Trồng Nhãn Thu Nhập Hàng Trăm Triệu Đồng

Từ một loại cây trồng làm nông dân xã Thắng Hải (Hàm Tân - Bình Thuận) điêu đứng, vì giá “trượt dốc” không phanh dẫn đến phải chặt phá hàng loạt. Hai năm gần đây, giá nhãn luôn giữ mức từ 13 - 17 ngàn đồng/kg, diện tích loại trái cây này đang được khôi phục và tăng lên đáng kể, có hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng sau mùa quả ngọt…
Thu nhập cao từ cây “lộc vàng”
Đến xã Thắng Hải mùa này dễ bắt gặp hình ảnh những đồi nhãn nằm thoai thoải triền dốc, lá xanh biếc, từng chùm trái trĩu quả như cứ muốn sà xuống lòng đất. Chị Đặng Thị Huệ, thôn Hà Lãng - xã Thắng Hải, chủ nhân vườn nhãn rộng gần 7 ha đang cặm cụi chăm sóc những cây “lộc vàng” đón chúng tôi bằng một nụ cười niềm nở.
Chị Huệ quê ở Trà Vinh, năm 1995 vợ chồng chị đến lập nghiệp tại vùng đất mới xã Thắng Hải, nhiều năm liền gia đình chị thuộc diện hộ nghèo ở xã. Tuy nhiên, nhờ chịu khó, chăm chỉ, hai vợ chồng chị khai phá được 4 ha đất để trồng nhãn. Những năm gần đây, nhờ trúng mùa trúng giá, gia đình chị Huệ thoát nghèo. Từ đó, chị thuê thêm 3 ha đất trồng nhãn. Với mức giá trung bình mỗi ký từ 14 - 15 ngàn đồng như hiện nay, trừ chi phí chị lãi khoảng 700 triệu đồng/năm.
Chị Huệ chia sẻ: “Nhớ lúc nhãn rớt giá xuống 1.000 đồng/kg, nhiều bà con trong xã rủ nhau chặt phá hàng loạt nhưng vợ chồng tui động viên nhau giữ vườn. Bây giờ nhờ vườn nhãn gia đình đã khá giả”. Không chỉ chị Huệ, anh Dương Thành Hưng, anh Phan Thanh Bình - thôn Suối Bang cũng thu nhập hàng chục triệu đồng/ha nhãn… Cây nhãn nơi đây đang thật sự khoác lên chiếc áo trù phú cho vùng quê còn nghèo khó này.
Lý giải nguyên nhân nhãn tăng giá trở lại, theo nhiều nhà vườn cho biết, những năm gần đây, loại trái cây này ngoài tiêu thụ mạnh ở thị trường nhãn sấy Trung Quốc, hiện nay việc mở rộng thị trường xuất khẩu trái tươi sang Mỹ nên giá nhãn tăng giúp nhà vườn thêm lợi nhuận vài chục triệu đồng/ha. Tính trung bình mỗi ha vườn nhãn cho thu hoạch từ 12 - 15 tấn, bà con có thể thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng/năm/ha.
Mở rộng diện tích
Xã Thắng Hải, phần đông người dân miền Tây đến lập nghiệp làm nông là chính. Là địa bàn giáp ranh với Bà Rịa - Vũng Tàu là vùng nhãn xuồng lớn cả nước. Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên nông dân ở đây học tập kinh nghiệm, mạnh dạn đầu tư trồng giống nhãn tiêu da bò.
Ông Trần Xuân An - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thắng Hải cho biết: “Sau một thời gian nhãn đột ngột rớt giá, nhiều bà con nơi đây chặt phá hàng loạt chuyển đổi sang cây mì, cây bắp còn một số chuyển sang trồng cây cao su. Năm 2010, khi nhãn được giá, diện tích được mở rộng với hơn 400 ha”.
Khó khăn lớn nhất của nhiều nhà vườn trồng nhãn tại xã Thắng Hải là lo ngại bệnh chổi rồng hay còn gọi là bệnh đầu lân chùn ngọn hiện đang có xu hướng nhiễm bệnh lây lan. Bệnh thường tấn công chủ yếu trên lộc non và chồi hoa của cây nhãn, làm cho các bộ phận này của cây không phát triển, kết quả là khả năng đậu trái kém, năng suất thấp.
Có thể bạn quan tâm

“Đất đai là vốn quý của người nông dân, tuy nhiên không nhất thiết có nhiều đất thì họ mới làm giàu được”. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Trọng Oánh ở ấp Cầu Rạt, xã Tân Phước (Đồng Phú), có 14 năm kinh nghiệm trồng rau cho thu nhập cao.

Do tình hình xuất khẩu cá tra gặp khó khiến giá cá tra tại ĐBSCL liên tục giảm nên người nuôi cá lỗ từ 1.000 - 2.750 đồng/kg tùy theo từng thời điểm của quí 1-2013. Vì thế, Hiệp hội cá tra Việt Nam khuyến cáo người nuôi cá tra chỉ nuôi khi có hợp đồng tiêu thụ với các nhà máy chế biến thủy sản.

Là một sĩ quan quân đội, năm 1990 ông Hà Văn Hảo xuất ngũ và quyết định rời thành phố Hồ Chí Minh đến ấp 3, xã Lộc Hưng (Lộc Ninh) lập nghiệp. Sau nhiều năm vất vả tưới nước cho cây trồng bằng phương pháp thủ công, ông đã tìm hiểu và ứng dụng khoa học - kỹ thuật làm hệ thống tưới nước tự động.

Chị Hà Thị Quy ở thôn Làng Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình nuôi gà với ý định làm giàu chứ không phải là xoá đói nghèo. Chị là giáo viên nghỉ hưu, con cái đã trưởng thành, tiền lương hưu cũng đủ cho chị chi tiêu dùng hàng ngày. Song, có thời gian, còn sức khoẻ, chị quyết định bước vào làm kinh tế ở độ tuổi 55.

Năm 2012, lần đầu tiên sản phẩm yến sào Hội An bị “đóng băng” khiến ngân sách địa phương bị ảnh hưởng. Vì vậy, ngành chức năng TP.Hội An (Quảng Nam) đã và đang nỗ lực mở rộng thị trường, tìm kiếm đầu ra cho loại đặc sản này.