Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Khoai Lang Thu Đông Hiệu Quả

Trồng Khoai Lang Thu Đông Hiệu Quả
Ngày đăng: 26/09/2012

Khoai lang là cây trồng lấy củ, vốn rất quen thuộc với nông dân ở các vùng, miền. Trong nhiều năm gần đây, cây khoai lang đã trở thành cây trồng hàng hóa, đem lại hiệu quả cao cho người trồng. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có củ - Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm là đơn vị không chỉ chọn tạo được nhiều giống cây có củ tiến bộ mà còn có nhiều kĩ thuật tiên tiến tác động lên các cây trồng này.
 
Với cây khoai lang, các kĩ thuật tiến bộ đã được kiểm chứng và cho kết quả khả quan qua các mô hình mà Trung tâm triển khai trên các địa bàn trong và ngoài tỉnh Hải Dương. Xin được giới thiệu với bà con nông dân các kĩ thuật tiên tiến này trên cây khoai lang vụ Thu Đông:
 
+ Thời vụ: Vùng đồng bằng sông Hồng, cây khoai lang chỉ cho năng suất cao khi được trồng trong vụ Thu Đông với thời vụ từ 25/8- 10/9 hàng năm.
 
+ Kĩ thuật làm đất: Đất thích hợp cho cây khoai lang là đất cát pha, đất thịt nhẹ.
 
Đất cần được cày bừa kĩ, lên luống rộng 1,2m, cao 30 - 40cm. Đây là điều kiện cần thiết để cây khoai lang có điều kiện phát triển thuận lợi và cho năng suất cao. Không nên làm luống thấp và nhỏ hơn (cây không cho năng suất tối đa, bọ hà phá hại nhiều) hoặc cao và rộng hơn (lãng phí đất dẫn đến giảm năng suất củ). Nếu đất có tầng đất màu nông thì cần làm luống rộng 1,3 - 1,4m.
 
+ Chuẩn bị giống: Để có năng suất cao, nông dân chỉ khai thác dây bánh tẻ đoạn 1 và đoạn 2 sao cho đoạn dây cắt dài 30-35cm. Đảm bảo trên dây khoai phải có từ 5- 6 mắt thân.
 
+ Kĩ thuật trồng: trồng hàng đơn, đặt dây giống dọc theo luống và nối đuôi nhau, đảm bảo 4 dây/1m dài của luống (cây cách cây 25cm). Chú ý dây giống đặt nông, chỉ để 3 lá ngọn phía trên mặt đất. Nếu để quá 3 lá trên mặt đất, cây khoai sẽ hô hấp và thoát hơi nước nhiều làm cho đoạn dây nhanh bị khô và chết, nhất là khi trồng gặp thời tiết nắng nóng, khô hanh.
 
Với kĩ thuật trồng như trên, kết quả cho thấy, năng suất khoai cao hơn đối chứng (trồng kiểu áp tường), củ to đều. Trồng theo kiểu áp tường cây đâm tia củ và xuống củ không thuận lợi, số tia củ chỉ tập trung về một bên luống.
 
+ Phân bón: Lượng phân bón cho 1 sào Bắc bộ:
 
300kg phân chồng hoặc 30kg hữu cơ vi sinh + 3 - 5 kg urê + 15- 20kg supe lân + 6 - 7 kg kali.
 
Bón lót toàn bộ lượng phân chuồng hoặc hữu cơ vi sinh và toàn bộ phân lân + 1/3 lượng đạm + 1/3 lượng kali. Lượng phân còn lại dùng để bón thúc kết hợp với vun xới.
 
Vun xới lần 1: Sau trồng 20 - 25 ngày kết hợp với bón thúc 1/3 lượng đạm và 1/3 lượng kali.
 
Vun xới lần 2: Tiến hành sau lần 1 từ 15-20 ngày, kết hợp với bón toàn bộ số phân còn lại.
 
+ Chăm sóc:
 
- Bấm ngọn: Sau khi trồng 15-20 ngày cần bấm ngọn để cây phân nhiều cành cấp 1. Trong suốt thời gian sinh trưởng sau của cây khoai lang không nên bấm ngọn nhiều lần. Khi thấy dây khoai bò xuống rãnh, cần sớm nhấc dây, vắt lên luống. Nếu thấy thân lá phát triển mạnh quá chỉ cần cắt tỉa bớt thân lá ở phần rãnh luống.
 
- Tưới nước: Thường xuyên giữ ẩm cho các luống khoai đảm bảo độ ẩm luống đạt 70-80% (lấy đất ở nơi rễ cây tập trung nhiều, nắm trong tay thấy mát, không có nước rỉ ra kẽ tay hay đất tơi ra khi buông nắm tay là được). Không được để nước liên tục ở rãnh, vì độ ẩm quá lớn, cây khoai sẽ tập trung ra rễ mà không phát triển nhiều tia củ.
 
+ Phòng trừ sâu bệnh hại: So với các cây rau màu khác, cây khoai lang ít bị sâu bệnh hại hơn. Chú ý phòng trừ một số sâu bệnh hại chính như: sâu ăn lá, bọ hà, bệnh ghẻ. Trong đó quan trọng nhất là phòng trừ bọ hà bằng cách lên luống cao, vun luống 2 lần/vụ, giữ ẩm thường xuyên cho luống; tuyệt đối không được để luống khoai khô nứt nẻ sẽ tạo điều kiện cho bọ hà chui vào luống khoai hại củ; có thể dùng thuốc Diazan 10H rắc vào rạch trước khi trồng sẽ diệt được bọ hà gây hại...).


Có thể bạn quan tâm

Đổi thay nhờ tư duy mới Đổi thay nhờ tư duy mới

Đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất lúa nước giúp người dân giải phóng sức lao động, hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa, tăng hiệu quả kinh tế từ “bờ xôi ruộng mật”, góp phần đổi thay diện mạo nông thôn vùng lòng chảo.

04/05/2015
Phát triển chăn nuôi hướng thoát nghèo ở Keo Lôm Phát triển chăn nuôi hướng thoát nghèo ở Keo Lôm

Khai thác tiềm năng kinh tế nông – lâm nghiệp, trong đó phát triển chăn nuôi là thế mạnh, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa bước đầu mang lại những tín hiệu khả quan trong công tác xóa đói giảm nghèo.

04/05/2015
Hiệu quả bước đầu trong đào tạo nghề nông nghiệp Hiệu quả bước đầu trong đào tạo nghề nông nghiệp

Với hơn 80% dân số sống bằng nghề nông, nên khi Đề án 1956 triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, nông dân chủ yếu chọn nghề nông bởi nhiều lẽ...

04/05/2015
Nông dân huyện Cao Lãnh thu hoạch mè có lãi cao Nông dân huyện Cao Lãnh thu hoạch mè có lãi cao

Đến ngày 3/5/2015, nông dân huyện Cao Lãnh thu hoạch được 600/700ha mè vụ hè thu năm 2015, tập trung ở các xã Bình Hàng Trung, Mỹ Hội, Mỹ Thọ, An Bình, Nhị Mỹ, Tân Nghĩa và Phong Mỹ; năng suất đạt từ 1 – 1,5 tấn/ha.

04/05/2015
Huyện Lấp Vò xác định 3 ngành hàng chủ lực để tái cơ cấu nông nghiệp Huyện Lấp Vò xác định 3 ngành hàng chủ lực để tái cơ cấu nông nghiệp

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, giai đoạn 2015 – 2020, huyện Lấp Vò xác định tập trung ưu tiên thực hiện 3 ngành hàng chủ lực và lợi thế của huyện, đó là lúa gạo, cây màu và chăn nuôi bò thịt.

04/05/2015