Sản Xuất Lúa Sạch, Hướng Đến Tăng Tính Cạnh Tranh Trong Nông Nghiệp

Giáo sư - Tiến sĩ (GS-TS) Võ Tòng Xuân nhận định: “Việt Nam đang chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định kinh tế đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi đó kinh tế nước ta sẽ gặp rất nhiều thách thức, nhất là đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ngoài ra năm cộng đồng kinh tế Asean cũng bắt đầu có hiệu lực, các nước Asean sẽ tự do xuất khẩu hàng sang Việt Nam khi đó thách thức sẽ càng lớn. Vì vậy, làm thế nào tăng cường tính cạnh tranh của nông dân Việt Nam là việc mà chúng ta cần phải làm hiện nay”.
Cũng theo GS-TS Võ Tòng Xuân - cố vấn mô hình sản xuất lúa sạch của Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Thanh Liêm (Đồng Tháp) thì hiện nay, sản phẩm Việt Nam xuất sang thị trường các nước được kiểm định rất nghiêm ngặt, nhất là thị trường Nhật Bản. Hiện nước này có đến 600 mẫu kiểm định, nếu kiểm định sản phẩm có chứa những chất này họ sẽ không nhập khẩu.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân để giải bài toán này, đối với cây lúa không gì khác là phải chọn địa điểm thích hợp để triển khai mô hình sản xuất lúa (gạo) sạch đáp ứng trước tiên cho nhu cầu xuất khẩu và tăng tính cạnh tranh cho người nông dân. Theo đó, dự án sản xuất lúa sạch có liên kết tiêu thụ của HTXNN Thanh Liêm (xã Láng Biển, huyện Tháp Mười) với Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ (SXTMDV) Vua vi sinh và Công ty TNHH XNK Thương mại Võ Thị Thu Hà ra đời, mang theo kỳ vọng sẽ giúp người nông dân tìm ra đáp án cho bài toán cạnh tranh trong nông nghiệp hiện nay.
HTXNN Thanh Liêm được thành lập vào ngày 2/12/2013, với 10 xã viên, tổng số vốn góp hơn 2,1 tỷ đồng. Hoạt động chính của HTX là sản xuất lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ và phục vụ các dịch vụ nông nghiệp. Theo dự án liên kết giữa HTXNN Thanh Liêm với Công ty TNHH SXTMDV Vua vi sinh và Công ty TNHH XNK Thương mại Võ Thị Thu Hà, trong vụ đông xuân năm 2014, HTX sẽ sản xuất 200ha lúa chất lượng cao có sử dụng phân vi sinh của Công ty Vua vi sinh. Bên cạnh đó, đến khi thu hoạch sản phẩm được Công ty TNHH XNK Thương mại Võ Thị Thu Hà bao tiêu với giá cao hơn thị trường 200 đồng/kg. Qua đó sẽ giúp cho sản xuất đầu vào của người dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận và không lo về đầu ra.
Điểm khác biệt giữa lúa (gạo) sạch sản xuất tại HTX so với những loại gạo sạch nhiều nơi đó là hầu như nông dân tại các vùng sản xuất lúa hữu cơ đều không sử dụng phân bón cho lúa nên lúa kém năng suất dẫn đến nông dân không có lời. Trong khi đó, với dự án lúa sạch ở HTX này, nông dân vẫn không sử dụng thuốc trừ sâu, bệnh mà thay thế bằng việc sử dụng phân vi sinh của Công ty Vua vi sinh tạo tăng dưỡng chất trong đất, giúp cây lúa ít sâu bệnh lại vừa có dưỡng chất để cây phát triển, từ đó làm cho gạo vừa sạch vừa có năng suất cao.
Theo nhận định của GS-TS Võ Tòng Xuân, nếu mô hình thực hiện thành công, HTX mở rộng diện tích và sử dụng quy trình một cách đồng nhất thì chắc chắn sẽ có loại gạo sạch rất tốt. Có thể xem dự án là bước chuẩn bị để làm tăng tính cạnh tranh của bà con nông dân của Việt Nam nói chung và của bà con Đồng Tháp nói riêng.
Giám đốc HTXNN Thanh Liêm - ông Phạm Thanh Liêm là người rất tâm huyết với dự án này cho biết, việc thành lập HTX sản xuất lúa sạch là ý tưởng ông ấp ủ từ lâu, vì ông nhận thấy để người nông dân yên tâm sản xuất, không cách nào khác phải có sự liên kết với doanh nghiệp từ đầu vào đến đầu ra. Từ đó, ông vận động một số hộ gia đình góp vốn để thành lập HTX.
Ông Liêm cho biết, vấn đề quan trọng nhất là đầu ra ổn định cho xã viên. Để làm được điều này, Ban quản trị HTX sẽ liên kết chặt chẽ với Công ty TNHH SXTMDV Vua vi sinh và Công ty TNHH XNK Thương mại Thu Hà sao cho sản xuất đạt hiệu quả, đồng thời vận động mỗi xã viên của HTX cũng luôn phải tự nhắc nhở mình về vấn đề giữ gìn an toàn vệ sinh trong sản xuất. Để từ đó, bà con xung quanh thấy được hiệu quả của dự án để hăng hái tham gia.
Xã viên HTX còn được nhân viên kỹ thuật của Công ty hỗ trợ kỹ thuật sử dụng phân bón hiệu quả, đảm bảo lúa đạt chất lượng cung cấp cho đơn vị thu mua. Ông Nguyễn Hoàng Cung – Giám đốc kinh doanh kỹ thuật Công ty TNHH SXTMDV Vua vi sinh cho biết: Trước khi thành lập HTX, Công ty đã có khảo nghiệm thực tế sản phẩm tại các vùng sản xuất lúa ở xã Láng Biển, qua quá trình khảo nghiệm được bà con tin tưởng nên Công ty mạnh dạn chịu trách nhiệm đầu vào của mô hình sản xuất lúa sạch. Trong đó sử dụng các sản phẩm từ xử lý hạt giống đến nuôi hạt có kết hợp với GS-TS Võ Tòng Xuân bảo đảm về tính hiệu quả, trong đó mục tiêu chính mà Công ty hướng đến là làm giảm chi phí, tăng năng suất, lợi nhuận cho người dân.
Với việc sản xuất lúa sạch theo chu trình khép kín, hiện đại, dự án lúa sạch tại HTXNN Thanh Liêm được kỳ vọng sẽ là hướng đi mới giải quyết cho bài toán đầu ra sản phẩm hiện nay. Ông Võ Văn Dũng - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười cho biết: Hiện nay, huyện Tháp Mười đang quy hoạch vùng sản xuất lúa quy mô lớn theo hướng hiện đại, mục tiêu chủ yếu là giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tạo đầu ra sản phẩm ổn định, tránh tình trạng thương lái ép giá.
Có thể nói, định hướng dự án sản xuất lúa sạch của HTXNN Thanh Liêm có liên kết với Công ty TNHH SXTMDV Vua vi sinh và Công ty TNHH XNK Thương mại Võ Thị Thu Hà đã thể hiện hướng đi bền vững, giúp giải bài toán giảm giá thành, tăng năng suất, tăng lợi nhuận, đặc biệt là có đầu ra ổn định mà người nông dân hằng mong đợi. Mô hình này được xem là hướng đi mới, bền vững trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Tháp Mười.
Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Thanh Tùng ngụ ấp Trung Bình 2, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn cho biết: Gia đình ông chủ yếu là sản xuất lúa, nhưng do lúa thời gian gần đây xảy ra dịch bệnh nhiều, ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất lúa thường đạt thấp, giá cả lại bấp bên nên ông muốn tìm mô hình mới đưa vào sản xuất để góp phần cải thiện cuộc sống gia đình.

UBND huyện hỗ trợ 50 nghìn đồng/sào để tập huấn quy trình kỹ thuật chăm sóc và mua giống. Diện tích dưa sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất ước đạt 1 tấn/sào. Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Hải Dương ký kết bao tiêu sản phẩm với giá 6,5 nghìn đồng/kg, trừ chi phí nông dân ước thu lãi gần 150 triệu đồng/ha/vụ.

Được biết, mô hình này triển khai 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, bắt đầu trồng từ tháng 10.2014, với số lượng 2.000 cây, trên diện tích 0,5ha; giai đoạn 2 sẽ trồng tiếp 0,5 ha trong năm 2015. Sau khi trồng thí điểm thành công, Ban Quản lý rừng phòng hộ sẽ tiến hành chuyển giao kỹ thuật, mở rộng diện tích giúp người dân phát triển kinh tế gia đình và tham gia bảo vệ rừng.

Với khoảng thời gian hơn 10 năm, cây chè Shan tuyết khẳng định ưu thế trên vùng đất Huồi Tụ và Mường Lống của huyện biên giới Kỳ sơn. Sản phẩm chè Shan tuyết ở Nghệ An đã được người tiêu dùng biết đến. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị, cần tăng cường công tác chế biến và quảng bá cho thương hiệu vươn xa hơn…

Hiện tại, bà con vùng màu của huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đang vào mùa thu hoạch rộ khoai môn và củ kiệu. Theo phản ánh của bà con nông dân, do năm nay thời tiết không thuận lợi nên năng suất của kiệu và khoai môn giảm trung bình từ 20 – 30% so với cùng kỳ năm trước.