Tín Hiệu Vui Từ Các Mô Hình Nuôi Tôm Công Nghiệp

Năm 2013 khép lại, đánh dấu sự thành công của nhiều mô hình nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Nhiều vùng nuôi liên tục thất bát trong năm trước, nay lại được mùa đã góp phần đem lại “sinh khí” mới cho loại hình nuôi trồng thủy sản này.
Thời điểm tiết trời giá lạnh cuối năm tràn về cũng là lúc các chủ đồng nuôi tôm công nghiệp tận thu những lứa tôm cuối cùng trong năm để tháo nước phơi ao chờ thả vụ xuân năm sau. Năm nay, các chủ ao nuôi đều lạc quan vì năng suất, sản lượng tôm đạt cao. Đáng nói, giá tôm thẻ chân trắng - loại con nuôi trong các khu nuôi tôm công nghiệp đạt cao nhất trong gần 10 năm qua. Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2013, diện tích các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng toàn tỉnh là 130 ha, đạt 100% kế hoạch. Kết thúc các lứa nuôi tôm trong năm, các chủ đồng đã thu hoạch khoảng 1.500 tấn tôm thẻ chân trắng, tăng 14,5% so với năm 2012, năng suất bình quân 11,5 tấn/ha.
Theo anh Bùi Xuân Hải, chuyên viên Phòng Nuôi trồng Thủy sản thuộc Sở NN&PTNT, vào đầu năm, tình hình rét đậm kéo dài đã làm chậm quá trình thả giống vụ xuân. Nhiều cơn bão trong năm cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới các khu nuôi tôm công nghiệp.
Để giúp nông dân vượt qua các khó khăn nói trên, các phòng chuyên môn của sở đã phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn, triển khai thả đúng lịch thời vụ, quản lý chặt chẽ chất lượng giống, thức ăn... Trong các mô hình nuôi tôm công nghiệp tại Thanh Hóa hiện nay, các mô hình trên cát cho năng suất cao hơn trên ao đất.
Đáng mừng là hơn 10 địa phương có mô hình nuôi tôm công nghiệp năm nay đều được mùa, trong khi trước đây thường thì nơi được nơi mất. Mô hình (5 ha) nuôi tôm công nghiệp tại xã Quảng Chính (Quảng Xương) cho năng suất hơn 15 tấn/ha/vụ; 3 ha nuôi tôm tại xã Hải Châu và 6 ha tại xã Tân Dân (Tĩnh Gia) cho năng suất 15 tấn/ha/vụ... Các mô hình ở nhiều xã, như: Hải An, Thanh Thủy (Tĩnh Gia), Quảng Trung, Quảng Lưu, Quảng Thái (Quảng Xương), Nga Tân (Nga Sơn), Minh Lộc, Đa Lộc (Hậu Lộc)... đều cho lãi lớn.
Đi dọc con đê biển từ xã Hoằng Thanh đến Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) vào những ngày này, không khí lao động trên các đồng tôm lại nhộn nhịp sau nhiều vụ khá im ắng. Những xe tải nhỏ tỉnh ngoài tìm về tận các đầm nuôi để thu mua tôm đã nói lên vụ tôm bội thu tại vùng ven biển này. Theo hạch toán của các hộ dân, tổng số tiền đầu tư cho con giống, cải tạo ao đồng, thức ăn... hết khoảng 50% doanh thu, các chủ ao thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng trên mỗi ha.
Các mô hình nuôi tôm công nghiệp tại xã Hoằng Phụ được khẳng định cho hiệu quả cao nhất tỉnh trong năm qua với năng suất từ 18 đến 20 tấn tôm thương phẩm/ha/vụ. Năm nay, giá tôm xuất bán tại đây đạt cao với mức 230.000 đồng/kg (loại 60 đến 65 con/kg), 200.000 đồng/kg (loại 70 đến 80 con/kg)... Trên bờ biển thôn Xuân Phụ cùng xã, đầm nuôi tôm công nghiệp của gia đình anh Ngô Xuân Tiến vừa cho thu hoạch vụ tôm cuối trong năm với năng suất lên tới 20 tấn/ha.
Theo anh Tiến, giá tôm hiện tại 200.000 đồng/kg nên vụ này, 1 ha ao nuôi gia đình anh cho tổng thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Theo những người nuôi tôm ở đây, tôm thương phẩm được đưa đi các tỉnh phía Bắc tiêu thụ và xuất khẩu đi Trung Quốc. Giá tôm thẻ chân trắng năm nay cao là do các mô hình nuôi tôm công nghiệp bên Trung Quốc mất mùa.
Thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Hoằng Hóa, năm 2013 huyện có 6,3 ha nuôi tôm công nghiệp trên cát. Năng suất tôm nuôi toàn huyện đạt trung bình khoảng 15 tấn/ha/vụ. Tại các ao nuôi, chủ đồng thả 2 vụ trong năm nên sản lượng tôm đạt hơn 30 tấn/ha/năm, thu nhập khoảng hơn 600 triệu đồng/ha/năm. Tại nhiều khu nuôi, các chủ đồng dành một ao chuyên ương giống để thả gối lứa nên cho thu hoạch tới 3 - 4 vụ/năm, đem lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.
“Trước vụ tôm bội thu, các chủ đồng muốn mở rộng diện tích, song huyện không đồng ý, tránh tình trạng không kiểm soát được đầu ra hoặc “dính” tình trạng mất mùa được giá, được mùa lại ế ẩm” - ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó trưởng Phòng NN&PTNT Hoằng Hóa cho biết.
Từ sự khởi sắc của mô hình nuôi trồng thủy sản thâm canh này, năm 2014, ngành nông nghiệp tỉnh nhà cho phép các địa phương mở rộng thêm 20 ha, đưa tổng diện tích nuôi tôm công nghiệp toàn tỉnh lên 150 ha.
Có thể bạn quan tâm

Đến nay, tổng diện tích cà phê toàn tỉnh Gia Lai là 79.122 ha, trong đó diện tích cà phê kinh doanh 76.523 ha. Cây cà phê được trồng chủ yếu ở: Ia Grai, Đak Đoa, Chư Prông, Chư Sê, Chư Pah, Chư Pưh, Mang Yang, Đức Cơ, Kbang và TP. Pleiku. Khoảng 3/4 diện tích cà phê hiện có trên địa bàn được trồng từ thời kỳ 1995-2000, trong đó nhiều diện tích đã được 20 năm tuổi.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, 6 tháng qua, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, cây nhãn có dấu hiệu hồi phục, những vườn nhãn được đầu tư chăm sóc, thực hiện đúng quy trình của Cục Bảo vệ thực vật thì tỷ lệ bệnh thấp hơn 15%.

Tôm nước lợ là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, trước những thách thức nội tại của ngành và yêu cầu của thị trường, chỉ có cách nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu theo hướng tăng giá trị gia tăng.

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 530 hộ nuôi cá tra thương phẩm, tăng 6 hộ so với cùng kỳ 2014. Trong đó, số hộ nuôi cá thể chiếm 57,74% số hộ nuôi của toàn tỉnh. Vùng nuôi của doanh nghiệp chiếm trên 74% diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 1.319 cơ sở sản xuất, kinh doanh ương giống cá tra đáp ứng yêu cầu nuôi thương phẩm trên địa bàn và một số địa phương vùng ĐBSCL.

Theo một nghiên cứu do Oceana công bố gần đây, gần 2/3 cá ngừ bán tại các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ ở Mỹ là loại cá khác. Kết luận này được đưa ra sau khi Oceana thực hiện một số chiến dịch bảo vệ và khôi phục đại dương.