Trồng Ớt Xuất Khẩu Ở Mỹ Lộc
Những năm gần đây, phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được triển khai mạnh mẽ ở huyện Mỹ Lộc nhằm khai thác tối đa tiềm năng, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho nông dân. Trong đó, trồng ớt cay xuất khẩu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra một hướng đi mới cho người nông dân nơi đây.
Đồng chí Trần Ngọc Hiển, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện Mỹ Lộc cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng giá trị thu nhập trên diện tích canh tác, đẩy mạnh xây dựng NTM của huyện, HND huyện đã chọn 25 hộ nông dân ở các xã Mỹ Tiến, Mỹ Tân, Mỹ Phúc và Mỹ Hà tham gia xây dựng mô hình trồng ớt xuất khẩu với tổng diện tích trên 3ha.
Để bảo đảm xây dựng mô hình thành công, HND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo sản xuất phối hợp với HND các xã chủ động rà soát toàn bộ diện tích trồng cây vụ đông của hội viên nông dân và xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi. Cty TNHH Ớt Việt Nam (chi nhánh tại Ninh Bình) ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Tham gia mô hình trồng ớt xuất khẩu, bình quân mỗi hộ trồng từ 2 đến 3 sào, một số hộ trồng từ 5 đến 12 sào như hộ các ông Trần Văn Hiển, Lê Quang Vinh, Lê Văn Chiến ở thôn Bãi Ngoài, xã Mỹ Tiến. Đồng chí Lê Văn Khánh, Chủ tịch HND xã Mỹ Tiến cho biết, mô hình trồng ớt xuất khẩu được triển khai từ cuối tháng 3-2014 và thu hoạch rộ vào thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6-2014. Năm đầu tiên triển khai, đầu vụ thời tiết lại rét đậm, rét hại kéo dài, mưa nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây ớt.
Tuy nhiên, được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Cty TNHH Ớt Việt Nam, các hộ nông dân tuân thủ chặt chẽ quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nên năng suất trung bình đạt 450-500kg/sào (bằng 50% kế hoạch đặt ra). Khi cây ớt bắt đầu cho thu hoạch đợt 1, Cty TNHH Ớt Việt Nam thu mua tận ruộng cho các hộ nông dân với giá theo hợp đồng đã ký kết.
Với giá ớt theo hợp đồng là 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống gần 2 triệu đồng/sào, sau hơn 2 tháng mỗi sào ớt người trồng đã có thu nhập từ 3-4 triệu đồng. Cây ớt cho thu hoạch nhiều đợt. Theo ông Lê Quang Vinh, xã Mỹ Tiến thì “trồng ớt không tốn công chăm sóc như lúa. Nhà tôi thu hoạch được 3 đợt, đều cho năng suất cao. Sản phẩm lại được Cty bao tiêu toàn bộ nên người trồng chúng tôi rất yên tâm”.
Như vậy, nếu thời tiết thuận lợi, người nông dân thực hiện đúng các hướng dẫn kỹ thuật thì năng suất quả có thể đạt dự kiến 1 tấn/sào. Giá trị thu nhập gấp vài lần trồng lúa. Theo lãnh đạo Cty TNHH Ớt Việt Nam hiện nay, nhu cầu tiêu thụ ớt tại thị trường Trung Quốc, Đài Loan… rất lớn.
Chính vì vậy, đầu ra cho sản phẩm luôn được Cty đảm bảo cho bà con nông dân. Gia đình anh Trần Văn Hinh, xóm Hồng Phong 2, xã Mỹ Tân tham gia trồng 3 sào ớt xuất khẩu. Trong quá trình trồng, gia đình anh được Cty TNHH Ớt Việt Nam hỗ trợ phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Do được chăm sóc tốt, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, nhất là bệnh đốm quả, sâu đục quả… nên ngay trong đợt thu hoạch lứa đầu, cây ớt đã cho thu hoạch 20 kg/sào. Tiếp đó, cứ 10 ngày thu hoạch ớt 1 lần. Với năng suất 4-5 tạ/sào. Theo anh Hinh, mặc dù vụ đầu còn nhiều khó khăn song trồng ớt mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với cấy lúa. Vụ đông tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng ớt xuất khẩu để tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Hiệu quả kinh tế bước đầu từ mô hình trồng ớt xuất khẩu đã được khẳng định trên thực tế ở Mỹ Lộc. Trước triển vọng của trồng ớt xuất khẩu, HND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã có kế hoạch tiếp tục rút kinh nghiệm từ mô hình trồng ớt đợt 1 để vận động hội viên mở rộng diện tích trồng ớt, tăng số hộ tham gia, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm tại địa phương cho bà con nông dân.
Dự kiến, vụ đông năm 2014, HND huyện sẽ phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện thống kê lại diện tích đất phù hợp đưa vào trồng ớt. Hiện HND các xã Mỹ Thuận, Mỹ Trung, Mỹ Tân… đã đăng ký trồng ớt xuất khẩu với tổng diện tích trên 20ha. Trồng ớt xuất khẩu đã góp phần đa dạng hoá cơ cấu cây vụ đông hàng hoá cho nông dân huyện Mỹ Lộc.
Mô hình thành công và tiếp tục được triển khai mở rộng còn khẳng định hướng đi đúng đắn trong mối quan hệ hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp và người nông dân, một xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Có thể bạn quan tâm
Đứng cạnh đám cỏ trồng cao không quá gang tay, ông Nguyễn Văn Tấn ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân, Phú Yên) cho biết: “Nắng quá khiến đám cỏ trồng bị thiếu nước, không phát triển. Tôi cắt lứa vừa rồi cách nay một tháng, đến nay thân cây không ra thêm lá non nào. Trước đây bỏ ra 30 phút để cắt cỏ về cho bò ăn cả ngày, còn nay mang giỏ ra ngồi “nạo” sát bờ ruộng suốt buổi không đầy giỏ cỏ”.
Theo số liệu thống kê của Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Phú Giáo (Bình Dương), tổng diện tích cây cao su bị nhiễm các loại bệnh trên địa bàn huyện trong 6 tháng đầu năm 2014 là 12.749 ha, trong đó có 12.698 ha cao su bị nhiễm bệnh phấn trắng với tỷ lệ bệnh là 15 - 75%.
Từ góc độ khoa học trên, liên hệ với thực tế SX ngô trong các vụ xuân và HT ở các tỉnh phía Bắc nước ta có thể xác định ra 3 nguyên nhân chính gây nên hiện tượng ngô không hạt.
Giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục tăng nhanh, và xu hướng tăng này đã bắt đầu từ vài hôm trước. Nhiều dự báo cho rằng khả năng lượng gạo xuất khẩu năm nay sẽ bứt phá mạnh mẽ, đặc biệt với khối lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký nhưng chưa giao còn hơn 2 triệu tấn.
Anh Đỗ Thanh Bình ở ấp Bố Lá, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo (Bình Dương) nhiều năm liền là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã. Nhờ thực hiện mô hình trồng rau an toàn (RAT), gia đình anh Bình đã vươn lên khá giả.