Trồng Nấm Linh Chi Mô Hình Kinh Tế Hiệu Quả
Chi phí đầu tư thấp, khâu chăm sóc nhẹ nhàng, được hỗ trợ về kỹ thuật, ổn định đầu ra… đó là những gì mà mô hình trồng nấm linh chi của Công ty TNHH MTV Hưng Lợi đã và đang mang đến cho bà con trong thời gian qua.
Dù đã gắn bó hơn 30 năm với nghề trồng nấm linh chi, nhưng với cô Nguyễn Ngọc Ái, Giám đốc Công ty TNHH MTV nấm và măng tây Hưng Lợi (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) vẫn luôn mong muốn tạo ra những sản phẩm nấm đạt chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Điều đó đã thôi thúc cô tìm tòi, nghiên cứu và phối thành công phôi nấm linh chi có sức sống mạnh, thích hợp với mọi vùng đất và điều kiện khí hậu của từng địa phương.
Không những thế, những phôi nấm này còn được trồng theo quy trình kỹ thuật sản xuất nấm sạch, không sử dụng phân bón, hóa chất trong khâu tưới tiêu nên nấm phát triển tốt, nhẹ chi phí cho người trồng và tuyệt đối an toàn cho người sử dụng.
Theo cô Ái, trồng nấm linh chi không mất nhiều công chăm sóc. Người trồng chỉ tưới nước mỗi ngày một lần và có thể tận dụng những chuồng, trại, những nơi bỏ trống, hay thậm chí có thể tận dụng một góc nào đó trong căn nhà của mình để làm nơi trồng nấm. Về kỹ thuật chăm sóc, người trồng phải chú ý và tuân thủ theo quy trình kỹ thuật mà công ty hướng dẫn. Đó là nơi trồng nấm phải thông thoáng, phải trang bị hệ thống tưới nước (nếu trồng với số lượng nhiều).
Ngoài ra, xung quanh khu vực nhà trồng cần phải bao lưới để ngăn chặn các loại côn trùng xâm nhập gây hại sự phát triển của cây nấm. Sau khi thu hoạch, bà con phải phơi khô hoặc sấy khô nấm trước khi công ty đến thu mua.
Nhận thấy được lợi ích từ việc trồng nấm linh chi, thời gian qua, nhiều bà con trong và ngoài tỉnh đã mạnh dạn áp dụng trồng thử nghiệm, bước đầu đã cho lợi nhuận tương đối cao. Chị Nguyễn Thị Kim Hương (số nhà 640, Quốc lộ 1A, phường 2, TP. Sóc Trăng) cho biết: “Tôi công tác ở Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng. Được bạn bè giới thiệu về mô hình trồng nấm linh chi, tôi đã đến Công ty TNHH MTV Hưng Lợi để tham quan mô hình và mua phôi nấm.
Tôi đã trồng thử nghiệm 2.000 phôi. Thấy kết quả khả quan, nên vụ vừa qua, tôi đã đặt mua thêm 4.000 phôi để trồng. Sau 50 ngày trồng, sản phẩm được công ty thu mua với giá 500.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí tôi lãi khoảng 20 triệu đồng. Tôi đang mở rộng diện tích để trồng thêm 5.000 phôi nấm”.
Nấm linh chi là loại thảo dược quý, có công dụng trong việc điều trị bệnh mà bà con có thể tự trồng để cung cấp cho thị trường trong nước. Đây là cơ hội để người dân địa phương có thể phát triển thêm mô hình kinh tế phụ để đem lại thu nhập cho gia đình.
Có thể bạn quan tâm
Tận dụng diện tích đất nhỏ hẹp (chỉ với 117 m2), anh Hồ Lâm Tuấn (khóm 1, phường 3, Tp. Vĩnh Long) đã đầu tư nuôi bồ câu Pháp và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là loài vật dễ nuôi, có thể chăn nuôi ngay tại thành thị để phát triển kinh tế gia đình.
Việc nuôi tôm không tuân thủ khung lịch mùa vụ và khuyến cáo kỹ thuật cộng với khó khăn trong kiểm soát dịch là những lý do khiến dịch bệnh trên tôm phức tạp ngay từ đầu vụ tại một số tỉnh ở Nam Trung Bộ và ĐBSCL.
Tuy không làm giàu nhanh nhưng việc tận dụng ao vườn để thả nuôi các loại thủy - hải sản cũng tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Ông Lê Văn Nhịn ở Ấp 8 (xã Hòa Hiệp - Tam Bình - Vĩnh Long) đã “sống được” với mô hình nuôi tôm càng xanh.
Sau gần 5 năm gắn bó với nghề chăn nuôi, anh Trần Văn Hiếu, thôn Bích La, xã Triệu Đông (Triệu Phong, Quảng Trị) đã rút ra một kinh nghiệm quý báu: “Với tiềm năng, thổ nhưỡng ở địa phương, muốn vươn lên khá giả cần phải có sự chuyển đổi trong cách thức làm kinh tế, đồng thời nắm bắt được nhu cầu thị trường và tìm đầu ra thích hợp cho sản phẩm”. Chính ý chí ham học hỏi và quyết tâm làm giàu đã giúp anh Hiếu thành công với mô hình chăn nuôi vịt khép kín.
Trồng dưa leo trong vườn cao su là sáng kiến của anh Hồ Ngọc Phố ở ấp 8C, xã Lộc Hòa (Lộc Ninh - Bình Phước). Tuy mới đưa vào thử nghiệm nhưng bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.