Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng (Dọc Mùng) Bạc Hà Trúng Mùa

Trồng (Dọc Mùng) Bạc Hà Trúng Mùa
Ngày đăng: 14/02/2011

Nhắc đến xã Thạnh Hội (Tân Uyên) người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh “cù lao hành”. Nhưng đến Thạnh Hội vào thời điểm này cây hành dường như đã trở thành “thứ yếu” vì cây bạc hà mới là cây trồng chủ lực.

Chuyển đổi cây trồng

Chúng tôi đến xã Thạnh Hội vào những ngày đầu năm 2011. Đứng trên cầu Thạnh Hội phóng tầm mắt nhìn về cù lao chúng tôi không còn thấy các luống hành trải dài như trước đây nữa mà thay vào đó là những mảng xanh ngút ngàn của cây bạc hà. Dọc các tuyến đường bao cù lao đâu đâu cũng thấy người ta trồng bạc hà. Cây bạc hà không xa lạ với người dân tại đây vì từ lâu họ đã trồng. Chỉ có một điều khác là hiện nay nhiều nông dân đã tập trung chuyển nhiều diện tích đất trồng hành sang trồng bạc hà. Trước đây khi trồng bạc hà với diện tích nhỏ, nông dân không nhận ra giá trị kinh tế đích thực của loại cây trồng này. Nhưng khi đưa vào sản xuất với diện tích lớn thì hiệu quả kinh tế đã nhìn thấy rõ. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, diện tích trồng bạc hà trên Cù lao Thạnh Hội đã tăng gấp 10 lần. Nếu như năm 2009 diện tích trồng bạc hà chỉ là 25 ha thì đến năm 2010 đã tăng lên 50 ha.

Cùng với sự tăng lên nhanh chóng của diện tích trồng cây bạc hà thì diện tích trồng cây hành đã giảm mạnh. Lý do đơn giản để nông dân Thạnh Hội không còn mặn mà với cây hành nữa là do không hiệu quả do đất trồng hành lâu năm đất bị thoái hóa, năng suất cây hành không còn cao. Hiện chỉ còn vài hộ trồng hành và chỉ trồng luân canh theo thời vụ, khi nào có giá thì trồng chứ không còn trồng thường xuyên như trước đây nữa. Nhận thấy tình hình khó khăn của cây hành, năm 2009 UBND xã Thạnh Hội đã mạnh dạn xây dựng thí điểm mô hình chuẩn trồng cây bạc hà và sau đó nhân rộng ra các hộ dân. Ông Đào Văn Nô - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Hội cho biết: “Phong trào trồng cây bạc hà hiện nay phát triển rất mạnh, đến nay đã trở thành cây trồng chủ lực của xã. Cây hành hiện nay chỉ là cây thứ yếu và diện tích cây hành đang giảm đi rất nhiều. Trong thời gian tới cây bạc hà sẽ tiếp tục được khuyến khích phát triển”.

Cây bạc hà sẽ đứng vững?

Hiệu quả kinh tế trước mắt của cây bạc hà là rất cao và tỏ ra thích hợp với vùng cù lao này. Vào thời điểm cao giá, bạc hà bán tại vườn có giá từ 6.500 - 7.000 đồng/kg. Hiện nay giá bán của cây bạc hà chỉ còn 2.500 đồng/kg nhưng đây cũng là mức giá đem lại thu nhập cao cho nông dân. Nếu được chăm sóc bài bản, 1 ha trồng bạc hà có thể cho năng suất bình quân từ 6 - 7 tấn với mức giá trị từ 70 - 80 triệu đồng/ha/năm. Theo các hộ nông dân tại đây cây bạc hà dễ trồng, dễ chăm sóc và thu hoạch; mức đầu tư cho các diện tích trồng bạc hà cũng thấp hơn so với trồng hành. Ngoài ra các mô hình trồng bạc hà ít tốn lao động và có thể tận dụng được các công lao động nhàn rỗi cũng như lao động lớn tuổi. Thời gian thu hoạch của cây bạc hà cũng dài hơn cây hành. Một gốc bạc hà có thể thu hoạch từ 3 - 4 tháng (sau khi cắt cuống, cây bạc hà sẽ mọc lên cuống mới và tiếp tục cho thu hoạch).

Anh Bình - người có thâm niên 4 năm trồng bạc hà tại đây mà người ta quen miệng gọi là “Bình bạc hà” vui vẻ cho chúng tôi biết: “Đã lâu năm trồng loại cây này cho đến nay tôi mới thấy lợi thế đích thực của nó. Trồng loại cây này ít lo về sâu bệnh và thu hoạch cũng dễ dàng hơn. Hiện nay tôi chỉ có 3 sào đất trồng bạc hà thôi nhưng mỗi mùa vụ cũng thu về trên 20 triệu đồng. Sau khi trừ đi các chi phí thu được lãi ròng trên 10 triệu đồng”. Anh Bình cũng như nhiều nông dân tại đây đã nhận ra giá trị kinh tế của cây bạc hà, tuy nhiên theo anh trồng cây bạc hà cũng cần chú ý luân canh cây trồng này với các loại cây trồng khác thích hợp vì nếu không luân canh chắc chắn cây bạc hà sẽ không còn đạt được năng suất như ban đầu.

Nhu cầu tiêu thụ loại cây trồng này trong thời điểm hiện nay là rất mạnh. Theo các thương lái lâu năm thu mua các loại nông sản tại đây cho biết, nếu nông dân sản xuất nhiều bao nhiêu họ cũng có thể mua được hết, nông dân không phải sợ sản phẩm của mình bán không được. Ông Nguyễn Kim Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội cho biết: “Chúng tôi tin tưởng rằng cây bạc hà sẽ đứng vững trên vùng đất này và trong thời gian tới diện tích trồng bạc hà sẽ tiếp tục tăng. Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng cây bạc hà cho các hộ dân có nhu cầu để xây dựng được các mô hình trồng bạc hà bền vững và có sản phẩm đạt chất lượng cao cũng như tạo các điều kiện tốt nhất cho các hộ dân trồng bạc hà phát triển sản xuất”.


Có thể bạn quan tâm

Khoai Mỡ Mất Mùa, Rớt Giá Khoai Mỡ Mất Mùa, Rớt Giá

Hàng chục năm nay, khoai mỡ đã là loại cây trồng “ăn nên làm ra” của nhiều nông dân huyện Thạnh Hóa (Long An). Nhưng với họ, vụ khoai mỡ năm nay lại là một mùa thu hoạch buồn.

24/11/2013
Có Thể Làm Giàu Từ Cây Đinh Lăng? Có Thể Làm Giàu Từ Cây Đinh Lăng?

Trong chuyến công tác về Bù Gia Mập (Bình Phước), chúng tôi được giới thiệu mô hình làm kinh tế mới từ cây đinh lăng của ông Hà Ngọc Oánh ở thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa.

24/11/2013
Giá Tiêu Tăng, Người Trồng Tiêu Phấn Khởi Giá Tiêu Tăng, Người Trồng Tiêu Phấn Khởi

Từ đầu năm đến nay, giá thu mua hạt tiêu trên thị trường khá ổn định và luôn ở mức cao, khiến người trồng tiêu rất phấn khởi.

24/11/2013
Chuối Laba Sang Nhật Chuối Laba Sang Nhật

Lần đầu tiên Công ty TNHH La Ba, Đà Lạt vừa xuất khẩu sang Nhật 10 tấn chuối Laba Lâm Đồng. Kết quả này đã nhận được những “phản hồi” tích cực về triển vọng hợp tác lâu dài.

24/11/2013
Phấn Đấu Đến Năm 2020 Có 100 Nghìn Ha Tôm Nuôi Quảng Canh Cải Tiến Phấn Đấu Đến Năm 2020 Có 100 Nghìn Ha Tôm Nuôi Quảng Canh Cải Tiến

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, năm 2013, diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh này là trên 266 nghìn ha. Trong đó, trên 36 nghìn ha nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến, hơn 5.448 ha nuôi thâm canh, còn lại là nuôi quảng canh truyền thống, nuôi kết hợp đối tượng thủy sản khác.

25/11/2013