Sử Dụng Nấm Xanh Diệt Rầy Nâu
Ngày nay, trong sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Long An đã biết hạn chế sử dụng thuốc hóa học, chuyển sang hướng sinh học có lợi hơn cho môi trường. Họ đã không ngại khó, chủ động nuôi nấm xanh để phòng trừ rầy nâu trên lúa, góp phần giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm trong sản xuất.
Hướng đến sản xuất an toàn
Nấm xanh (tên khoa học là Metarlizium Anisopliac (MA)) thường gây hại cho rầy nâu, rầy xanh, rầy lưng trắng, bọ xít,... Từ nhiều lợi ích mà nấm ký sinh mang lại, năm 2008, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp Chi cục Bảo vệ thực vật Long An đã nghiên cứu, ứng dụng đề tài: "Nuôi cấy nấm xanh diệt rầy tại nông hộ giúp giảm chi phí cho nhà nông". Qua đây, định hướng nông dân chọn các biện pháp sinh học bằng nấm ký sinh thay cho việc sử dụng thuốc hóa học để trừ rầy nâu hại lúa, tránh gây mất cân bằng sinh thái và ô nhiễm môi trường.
Theo kỹ sư công nghệ sinh học Nguyễn Vân Anh (Trung tâm Khuyến nông tỉnh), quy trình nuôi cấy nấm nông hộ được thực hiện gồm 3 bước:
Bước 1 - Chuẩn bị môi trường gạo nuôi cấy nấm: Ngâm gạo với nước trong 1 - 1 giờ 30 phút (tùy theo gạo mềm cơm hay cứng cơm), vớt gạo cho vào từng bọc nylon trung bình là 500 g/bọc, buộc kín miệng bằng dây thun.
Bước 2 - Hấp khử trùng: Cho nước ngập đến vỉ ngăn nước nồi nhôm rồi cho từng bọc gạo nylon vào nồi, hấp thanh trùng khoảng 1 - 1 giờ 30 phút (kể từ khi nước sôi), đun bằng than đá hoặc củi; Vớt bọc gạo ra ngoài để nguội.
Bước 3 - Chủng nấm nguồn vào môi trường gạo: Chia dĩa nấm Metarlizium Anisopliac gốc thành 6 phần bằng nhau (1/6 để sử dụng 1 bọc gạo nylon), chọn đĩa nấm gốc phải có chất lượng, tủ cấy cũng đơn giản để khi cấy nấm sẽ hạn chế nhiễm các nấm tạp.
Sau đó, dùng dao rạch nấm gốc thành từng miếng nhỏ, rồi cấy vào bọc gạo. Đem ủ chế phẩm để nơi cao ráo, thoáng mát trong điều kiện nhiệt độ từ 28 độ C - 30 độ C, tránh ánh sáng trực tiếp, lắc bọc chế phẩm 1 lần/ngày. Sau 10 - 14 ngày quan sát thấy nấm xanh bao phủ hết hạt gạo (hạt gạo nhỏ dần), có thể sử dụng được. Cũng theo kỹ sư Nguyễn Vân Anh, cách sử dụng hết sức đơn giản: Hòa chế phẩm trong nước qua vải lược, mỗi bọc cho 4 bình 16 lít (2 bình/1.000m2), khi cho chế phẩm vào bình pha thêm 5cc chất bám dính, phun chậm vào gốc lúa và phun xịt lúc buổi chiều mát hoặc sẫm tối, có sương càng tốt sẽ giúp nấm phát triển.
Còn nếu phun gặp mưa khi chưa được 24 giờ phải phun lại. Nên phun khi mật số rầy nâu khoảng 2 - 5 con/tép và phun khi rầy nâu ở tuổi 1 - 2. Phun kỹ vào gốc lúa, khi phun phải trộn chế phẩm với chất bám dính giúp bào tử nấm bám tốt trên cơ thể côn trùng. Không hòa chế phẩm nấm xanh với các thuốc trừ nấm bệnh lúa. Trung bình 1 đĩa nấm gốc nuôi được có thể sử dụng cho ít nhất khoảng 1ha đất sản xuất.
Nhiều tiện ích…
Đến nay, mô hình nuôi nấm xanh diệt trừ rầy nâu đã được triển khai ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như: Đức Hòa, Châu Thành, Tân Trụ, Vĩnh Hưng, Thủ Thừa, Đức Huệ,... Theo đa số nông dân, bước đầu qua sử dụng nấm xanh duyệt rầy nâu rất thành công. Ưu điểm lớn nhất là chi phí thấp hơn so dùng thuốc hóa học. Hơn nữa biện pháp này giảm bớt độc hại, giữ gìn sức khỏe cho nông dân và có ích cho môi trường đồng ruộng.
Ông Võ Văn Đỏ, xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành cho biết: Sử dụng nấm xanh có khả năng diệt trừ khoảng 60 - 80% rầy nâu trên diện tích lúa bị nhiễm rầy mật độ trung bình từ 1.000 đến 2.000 con/m2. Chi phí phun nấm xanh thấp hơn so với thuốc hóa học từ 70.000 - 120.000 đồng/lần/ha. Sử dụng nấm xanh, nông dân chỉ cần phun nấm 2 lần thay vì phải phun thuốc hóa học suốt vụ.
Đặc biệt, nấm xanh không gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái, con người. "Thú thật, lúc đầu sử dụng nấm xanh tôi thấy hơi lo, vì trước kia phun thuốc hóa học thấy rầy nâu chết ngay. Tuy nhiên, khi lúa được 23 ngày tuổi và phun nấm xanh đến lần thứ 3 thấy rầy nâu bị nhiễm nấm chết tôi mới an tâm. Do đó, tôi quyết định sử dụng sản phẩm nấm xanh mỗi khi vào mùa lúa" - ông Lý Văn Châu huyện Vĩnh Hưng bộc bạch.
Mô hình nuôi cấy nấm xanh được thực hiện và thành công ngay trong lần đầu tiên đã tạo chuyển biến trong nhận thức của nông dân và hình thành cộng đồng hợp tác sử dụng chế phẩm vi sinh trong tỉnh. Đặc biệt, việc ứng dụng nấm xanh rất an toàn, không ảnh hưởng đến các thiên địch sinh sống ở ruộng lúa, ít gây ô nhiễm môi trường, không gây hại đến sức khỏe con người, sản phẩm lúa gạo làm ra sạch.
Có thể bạn quan tâm
Sau nhiều tháng điều tra, nhóm nghiên cứu do Donald Lightner tại Đại học Arizona đã xác định nguyên nhân gây hội chứng chết sớm ở tôm (EMS), hay còn gọi là hội chứng hoại tử gan tuỵ cấp (AHPNS).
Ông Lưu Xuân Mộc, ấp Bùng Binh 1, xã Hoà Tân, TP Cà Mau, là người thành công nhất trong xã về mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến “bậc cao” nhờ áp dụng những cải tiến kỹ thuật trong cách nuôi.
Gần 1 tháng rưỡi qua (4/5 đến 17/6/2013) tại tỉnh Nghệ An đã có gần 60 ha tôm thẻ chân trắng ở 13 vùng nuôi tôm thuộc 3 huyện, thành đã dính các loại bệnh: Đốm trắng, Taura và hoại tử gan tụy. Trước tình hình đó, nhiều hộ dân đã thu tôm bán non vớt vát lại vốn.
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ Hè Thu năm 2013 ở đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 15/6/2013 đến hết ngày 31/7/2013.
Trại Giống nông nghiệp huyện Điện Biên thuộc Công ty Cổ phần Giống Nông nghiệp tỉnh, từ lâu là địa chỉ tin cậy cung cấp giống lúa tốt cho bà con nông dân trong tỉnh. Vụ chiêm xuân năm nay, ngoài nhận 18ha sản xuất lúa giống, Trại Giống còn cùng với nông dân sản xuất lúa giống với diện tích 100ha.