Trồng Đu Đủ Ruột Vàng Cho Thu Nhập Kinh Tế Cao
Thăm vườn đu đủ Long An ruột vàng của gia đình nông dân Dương Trường Sơn (39 tuổi), ở thôn 4, xã Tân Phúc (Hàm Tân - Bình Thuận), chúng tôi ghi nhận cách làm mới anh đang áp dụng trên vùng đất còn nhiều khó khăn. Để có vườn đu đủ xanh tốt, cho trái nhiều như hiện nay, anh Sơn trải qua bao vất vả khổ cực.
Cách đây vài năm trên diện tích đất này, anh Sơn trồng hoa màu là chính, sau nhiều năm thất thu do phụ thuộc nguồn nước trời, tính rủi ro cao, vốn đầu tư hàng chục triệu đồng không có lãi. Nhiều lần gia đình anh định bỏ đi nơi khác, nhưng rồi ý chí và nghị lực giúp anh quyết tâm bám đất, bám vườn.
Đầu năm 2014, nghe người thân giới thiệu các giống cây trồng ngắn ngày, trong đó cây đu đủ Long An ruột vàng trồng thuận lợi, lại cho hiệu quả kinh tế cao. Không ngần ngại anh khăn gói về vùng đất tỉnh Long An để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc. Nhờ sự giúp đỡ của người quen, anh tiếp cận loại cây này và mạnh dạn mua 600 cây giống (giá 3.000 đồng/cây con) về trồng thí điểm trên diện tích 4.000m2 của mình.
Anh Sơn cho biết: “Giống đu đủ Long An ruột vàng trồng rất hợp trên vùng đất pha cát, ít gió. Thời gian sinh trưởng, phát triển nhanh, tỷ lệ cho trái nhiều và ít khi chết cây. Trung bình mỗi trái khi thu hoạch từ 1,5 - 2 kg, mỗi cây cho 60kg, thu trong 2 năm liên tiếp”.
Đu đủ Long An ruột vàng được xem là cây trồng ngắn ngày, trái dễ tiêu thụ. Với đặc điểm trái to, vỏ bóng và nặng ký. Khi chín đu đủ có ruột vàng, dày cơm, ít hạt, vị ngọt thanh, vì thế được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Khi trồng giống đu đủ này không đòi hỏi vốn đầu tư nhiều, ít tốn công chăm sóc, dịch bệnh sâu hại không đáng lo ngại như các loại cây trồng khác. Một lợi thế nữa là đu đủ ruột vàng có vỏ cứng, thuận lợi cho việc vận chuyển đi xa.
“Quan trọng nhất khi trồng giống đu đủ Long An ruột vàng là sử dụng phân bón, nguồn nước tưới phù hợp, giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, vì vậy ít thất thoát hơn các giống cây trồng ngắn ngày hiện nay.
Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các hộ đã trồng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc, vườn đu đủ phát triển nhanh, cho trái đồng loạt lại đồng đều. Mấy ngày qua tôi thu hơn 4 tấn, bán giá tại vườn 7.000 đồng/kg”, anh Sơn nói.
Để hạn chế các khoản đầu tư chăm sóc, anh Sơn tính toán kỹ trước khi trồng giống đu đủ này. Thay vì trồng cùng lúc với các hộ dân khác, anh chọn cho mình cách xuống giống trái vụ, tức chọn thời điểm đầu mùa nắng là trồng, sau thời gian chăm sóc đến đầu mùa mưa cây cho trái và thu hoạch là vừa, cách làm này tiết kiệm được chi phí đầu tư cũng như công tưới nước, giá bán lại cao hơn.
Ngoài diện tích 4.000m2 đất trồng giống đu đủ Long An ruột vàng, anh còn tận dụng diện tích đất ven hồ chứa nước để trồng thêm. Đến nay số đu đủ này đã cho trái rất nhiều, được thu hoạch dần. Từ đây đến cuối năm, nếu thời tiết thuận lợi, giá ổn định, vườn đu đủ chắc chắn mang lại nguồn thu nhập cao.
Cách làm của anh Sơn là một hướng đi phù hợp, người dân các địa phương khác thấy có điều kiện đất phù hợp, cần tham quan học hỏi để áp dụng, nhằm mang lại lợi ích kinh tế cao cho gia đình.
Có thể bạn quan tâm
Từ năm 2011, khi các Dự án về nuôi cá giòn được triển khai ở địa phương, các chủ hộ được tập huấn kỹ thuật luyện cá nuôi thường (cá trắm và chép) thành cá giòn, đã giúp người dân nuôi hiệu quả hơn và nghề này ngày càng phát triển.
Để bảo vệ vườn chuối, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên đề nghị địa phương tổ chức tập huấn cho người trồng chuối về kỹ thuật canh tác và phòng trừ sâu bệnh hại chuối, đồng thời tiến hành áp dụng mô hình trồng chuối cao sản để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Đến thời điểm này, vụ vải thiều năm 2014 đã kết thúc. Theo tổng hợp của ngành chức năng, sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đạt hơn 191 nghìn tấn, tăng hơn 60 nghìn tấn so với năm 2013.
Một trong những hộ nuôi ong mật thành công trên địa bàn huyện là là anh Nguyễn Văn Thanh ở xã Tân Tiến. Hiện anh Thanh đang sở hữu khoảng 1.000 thùng ong với 6 năm kinh nghiệm nuôi ong lấy mật và anh là thành viên của hội nuôi ong tại địa phương.
Với đặc điểm của một xã vùng cao có diện tích đất nông nghiệp hạn chế cộng với khí hậu khắc nghiệt khiến việc trồng trọt ở Sủng Là gặp nhiều khó khăn, chỉ đủ ăn. Việc trồng cỏ và nuôi bò được xem là một hướng đi chính có nhiều triển vọng giúp người dân ở đây xóa đói giảm nghèo theo chủ trương của tỉnh.