giống nuôi ở những nơi có độ mặn thấp hơn 50/00 cũng như hạn chế thả giống vào thời điểm mưa kéo dài.

Tuesday. February 18th, 2014
Tôm Hùm Khánh Hòa Tăng Giá Mạnh Tôm Hùm Khánh Hòa Tăng Giá Mạnh

Tôm hùm thương phẩm tại Khánh Hòa hiện có giá từ 2 - 2,2 triệu đồng/kg, tăng khoảng 700.000 đồng so với cùng kỳ. Với mức giá này, người nuôi tôm hùm tại Khánh Hòa và các tỉnh có nghề tôm hùm sẽ có lời khá và đón tết sung túc hơn các năm.

Tuesday. February 18th, 2014
Đảo Bé Được Mùa Tỏi Đảo Bé Được Mùa Tỏi

Cùng với người trồng tỏi trên đảo Lớn (An Vĩnh, An Hải), hiện nay người trồng tỏi ở đảo Bé, xã An Bình, huyện Lý Sơn cũng đang khẩn trương thu hoạch diện tích tỏi đông xuân. Được mùa tỏi, không khí trên đảo Bé trở nên nhộn nhịp hơn.

Saturday. March 15th, 2014
20 Tấn Cá Đồng Ra Chợ Ở Cà Mau 20 Tấn Cá Đồng Ra Chợ Ở Cà Mau

Cá rô loại 1 trước đây 80.000 đồng/kg thì nay giá 100.000 đồng/kg. Cá lóc loại 1 giá cũ là 80.000 đồng thì nay lên 110.000 đồng/kg.

Tuesday. February 18th, 2014
Gần Nước Nhưng Chịu Khát Gần Nước Nhưng Chịu Khát

Lẽ ra, khi được nâng cấp, sửa chữa, nạo vét, hồ chứa nước An Vang sẽ mở rộng diện tích tưới, thế nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Chuyện tréo ngoe này đã diễn ra tại tổ 3 (thôn An Lâm, xã Thăng Phước, huyện Hiệp Đức) từ tháng 7.2012 đến nay.

Saturday. March 15th, 2014