Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Ngô Làm Thức Ăn Cho Bò Sữa Đem Lại Lợi Ích Kép

Trồng Ngô Làm Thức Ăn Cho Bò Sữa Đem Lại Lợi Ích Kép
Ngày đăng: 06/10/2014

Trên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), trồng ngô làm thức ăn ủ ướp đang đem lại thu nhập gấp đôi cho người nông dân trong khi những chủ trang trại bò sữa chủ động được nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng với giá thành phải chăng.

Trồng ngô làm thức ăn cho bò sữa đem lại lợi ích kép

Chiều dần buông trên cao nguyên Mộc Châu tươi đẹp, bà Vũ Thị Đáng (đơn vị 70, Nông trường Mộc Châu) đang bổ những nhát cào vào “núi” thức ăn cao vài mét, rộng vài chục mét vuông tại hố ủ ướp thức ăn chứa trên 400 tấn, để đem bữa tối cho 43 “nàng” bò trong trang trại của mình.

“Mỗi ngày, cả đàn bò ăn hết trên 1 tấn thức ăn thô xanh. Nhờ hố ủ ướp này, chúng tôi chủ động được nguồn thức ăn cho vật nuôi, đặc biệt là trong những ngày mùa đông, giảm được nhân công lao động vì không phải ra đồng cắt cỏ, lại tiết kiệm được chi phí đầu vào”, bà Đáng nói.

Theo bà Đáng, đây là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, đảm bảo chế độ ăn của bò do các chuyên gia dinh dưỡng quốc tế xây dựng, được chứng minh bằng kết quả phân tích do Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu thực hiện tại Mỹ. Thức ăn ủ ướp kết hợp với thức ăn hỗn hợp TMR được sản xuất bởi nhà máy do Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu đầu tư xây dựng với số tiền lên tới trên 1 triệu USD, sử dụng công nghệ của Hàn Quốc và Israel, giúp những “nàng” bò “đẻ” ra những dòng sữa chất lượng cao.

Hố ủ ướp xây dựng rất đơn giản và không tiêu tốn nhiều tiền, kỹ thuật ủ ướp thức ăn lại rất dễ, ai cũng có thể làm được. Nguyên liệu được băm nhỏ, cho vào hố, đầm nén kỹ, bọc kín bằng bạt cho yếm khí, sau 21 ngày là có thể sử dụng cho bò ăn.

Trên cao nguyên Mộc Châu hiện có 500 trang trại đang nuôi gần 16.000 con bò sữa. Chủ các trang trại mua ngô, bao gồm cả thân, lá, bắp để ủ ướp thức ăn nên đang mở ra cơ hội làm giàu cho bà con nông dân trong vùng.

Gia đình ông Đinh Văn Đặng (đơn vị Vườn Đào 1) trồng 2,5 ha ngô để ủ ướp thức ăn cho bò. Bình thường, nếu trồng ngô lấy hạt, ông Đặng và những người nông dân Mộc Châu chỉ có được một vụ thu hoạch duy nhất trong năm.

Khi trồng ngô làm thức ăn ủ ướp, mỗi năm ông trồng được 2 vụ, thời gian trồng ngô làm thức ăn cho bò ngắn hơn, chỉ khoảng trên dưới 90 ngày, mật độ cây trồng dày hơn, chi phí đầu vào thấp nên nguồn lợi thu về từ đồng ruộng cũng tăng lên đáng kể. “Giá 1 kg thân, lá, bắp ngô tươi luôn ở mức trên 1.000 đồng. 1 ha ngô trồng làm thức ăn ủ ướp có thể thu về 50-70 tấn/vụ, đem lại cho người dân 50-70 triệu đồng, cao hơn 2 lần so với trồng ngô lấy hạt”, ông Đặng nói.

Ông Hà Trung Chiến, Chủ tịch UBND H.Mộc Châu xác nhận: qua đánh giá thực tế, việc trồng ngô làm thức ăn cho bò sữa đem lại giá trị kinh tế cao gấp 2 lần cho nông dân so với trông ngô lấy hạt truyền thống.

Theo ông Chiến, chỉ sau một mùa vụ, người dân trên địa bàn đã thấy được hiệu quả rõ rệt nên yên tâm chuyển đổi, tham gia trồng ngô bán cho các trang trại nuôi bò, đến nay diện tích này đã lên tới 1.500 ha. “Đây là một cách làm mới, đem lại lợi ích nhiều hơn cho bà con trồng ngô. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng ngô làm thức ăn ủ ướp, tương ứng với sự phát triển của đàn bò sữa tại địa phương”, ông Chiến nói.

Ông Chiến cũng cho biết, theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2020 sẽ có trên 30.000 con bò sữa được nuôi trên cao nguyên Mộc Châu.  Điều này đồng nghĩa với việc, diện tích trồng ngô làm thức ăn ủ ướp sẽ tăng lên gần gấp đôi hiện nay, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân.

UBND huyện và Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu đã hỗ trợ nông dân trồng ngô bán cho các trang trại về giống, kỹ thuật canh tác. Mô hình trồng ngô làm thức ăn ủ ướp sẽ được áp dụng trên đồng đất các xã thuộc diện khó khăn trên địa bàn với kỳ vọng đem lại sự đổi đời cho bà con nông dân.


Có thể bạn quan tâm

Sản Xuất Lúa Nhật Hàng Hóa Cần Sự Vào Cuộc Từ Nhiều Phía Sản Xuất Lúa Nhật Hàng Hóa Cần Sự Vào Cuộc Từ Nhiều Phía

Trong những năm gần đây, năng suất lúa toàn tỉnh gần như đã kịch trần về năng suất cả ở vụ xuân và vụ mùa, do đó việc chuyển đổi cơ cấu giống là một trong những giải pháp để giúp bà con nông dân nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác.

17/02/2014
Đồng Bằng Sông Cửu Long Trồng Thêm 10.000 Ha Cây Ăn Quả Chất Lượng Cao Đồng Bằng Sông Cửu Long Trồng Thêm 10.000 Ha Cây Ăn Quả Chất Lượng Cao

Các loại hoa quả sẽ được trồng thêm gồm bưởi Năm Roi, bưởi da xanh; cam sành; xoài cát Hòa Lộc; sầu riêng cơm vàng hạt lép Chín Hóa, Ri 6; măng cụt; thanh long và vú sữa Lò Rèn.

17/02/2014
Ươm Cao Su Giống, Thu Tiền Tỷ Ươm Cao Su Giống, Thu Tiền Tỷ

Nhờ đột phá chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Nguyễn Văn Đông (60 tuổi) ở ấp Trường Đức, xã Trường Đông, huyện Hòa Thành, Tây Ninh đã có thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm.

17/02/2014
Mở Hướng Chăn Nuôi Bền Vững Mở Hướng Chăn Nuôi Bền Vững

Với sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ nông dân (T.Ư Hội NDVN), nông dân vùng cao Yên Sơn (Tuyên Quang) bắt đầu làm quen với nuôi gà theo hướng an toàn sinh học. Ngay lứa đầu tiên, hiệu quả của mô hình đã được khẳng định.

17/02/2014
Chú Trọng Phát Triển Cây, Con Đặc Sản Để Làm Giàu Chú Trọng Phát Triển Cây, Con Đặc Sản Để Làm Giàu

Hình thành hợp tác xã (HTX) chăn nuôi, trồng trọt, đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, phát triển cây con đặc sản... là những giải pháp đang được TP.Hà Nội ưu tiên thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của địa phương...

17/02/2014