Nâng Giá Trị Con Tôm Tiến Sâu Vào Thị Trường Lớn
Không chỉ xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh Cà Mau thời gian qua tạo được nhiều bước đột phá về sản lượng mà trang thiết bị, công nghệ sản xuất, chế biến cũng được đánh giá là hiện đại và ngang tầm với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, khi nhìn vào con số chỉ có trên 40% sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu của doanh nghiệp, công ty trong tỉnh đạt giá trị gia tăng, còn lại chủ yếu xuất khẩu hàng thô, hàng sơ chế, cho thấy giá trị con tôm hiện vẫn còn thấp so với thực tế.
Trong 10 tháng đầu năm 2014, ngành kinh tế mũi nhọn này tiếp tục chuyển biến tích cực. Ðến nay kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã đạt trên 1,1 tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng con tôm trên 1 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ, tổng sản lượng tôm trên 139.305 tấn.
Điểm “nghẽn” trong chế biến
Cùng với sự tăng trưởng của sản lượng tôm và các mặt hàng thuỷ sản khác thời gian qua là sự hình thành và phát triển hệ thống công ty, xí nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản. Toàn tỉnh hiện có 32 công ty và gần 38 xí nghiệp trực thuộc với tổng công suất thiết kế trên 190.000 tấn/năm. Với số lượng công ty và xí nghiệp hùng hậu này đã góp phần đưa con tôm Cà Mau có mặt ở trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản…
Theo ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau (CASEP), hầu hết các nhà máy, công ty trên địa bàn đều bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm và được các tổ chức quốc tế chứng nhận. Sản phẩm tôm chế biến đa dạng và phong phú theo từng yêu cầu của khách hàng.
Dù vậy, giá trị gia tăng trong các mặt hàng tôm trên địa bàn vẫn chưa cao. Hằng năm, chỉ có khoảng 61.000 tấn sản phẩm thuỷ sản các loại xuất khẩu qua dây chuyền công nghệ hiện đại và mang về giá trị kinh tế cao, còn lại trên 92.000 tấn sản phẩm thuỷ sản trong tỉnh xuất đi trong tình trạng sản phẩm thô, mới qua sơ chế. Phần lớn các xí nghiệp sau khi thu mua nguyên liệu, tiến hành sơ chế bằng phương pháp thủ công và cung cấp cho các công ty lớn khác trong và ngoài tỉnh. Ðiều đó khiến con tôm Cà Mau khi xuất tỉnh thường mang về giá trị không cao.
Con tôm Cà Mau được nhiều nước trên thế giới đánh giá là đạt chất lượng cao. Từ đó, nhiều công ty, xí nghiệp ngoài tỉnh muốn có được nguyên liệu tôm Cà Mau để đáp ứng đơn đặt hàng của đối tác đã khiến dòng sản phẩm thô chảy đi các tỉnh không nhỏ. Ðặc biệt, Cà Mau có trên 10.000 ha tôm sinh thái đã được tổ chức Naturland của Ðức công nhận, là điều kiện thuận lợi để con tôm Cà Mau khẳng định vị thế của mình trên thị trường. Tuy nhiên, việc sản lượng sản phẩm thô xuất đi hằng năm còn quá lớn như hiện nay đang là sự hoang phí so với ưu thế vốn có.
Không chỉ do những xí nghiệp chưa được đầu tư dây chuyền hiện đại để tạo ra sản phẩm giá trị cao mà nguyên nhân khiến một lượng lớn sản phẩm tôm Cà Mau xuất tỉnh trong tình trạng thô còn xuất phát từ sự thiếu liên kết trong tổ chức sản xuất.
Theo thống kê, có đến 95% người nuôi thuỷ sản bán nguyên liệu cho các thương lái, 4% bán cho các vựa thu mua và chỉ có 1% là tiêu thụ thẳng đến thị trường người tiêu dùng nội địa. Thực tế này không chỉ làm lợi nhuận của người dân bị giảm sút mà còn là điều kiện để dòng sản phẩm trong tỉnh chảy đi tỉnh khác, khiến không ít doanh nghiệp trong tỉnh gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu.
Tạo chuỗi sản phẩm khép kín
Việc phát triển diện tích, tăng sản lượng thuỷ sản là một trong những mục tiêu quan trọng và xuyên suốt của tỉnh thời gian qua cũng như những năm tiếp theo. Tuy nhiên, việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cũng là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm.
Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, mục tiêu tỉnh đặt ra trong thời gian tới là chuyển đổi cơ cấu các sản phẩm thuỷ sản chế biến xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm giá trị gia tăng lên 70%, giảm tỷ lệ các sản phẩm sơ chế còn dưới 30%. Ðồng thời, đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến để nâng cao năng suất lao động. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo ISO, HACCP, GMP, SSOP… tại 100% các cơ sở chế biến thuỷ sản.
Ông Lê Văn Sử cho biết thêm, thời gian tới, tỉnh tiến hành xây dựng thương hiệu “Tôm Cà Mau” và từng bước phân phối trực tiếp sản phẩm tôm đến các siêu thị tại các thị trường quốc tế không qua nhà nhập khẩu trung gian. Từ đó, giữ vững và phát triển các thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng và phát triển các thị trường tiềm năng khác. Phấn đấu đến năm 2020, cơ cấu thị trường EU khoảng 17%, thị trường Nhật Bản 20%, Mỹ 20%, còn lại là thị trường Trung Quốc và các thị trường khác khoảng 40% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản.
Ðể đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp đã xây dựng lộ trình phát triển diện tích tôm công nghiệp, tôm quảng canh cải tiến, tôm sinh thái… Ðặc biệt, thời gian tới sẽ đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi quy phạm thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt theo VietGAP, GobalGAP, xây dựng vùng nuôi an toàn sinh học đáp ứng tiêu chuẩn ASC, BMP… nuôi trồng thuỷ sản có chứng nhận và đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến bàn ăn, truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thuỷ sản.
Tuy nhiên, để tạo được chuỗi sản phẩm thông suốt từ ao nuôi tới bàn ăn, ông Ðỗ Văn Sơ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau, cho rằng, khi xây dựng chuỗi sản xuất cần xác định doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt. Từ đó có chính sách ưu đãi hơn nữa để thu hút doanh nghiệp xoắn tay vào cuộc.
Ông Ðỗ Văn Sơ minh chứng, sự kết hợp giữa Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, Dự án SNV của Tổ chức phát triển Hà Lan, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nhưng Miên, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển và người dân nơi đây trong thực hiện mô hình nuôi tôm sinh thái kết hợp trồng rừng đã mang lại cho người dân khá nhiều lợi ích. Không chỉ người dân được tập huấn kỹ thuật về nuôi tôm để tăng năng suất lẫn trồng rừng mà sản phẩm của người dân còn được thu mua cao hơn thị trường 10%.
Ðược xem là “anh cả” trong ngành chế biến và xuất khẩu thuỷ sản trên địa bàn, Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú luôn biết cách phát triển trong điều kiện nền kinh tế chung khó khăn nhất. Ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, nhận định, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và đòi hỏi khắt khe của thị trường, doanh nghiệp luôn phải biết tự làm mới mình bằng những dây chuyền máy móc, trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao và sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu. Ðặc biệt, những sản phẩm theo xu hướng công nghệ sinh học, bảo đảm sạch, không nhiễm kháng sinh và hoá chất được xem là tạo sự đột phá.
Ðẩy mạnh liên kết trong sản xuất, đầu tư đổi mới trang thiết bị, máy móc trong chế biến và tập trung phát triển sản phẩm sạch là bước đột phá để đưa giá trị sản phẩm tôm tăng cao và xâm nhập sâu vào những thị trường lớn.
Có thể bạn quan tâm
Tôi trở lại cánh rừng dầu tái sinh của cha con anh Trần Văn Hiếu ở thôn Bình An, xã Tân Bình (thị xã La Gi) vào buổi chiều tháng 6. Trong rừng, cây dầu, cây sến đã cao lên, xanh ra, tràn đầy sức sống. Hầu hết phát triển đồng đều, cao từ 10 - 15m, trên 20cm đường kính. Dưới tán rừng là thảm thực vật. Chồn, sóc và khỉ đã xuất hiện trong rừng.
Thời gian gần đây, người dân tại TP. Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông bắt đầu đối diện với tình trạng khó tiêu thụ quả thanh long. Thông tin này được truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin, tác động tiêu cực đến những hộ tham gia trồng thanh long nơi đây.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ nay tới cuối năm còn khá nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc.
Ngày 13-8, Cục Cạnh tranh (Bộ Công thương) đã làm việc với Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai về kiến nghị kiện bán phá giá đối với các sản phẩm gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam tại Đồng Nai.
Những ngày qua, giá chuối ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã tăng trở lại, sau một thời gian giảm thấp nhất trong vài năm trở lại đây, do không có thị trường tiêu thụ. Với giá bán bình quân hơn 4.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với thời gian từ tháng 6 trở về trước, đã phần nào giảm bớt khó khăn cho người trồng chuối tại địa phương này.