Trồng Ngô Làm Thức Ăn Cho Bò Sữa Đem Lại Lợi Ích Kép
Trên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), trồng ngô làm thức ăn ủ ướp đang đem lại thu nhập gấp đôi cho người nông dân trong khi những chủ trang trại bò sữa chủ động được nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng với giá thành phải chăng.
Trồng ngô làm thức ăn cho bò sữa đem lại lợi ích kép
Chiều dần buông trên cao nguyên Mộc Châu tươi đẹp, bà Vũ Thị Đáng (đơn vị 70, Nông trường Mộc Châu) đang bổ những nhát cào vào “núi” thức ăn cao vài mét, rộng vài chục mét vuông tại hố ủ ướp thức ăn chứa trên 400 tấn, để đem bữa tối cho 43 “nàng” bò trong trang trại của mình.
“Mỗi ngày, cả đàn bò ăn hết trên 1 tấn thức ăn thô xanh. Nhờ hố ủ ướp này, chúng tôi chủ động được nguồn thức ăn cho vật nuôi, đặc biệt là trong những ngày mùa đông, giảm được nhân công lao động vì không phải ra đồng cắt cỏ, lại tiết kiệm được chi phí đầu vào”, bà Đáng nói.
Theo bà Đáng, đây là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, đảm bảo chế độ ăn của bò do các chuyên gia dinh dưỡng quốc tế xây dựng, được chứng minh bằng kết quả phân tích do Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu thực hiện tại Mỹ. Thức ăn ủ ướp kết hợp với thức ăn hỗn hợp TMR được sản xuất bởi nhà máy do Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu đầu tư xây dựng với số tiền lên tới trên 1 triệu USD, sử dụng công nghệ của Hàn Quốc và Israel, giúp những “nàng” bò “đẻ” ra những dòng sữa chất lượng cao.
Hố ủ ướp xây dựng rất đơn giản và không tiêu tốn nhiều tiền, kỹ thuật ủ ướp thức ăn lại rất dễ, ai cũng có thể làm được. Nguyên liệu được băm nhỏ, cho vào hố, đầm nén kỹ, bọc kín bằng bạt cho yếm khí, sau 21 ngày là có thể sử dụng cho bò ăn.
Trên cao nguyên Mộc Châu hiện có 500 trang trại đang nuôi gần 16.000 con bò sữa. Chủ các trang trại mua ngô, bao gồm cả thân, lá, bắp để ủ ướp thức ăn nên đang mở ra cơ hội làm giàu cho bà con nông dân trong vùng.
Gia đình ông Đinh Văn Đặng (đơn vị Vườn Đào 1) trồng 2,5 ha ngô để ủ ướp thức ăn cho bò. Bình thường, nếu trồng ngô lấy hạt, ông Đặng và những người nông dân Mộc Châu chỉ có được một vụ thu hoạch duy nhất trong năm.
Khi trồng ngô làm thức ăn ủ ướp, mỗi năm ông trồng được 2 vụ, thời gian trồng ngô làm thức ăn cho bò ngắn hơn, chỉ khoảng trên dưới 90 ngày, mật độ cây trồng dày hơn, chi phí đầu vào thấp nên nguồn lợi thu về từ đồng ruộng cũng tăng lên đáng kể. “Giá 1 kg thân, lá, bắp ngô tươi luôn ở mức trên 1.000 đồng. 1 ha ngô trồng làm thức ăn ủ ướp có thể thu về 50-70 tấn/vụ, đem lại cho người dân 50-70 triệu đồng, cao hơn 2 lần so với trồng ngô lấy hạt”, ông Đặng nói.
Ông Hà Trung Chiến, Chủ tịch UBND H.Mộc Châu xác nhận: qua đánh giá thực tế, việc trồng ngô làm thức ăn cho bò sữa đem lại giá trị kinh tế cao gấp 2 lần cho nông dân so với trông ngô lấy hạt truyền thống.
Theo ông Chiến, chỉ sau một mùa vụ, người dân trên địa bàn đã thấy được hiệu quả rõ rệt nên yên tâm chuyển đổi, tham gia trồng ngô bán cho các trang trại nuôi bò, đến nay diện tích này đã lên tới 1.500 ha. “Đây là một cách làm mới, đem lại lợi ích nhiều hơn cho bà con trồng ngô. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng ngô làm thức ăn ủ ướp, tương ứng với sự phát triển của đàn bò sữa tại địa phương”, ông Chiến nói.
Ông Chiến cũng cho biết, theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2020 sẽ có trên 30.000 con bò sữa được nuôi trên cao nguyên Mộc Châu. Điều này đồng nghĩa với việc, diện tích trồng ngô làm thức ăn ủ ướp sẽ tăng lên gần gấp đôi hiện nay, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân.
UBND huyện và Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu đã hỗ trợ nông dân trồng ngô bán cho các trang trại về giống, kỹ thuật canh tác. Mô hình trồng ngô làm thức ăn ủ ướp sẽ được áp dụng trên đồng đất các xã thuộc diện khó khăn trên địa bàn với kỳ vọng đem lại sự đổi đời cho bà con nông dân.
Related news
Theo phản ánh của người dân, từ trước Tết Giáp Ngọ 2014, trên tuyến kênh TN17 thuộc địa bàn huyện Châu Thành (Tây Ninh), đoạn từ K7 đến K10+300 qua các xã Thái Bình, An Bình và Thanh Điền xuất hiện nhiều bao tải chứa vịt chết bị vứt xuống dòng kênh.
Bộ Y tế có công điện số 441/CĐ-BYT gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống và sẵn sàng ứng phó dịch bệnh do cúm A(H7N9) và các chủng virus cúm từ gia cầm lây sang người.
Bất chấp ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm, nhiều người ở ĐBSCL vẫn bỏ ra hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng, để xây nhà dụ chim yến giữa khu dân cư
Năm 2014 được dự báo là một năm đầy khó khăn, thách thức với ngành chăn nuôi Việt Nam trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu với khu vực và thế giới. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra cho ngành chăn nuôi là phải đẩy mạnh tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng sức cạnh tranh.
Tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), dịch lở mồm long móng type A đang xảy ra tại 12 xã của 3 huyện Trùng Khánh, Trà Lĩnh và Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng với 217 gia súc mắc bệnh.